30/03/2019 17:25
Xuất khẩu sang Trung Quốc: Những điều doanh nghiệp Việt cần phải biết
Bà Phan Gia Mẫn - phụ trách kinh doanh, công ty TNHHXNK Vũ Thạnh chia sẻ kinh nghiệm xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc nên việc xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi, cả chính ngạch, tiểu ngạch, cả đường biển thông qua hệ thống cảng lẫn đường bộ qua các cửa khẩu, biên mậu. Tuy nhiên để hợp tác, làm ăn lâu dài với Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì? Dưới đây là kinh nghiệm của bà Phan Gia Mẫn, phụ trách kinh doanh, công ty TNHHXNK Vũ Thạnh.
1. Am tường chính sách
Khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần tìm hiểu chính sách biên mậu Trung Quốc. Nếu chính sách biên mậu của họ hỗ trợ cho các mặt hàng của các quốc gia Đông Nam Á hay các nước trong khối “Con đường tơ lụa” hay chính sách “Nhất lộ thông - một vành đai một con đường” thì doanh nghiệp Việt Nam nên chọn những sản phẩm phù hợp để xuất qua đường biên mậu.
Còn lại những sản phẩm nào không phù hợp với chính sách đó thì mình nên đi theo con đường chính ngạch thông qua hệ thống cảng quốc tế. Lưu ý biên mậu không đồng nghĩa với việc bán hàng trôi nổi, mà là xuất hàng chính thống và đóng thuế như chính ngạch.
2. Phải tiết kiệm thời gian
Nếu thuế suất như nhau thì thông thường người ta chọn chính ngạch bằng đường thủy sẽ có lợi hơn do chi phí vận chuyển giá rẻ. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chọn đi đường bộ vì không phải mất thời gian lưu công lưu bãi.
Đối với buôn bán, hàng hóa của người nào đến trước sẽ ưu thế. Đường bộ có thể hàng đến sau hơn một ngày nhưng đường biển có khi cả tuần thậm chí 20 ngày mới hoàn tất các thủ tục. Đó là chưa kể nhiều đối tác Trung Quốc thích đi đường tiểu ngạch bởi họ mua bán theo kiểu không cần xuất hóa đơn hoặc theo kiểu chợ sỉ.
Các doanh nghiệp chia sẻ về kinh nghiệm làm ăn với Trung Quốc - Ảnh: Cẩm Viên |
3. Nắm rõ thị trường
Nhiều sản phẩm nông lâm - thủy hải sản của Việt Nam được chào đón nhưng cũng có nhiều sản phẩm bị hạn chế ở Trung Quốc, với Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới có những dịch bệnh đặc trưng, hàng hóa giống nhau. Ví dụ như cá Basa thì không có giới hạn nhưng với heo, ếch thì bị kiểm soát, khống chế chứ không phải mặt hàng nào cũng có thể xuất được.
Trung Quốc họ có quy định về nhập khẩu đi đôi với vùng kiểm dịch, do đó doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm, chú trọng vào những yêu cầu này. Đừng nghĩ tôi tìm cách gia nhập vào hiệp hội, liên hội nào đó để hưởng ưu đãi thuế tốt nhất, nhưng thực ra có mặt hàng nông - thủy - hải sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc nếu không bị vấn đề về kiểm dịch thì thuế suất đều bằng 0%.
Ngoài ra doanh nghiệp cũng lưu ý: có những mặt hàng bên Trung Quốc không có, ở Việt Nam có nhưng khi đưa hàng sang vẫn không bán được vì không có thị trường. Ví dụ như bánh tráng ở Việt Nam món ăn phổ biến nhưng bên Trung Quốc chỉ là món ăn chơi, ăn khai vị, rất ít nên thị trường rất kén.
4. Nắm bắt thông tin
Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn về thực phẩm nhập khẩu thì đó là chuyện đương nhiên khi một quốc gia có khoảng 1,5 tỷ dân họ phải dò rất kỹ về vấn đề chất lượng an toàn. Những quy định về chất lượng an toàn, Trung Quốc quy định khá rõ ràng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể cập nhật trên trang web chính thống như kiểm dịch, hay các trang bộ nông nghiệp Trung Quốc.
Thường trước khi đưa ra quyết định, bộ luật nào đó thì họ đều có dự thảo để lấy ý kiến. Tuy nhiên ở Trung Quốc họ đã làm thì rất nhanh, chỉ trong vòng 3 tháng là xong. Cho nên nếu không sâu sát, đeo bám thì doanh nghiệp Việt Nam xoay sở không kịp. Khi bạn xoay sở không kịp thì chúng ta nghĩ nó thay đổi quá nhanh.
Vấn đề quan trọng là Việt Nam cần có một cơ quan, một bộ phận chuyên trách để theo dõi, liên tục cập nhật thông tin cho doanh nghiệp về những thay đổi trong chủ trương, danh sách, thông tin thị trường từ Trung Quốc, đừng để doanh nghiệp tự bơi.
5. Biết tiếng Hoa
Biết tiếng Trung Quốc là một thuận lợi, vì bạn có thể đọc các chính sách trên báo mạng để hiểu rất kỹ quy định chính sách. Khi ngôn ngữ không rành thì doanh nghiệp thường rất ngại khi tiếp xúc với khách hàng.
6. Tự tin chất lượng
Quy định về chất lượng sản phẩm thì Trung Quốc yêu cầu riêng, độc lập như quốc gia khác. Rào cản kỹ thuật phía Trung Quốc đặt ra ngày càng cao nhưng không phải quá khó với doanh nghiệp Việt Nam. Nghĩa là với các quy định của Trung Quốc, chúng ta đều có thể đạt được nếu có ý định và quyết tâm làm ăn lâu dài.
Hàng hóa sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đủ chuẩn xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ Châu Âu, Nhật Bản thì với Trung Quốc chúng ta có thể vượt qua. Nhưng vấn đề tồn tại lâu nay là nhiều nhà sản xuất Việt Nam thiếu căn cơ, làm ăn theo kiểu nhất thời, giải quyết chuyện trước mắt, chấp nhận làm theo những yêu cầu của thương nhân Trung Quốc để qua ngưỡng sống còn nên chấp nhận giá thấp; cách hành xử đó vô hình chung làm mất hình ảnh, mất giá trị hơn Việt Nam. Cho nên ở đây cũng cần sự hỗ trợ, can thiệp của nhà nước cách nào đó để hỗ trợ, sàn lọc các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Thường thì doanh nghiệp Trung Quốc đặt hai loại hàng nguyên liệu thô, mang về bên đó chế biến lại hay là đặt hàng thành phẩm. Nhưng với yêu cầu mặt hàng thành phẩm thì doanh nghiệp tiếp nhận thường mang tâm lý sợ người Trung Quốc đặt xong rồi không làm tiếp (hủy, bỏ hợp đồng), nên không tự tin đầu tư công nghệ máy móc... và như vậy về lâu về dài hàng Việt Nam không nâng được giá trị. Do đó chúng ta cần có những doanh nghiệp đối trọng, thuyết phục được phía Trung Quốc để họ ký kết hợp đồng làm ăn lâu dài.
7. Chủ động về thanh toán
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại về rủi ro thanh toán với doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng theo tôi đây không phải là vấn đề vì chúng ta nắm thế chủ động trong các mặt hàng xuất khẩu. Giống như hiện giờ con cá Basa, ưu thế đang nằm ở người nuôi cá, người sản xuất, người xuất khẩu. Nếu đối tác Trung Quốc muốn lấy hàng thì phải thanh toán tiền trước.
Việt Nam và Trung Quốc gần gũi nhau về địa lý, văn hóa cũng rất gần nhau thì không lý nào chúng ta không xuất được hàng vào thị trường 1,5 tỷ dân. Vấn đề lớn nhất hiện nay là rào cản ngôn ngữ để tìm hiểu, tiếp xúc, trình bày, diễn đạt. Thứ đến là chúng ta còn mang tính vị nể của người châu Á, nên không sòng phẳng, nhiều thứ chúng ta không rõ ràng ngay từ đầu để được lòng trước khỏi mất lòng sau như cách làm ăn của người châu Âu.
Advertisement
Advertisement