14/12/2018 00:57
Xác định thời điểm bỏ phiếu về Brexit, tương lai khó đoán định đang chờ đợi nước Anh
Thủ tướng Theresa May sẽ đưa thỏa thuận Brexit của bà ra bỏ phiếu tại Quốc hội Anh sớm nhất có thể trong tháng 1/2019, trước ngày 21/1.
Theo hãng tin Reuters, người phát ngôn của Thủ tướng Anh ngày 13/12 đã tuyên bố thông tin trên.
Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn nêu rõ: "Tôi có thể xác nhận rằng cuộc bỏ phiếu đầy ý nghĩa sẽ không diễn ra trước Giáng sinh, song sẽ diễn ra sớm nhất có thể khi Quốc hội (làm việc) trở lại, và chắc chắn sẽ trước ngày 21/1".
Quốc hội Anh sẽ làm việc trở lại vào ngày 7/1/2019, sau kỳ nghỉ Giáng sinh.
Trước đó, tối 12/12 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Anh Theresa May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của đảng Bảo thủ cầm quyền về vai trò lãnh đạo đảng với 200 phiếu ủng hộ và 117 phiếu chống.
Đây là kết quả đã được dự báo từ trước, vì ngay sau khi kế hoạch bỏ phiếu này được thông báo vào sáng cùng ngày, đa số các nghị sĩ Bảo thủ tại Hạ viện, trong đó có toàn bộ các thành viên nội các, đã công khai tuyên bố sẽ bỏ phiếu tiếp tục ủng hộ bà trên cương vị người đứng đầu Đảng Bảo thủ, cùng với đó là cương vị Thủ tướng Anh.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này là kết quả trực tiếp của việc Thủ tướng Anh quyết định hoãn việc đưa thỏa thuận Brexit ra thông qua tại Hạ viện vào ngày 11/12 như kế hoạch ban đầu, vì triển vọng thất bại là gần như chắc chắn khi có hơn 100 nghị sĩ trong Đảng Bảo thủ khẳng định sẽ bỏ phiếu chống.
Dù đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Đảng Bảo thủ, song dường như thắng lợi này không thay đổi một thực tế rằng Thủ tướng Anh sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.Nỗi lo lớn nhất hiện nay của Thủ tướng May là liệu có thuyết phục được các nghị sĩ tại Hạ viện bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit hay không.
Đây là kịch bản mong chờ của Thủ tướng May vì hiện giờ bà vẫn đang đối mặt với những khó khăn bủa vây ở cả nội bộ lẫn bên ngoài từ các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền, đảng DUP đến EU. DUP, đảng mà chính phủ dựa vào sự hậu thuẫn của đảng này tại Hạ viện đang yêu cầu Thủ tướng May đàm phán lại với EU phần kế hoạch dự phòng đối với vấn đề đường biên giới Ireland.
Trong khi đó, về phía EU, khối này cho biết sẽ không đàm phán lại những nội dung đã thỏa thuận xong với London. Một nỗi lo nữa là nguy cơ về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác tại Hạ viện đối với Thủ tướng Anh May và chính phủ của bà do Công đảng đối lập của ông Jeremy Corbyn đang phát động.
Với những khó khăn trên, con đường đi tới kịch bản thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện còn quá xa. Có lẽ triển vọng này sẽ sáng rõ hơn đôi chút sau cuộc họp sắp tới giữa Thủ tướng May và các lãnh đạo EU, dự kiến diễn ra ngày 13 và 14/12 tại Brussels.
Hiện nay cả EU và Thủ tướng May đều đang chuẩn bị kế hoạch cho Brexit không đạt được thỏa thuận nào. Và điều này dường như đúng ý với những nghị sĩ theo phái hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ. Trên thực tế, bế tắc tại Hạ viện từng khiến Thủ tướng May không thể trình thỏa thuận Brexit trước các nghị sĩ tuần này, vẫn còn tồn tại, trong khi căng thẳng trong đảng Bảo thủ với vấn đề châu Âu vẫn chưa được giải quyết.
Do vậy, những người thuộc phe cực hữu trong đảng Bảo thủ có thể sẽ cùng với các đảng đối lập, trong đó có cả các nghị sĩ của DUP, ngăn cản được Thủ tướng May đạt đa số phiếu ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà tại Hạ viện.
Với thời gian đang gần hết, sức mạnh của Công đảng đối lập chưa thực sự đủ lớn mạnh để lấn lướt, những nghị sĩ thuộc phái hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ có thể nắm giữ được cơ hội lớn tại Hạ viện, và kinh tế Anh tiến gần đến trạng thái bấp bênh cho đến ngày 29/3/2019 - thời điểm Anh chính thức rời EU.
Trong bối cảnh hiện nay, kịch bản Anh “chia tay” EU không đạt được thỏa thuận nào hiện đang nổi lên như một lựa chọn mang tính khả thi cao. Nếu đến ngày chính thức rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào đạt được và hai bên không kéo dài thêm thời hạn, Anh sẽ trở thành quốc gia ngoài EU mà không có bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp nào.
Theo kịch bản này thì ngay sau ngày 29/3/2019, London sẽ mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và không còn tên trong các hiệp định thương mại của EU với các quốc gia khác. Ngân hàng Anh ước tính trong trường hợp này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm 8%.
Khi đó, tương lai chờ đợi nước Anh và EU sẽ là quan hệ chính trị giữa hai bên trở nên mờ nhạt, quan hệ thương mại hoàn toàn chỉ còn dựa trên những điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Anh sẽ phải chịu thuế của EU như các nước ngoài EU, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn định đời sống và việc làm của người dân Anh.
Một số nhà sản xuất tại Anh có thể sẽ phải dịch chuyển sản xuất sang EU để tránh việc phải chờ đợi các linh kiện lắp rắp họ đặt hàng bị tắc nghẽn tại cửa khẩu chờ làm thủ tục hải quan khi vào Anh. Tuy vậy, Anh sẽ không phải tuân theo các quy định của Tòa án Tối cao châu Âu.
Còn tác động với EU cũng không nhỏ. Đầu tiên là EU sẽ không có được khoản tiền 13 tỷ bảng mỗi năm do Anh đóng cho ngân sách EU. Đổi lại, nông dân Anh cũng sẽ mất khoản trợ giá 3 tỷ bảng mỗi năm theo chính sách chung của EU.
Vấn đề quyền sống và làm việc của 1,3 triệu công dân Anh tại EU và 3,7 triệu công dân EU tại Anh sẽ không rõ ràng. Vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Thủ tướng Theresa May đã thực hiện được mong muốn hoàn thành nốt trọng trách đưa nước Anh rời khỏi EU theo đúng ý nguyện của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Tuy nhiên, vẫn chưa thấy được chút ánh sáng le lói nào cuối đường hầm cho tương lai nước Anh sau Brexit. Trong khi đó, việc bà May tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ trước cuộc tổng tuyển cử năm 2022 được cho là sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực trong đảng, khiến những chia rẽ trong đảng Bảo thủ sẽ lớn hơn trong thời gian tới.
Điều này sẽ dẫn tới những bất lợi vô cùng to lớn trong cuộc chạy đua với Công đảng đối lập tại cuộc tổng tuyển cử 2022. Với những gì đang xảy ra trên chính trường Anh trong thời gian qua, một tương lai khó đoán định đang chờ đợi cả nước Anh và đảng Bảo thủ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp