15/04/2024 07:31
Xe nhập khẩu 'chất đống', biến cảng biển châu Âu thành bãi đỗ ô tô
Xe nhập khẩu đang chất đống tại các cảng châu Âu, biến chúng thành những bãi đỗ xe, khi các nhà sản xuất ô tô và nhà phân phối đang đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng chậm lại và tắc nghẽn hậu cầu, bao gồm cả thiếu tài xế lái xe tải.
Các lãnh đạo ngành cảng biển và ô tô cho biết tình trạng ùn tắc của ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính gây ra vấn đề, với việc một số công ty đặt hàng mà không yêu cầu vận chuyển tiếp theo từ các cảng ở châu Âu. Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô cũng đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển xe tải do thiếu tài xế và phương tiện vận chuyển ô tô.
"Các nhà phân phối ô tô đang sử dụng không gian đỗ xe của các cảng làm kho chứa. Thay vì lưu kho tại các đại lý, những chiếc ô tô được thu trực tiếp tại bến cảng. Tất cả các cảng ô tô lớn đều đang xoay sở với tình trạng tắc nghẽn mà không rõ nguồn gốc của những chiếc ô tô", đại diện cảng Antwerp-Bruges, nơi có cảng Zeebrugge là cảng nhập khẩu ô tô bận rộn nhất châu Âu, cho biết.
Theo một số lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô, doanh số của các hãng ô tô Trung Quốc tại thị trường châu Âu không tốt như mong đợi. Và điều này là nguyên chính gây ra tình trạng dư thừa ô tô tại các cảng trong khu vực.
Một số mẫu ô tô Trung Quốc đã nằm ở các cảng châu Âu trong khoảng 18 tháng, trong khi một số cảng đã yêu cầu các nhà nhập khẩu cung cấp kế hoạch về lộ trình vận chuyển tiếp theo. Các chuyên gia hậu cần ô tô cho biết nhiều ô tô nhập khẩu đã dỡ hàng được để lại ở cảng cho đến khi được bán cho các nhà phân phối hoặc người dùng cuối.
"Vận chuyển trong nội địa tại các thị trường châu Âu rất khó khăn đối với các thương hiệu xe điện Trung Quốc", Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội xe khách Trung Quốc, cho biết. Ông nhấn mạnh các thương hiệu Trung Quốc cần thay đổi cách xuất khẩu ô tô theo kiểu hỗn loạn, bởi điều này có thể đặt họ vào tình thế bất lợi.
Công ty vận hành nhà ga xử lý ô tô BLG Logistics của Đức, cho biết thời gian dừng chờ bốc dỡ của các tàu vận chuyển ô tô kéo dài lâu hơn, sau khi chính phủ liên bang Đức ngừng trợ cấp cho việc mua xe điện vào tháng 12 năm ngoái.
Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển diễn ra sau khi nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, như BYD, Great Wall, Chery và SAIC, lên kế hoạch mở rộng xuất khẩu sang châu Âu, vừa để duy trì hoạt động của nhà máy ở Trung Quốc vừa để tận dụng nhu cầu sử dụng xe điện trong khu vực.
Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc vào năm 2023 tăng 58% so với năm trước, qua đó thúc đẩy định hình lại đáng kể thị trường ô tô. Trong hai tháng đầu năm 2024, Bỉ, Anh, Đức và Hà Lan là các thị trường xuất khẩu hàng đầu của ô tô điện, hybrid và xe chạy bằng hydro từ Trung Quốc.
Thế nhưng, nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc chật vật với những thách thức hậu cần trong nỗ lực xây dựng đội ngũ ở thị trường châu Âu.
Là những người chơi mới tham gia thị trường, những "vị khách" từ Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các công ty vận chuyển để ưu tiên xử lý các đơn hàng. Theo chuyên gia trong ngành, thiếu xe tải là một vấn đề phổ biến, bởi nhiều lô hàng xe tải đã được đặt trước bởi Tesla.
Điều này cũng có nghĩa là bất kỳ thương hiệu mới nào cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề này. Nếu không có quy mô đủ lớn, nếu không thể thực hiện quy trình giao hàng thường xuyên, các hãng ô tô mới sẽ không nằm trong danh sách ưu tiên của các công ty vận tải đường bộ.
Vấn đề tắc nghẽn hiện là trở ngại mới nhất đối với hệ thống vận chuyển ô tô toàn cầu. Ngành công nghiệp này đã gặp không ít khó khăn trong những tháng gần đây do sự thiếu hụt năng lực vận chuyển tàu, đặc biệt sau khi xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng đột biến, đẩy nhu cầu tàu vận chuyển ô tô đường dài tăng 17% so với năm trước. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi các cuộc tấn công xảy ra ở Biển Đỏ, khiến hành trình vận chuyển kéo dài đáng kể.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp