24/03/2024 08:26
'10 - 15 năm chưa chắc Việt Nam có hấp dẫn... và nhiều tiềm năng như bây giờ'?
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng: “10 - 15 năm nữa, chưa chắc Việt Nam có hấp dẫn, còn trẻ, năng động và nhiều tiềm năng như bây giờ. Nếu Việt Nam không giải quyết nhanh khó khăn, vướng mắc từ bây giờ, thì sau nay rất khó để tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư”.
Nếu không cố gắng, 10 năm nữa, Việt Nam sẽ rất khó khăn
Nói về những lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số tốt nhất và đẹp nhất. Nhưng thời kỳ này không tồn tại mãi, chỉ giới hạn 10 - 15 năm nữa. Sau này, lưng người còng rồi mà kinh tế chưa phát triển, thì nếu các nhà đầu tư nước ngoài rút hết, chỉ còn lại doanh nghiệp trong nước, sẽ rất nguy hiểm cho Việt Nam.
Bây giờ là thời điểm quan trọng cho tương lai, nếu không cố gắng hơn nữa thì 10 năm sau rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng khá lo lắng cho tương lai Việt Nam.
“10 - 15 năm nữa, chưa chắc Việt Nam có hấp dẫn, còn trẻ, năng động và nhiều tiềm năng như bây giờ. Nếu Việt Nam không giải quyết nhanh khó khăn, vướng mắc bây giờ, thì sau nay rất khó để tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư”, ông Hong Sung thẳng thắn nói.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Hong Sun cho rằng vấn đề cấp bách nhất hiện nay vẫn là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn điện. Khi Bộ Công thương Hàn Quốc lập kế hoạch phát triển công nghiệp, họ đã lập kế hoạch phát triển điện trước. Không có điện thì không có công nghiệp. Sản xuất thép, sản xuất chất bán dẫn, màn hình, pin…, tất cả đều sử dụng điện, nên Hàn Quốc cần đảm bảo nguồn điện khổng lồ.
Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 7/2023, nhiều khu vực ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...) xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện. Một số khu công nghiệp cũng tiến hành cắt điện có báo trước, với tần suất khoảng 1-2 lần/tuần.
“Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được rằng, thiếu điện là yếu tố gây trở ngại lớn cho thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Đã có nhiều nỗ lực nhằm đề ra các giải pháp, nhưng đây là vấn đề khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn”, ông Hong Sun nói.
Ông Hong Sun nhấn mạnh, với các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn, hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, nhưng vẫn đang ngần ngại.
Không nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng
Ông Hong Sun cho biết Hàn Quốc có đầu tư cảng điện khí LNG tại Việt Nam. Trong tương lai, nếu Việt Nam chấp nhận, chúng tôi sẵn sàng đầu tư phát triển điện hạt nhân.
“Về điện hạt nhân, chúng tôi là số 1. Hàn Quốc đang quản lý, vận hành và xuất khẩu nhiều nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới. Khi nào Việt Nam chấp nhận làm điện hạt nhân, chúng tôi sẵn sàng đầu tư, hợp tác để cùng Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, ông Hong Sun nói.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác, ông Hong Sun nhấn mạnh đó là việc doanh nghiệp Việt phải tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Hong Sun, hiện rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi có những tập đoàn lớn tầm cỡ thế giới như Samsung, LG…, nhưng không nhiều công ty Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của chúng tôi, đó là việc đáng tiếc.
“Samsung vào Việt Nam năm 2008, sản xuất điện thoại 16 năm rồi. Trong từng đó thời gian mà chưa có số lượng doanh nghiệp đáng kể như doanh nghiệp hỗ trợ Hàn Quốc tham gia chuỗi. Việt Nam vẫn cứ làm những dịch vụ đơn giản như bao bì, thức ăn, chứ không phải làm những công nghệ cao, linh kiện quan trọng”, ông Hong Sun nói.
Đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh các dooanh nghiệp Hàn Quốc mong đợi và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi. Nếu chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài như nhau, chúng tôi sẽ ưu tiên mua từ doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vẫn rất khó tìm.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement