23/04/2023 07:16
WIPO: Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công
Theo ông Andrew Ong, Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam là một câu chuyện thành công về phát triển kinh tế; có tính khởi nghiệp cao. Lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng đã thay đổi và phát triển một cách rất ấn tượng.
Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/6), đại diện WIPO đã có những trao đổi về thành tựu kinh tế, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng như đưa ra các khuyến nghị.
Đánh giá Việt Nam là một câu chuyện thành công về phát triển kinh tế, ông Andrew Ong dẫn nhận định của OECD cho thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong 20 năm qua, nhờ thúc đẩy xuất khẩu và thu hút FDI.
Năm 2019, dòng chảy thương mại (tức là tổng giá trị xuất nhập khẩu) so với GDP đạt 210%, có giá trị cao nhất trên thế giới đối với các quốc gia có dân số ít nhất 50 triệu người. Cơ cấu xuất khẩu cũng thay đổi theo thời gian, chuyển từ sản phẩm nông nghiệp cơ bản vào những năm 1980, sang các sản phẩm dệt may và giày dép vào những năm 1990 và 2000, và sang các sản phẩm điện tử trong những năm gần đây.
Ngoài ra, Việt Nam là một nền kinh tế có tính khởi nghiệp cao, thể hiện qua tỷ lệ cao về số doanh nghiệp đăng ký mới, số doanh nghiệp tăng trưởng cao và công ty gazelle (công ty có tăng trưởng cao, đã tăng doanh thu ít nhất 20% mỗi năm trong 4 năm trở lên). Chất lượng môi trường kinh doanh quốc gia đã được cải thiện trong những năm gần đây nhờ vào cải cách quy định và chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bất chấp tăng trưởng bị suy giảm do hậu quả của đại dịch COVID-19, nền kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi và kỳ vọng đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Sở hữu trí tuệ là chất xúc tác mạnh mẽ tạo việc làm, đầu tư, tăng trưởng kinh doanh
Đưa ra những đánh giá về lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, ông Andrew Ong cho rằng, lĩnh vực này cũng đã thay đổi và phát triển một cách rất ấn tượng. Việt Nam đã có khung pháp lý về sở hữu trí tuệ phù hợp với các chuẩn mực và phát triển quốc tế; là thành viên của 12 Điều ước quốc tế về ở hữu trí tuệ do WIPO quản lý.
Ngoài ra 48 viện, trường đại học, doanh nghiệp đã tham gia mạng lưới TISCs (bắt nguồn từ Dự án TISC - các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo của WIPO) quốc gia tại Việt Nam. Người dân ngày càng quan tâm và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ thể hiện qua việc sử dụng các công cụ sở hữu trí tuệ ngày càng tăng của các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và các nhà sáng chế.
Ông Andrew Ong dẫn chứng đơn đăng ký sáng chế của người nộp đơn Việt Nam đã tăng hơn 3 lần trong giai đoạn từ 2011 đến 2020 (500 đơn năm 2011 so với 1.501 đơn năm 2020). Đơn đăng ký nhãn hiệu của người nộp đơn Việt Nam tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ (từ 22.357 đơn năm 2011 đơn so với 47.246 đơn năm 2020). Đơn đăng ký kiểu dáng của người nộp đơn Việt Nam tăng gần 30% so với cùng kỳ (từ 1.198 đơn năm 2011 so với lên 1.994 đơn năm 2020).
"Nói cách khác, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công của WIPO, và điều này được minh chứng bởi các thước đo về đổi mới sáng tạo", Andrew Ong nhấn mạnh.
Việt Nam hiện xếp thứ 48 trong số 132 nền kinh tế được xếp hạng trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc sử dụng GII. Cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam đối với chính sách đổi mới sáng tạo và GII rõ ràng đã tạo ra những kết quả đáng ghi nhận và Việt Nam hiện đang tập trung triển khai chỉ số đổi mới cấp tỉnh/địa phương.
Điểm lại một số hoạt động của WIPO nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam như: Các khóa đào tạo, Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; số hóa các tài liệu sở hữu công nghiệp…, đại diện WIPO cho biết, hoạt động hợp tác trong tương lai giữa WIPO và Việt Nam có thể triển khai ở cấp cơ sở nhằm phù hợp với định hướng mới của WIPO là mang "sở hữu trí tuệ đến mọi người, mọi nơi".
Cùng với Cục Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, WIPO mong muốn thiết lập một cơ chế hợp tác trong sử dụng quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống sở hữu trí tuệ như một chất xúc tác mạnh mẽ nhằm tạo việc làm, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh doanh và cuối cùng là phát triển kinh tế và xã hội-nơi phụ nữ, giới trẻ, doanh nhân, các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà nghiên cứu, cộng đồng bản địa và các cộng đồng khác, những người chưa có kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ, có thể góp phần thực hiện sứ mệnh đó thông qua các hoạt động tiếp cận cộng đồng có sức lan tỏa và tác động mạnh mẽ.
Hai bên cũng có thể hợp tác trong việc giải quyết vấn đề của các cá nhân, tổ chức hay cộng đồng thông qua nền tảng mạng hay phương tiện thông tin trực tuyến 24/7, để bất kỳ ai có câu hỏi về sở hữu trí tuệ trong hành trình khởi nghiệp hoặc đổi mới sáng tạo của mình có thể yêu cầu trợ giúp và tiếp cận các công cụ, tài liệu của WIPO.
Bình luận thêm về chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2023 là "Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo", ông Andrew Ong cho biết, thông điệp của WIPO nhằm tôn vinh sự khéo léo và sáng tạo của các nhà đổi mới, sáng tạo và doanh nhân nữ trên toàn thế giới. Bằng kỹ năng sáng tạo, sự khéo léo và chăm chỉ của mình, phụ nữ ở khắp nơi đang góp phần định hình thế giới thế nhưng họ lại thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các kiến thức, kỹ năng, nguồn lực và những hỗ trợ cần thiết.
Sự chênh lệch về giới đã được minh chứng qua số liệu thống kê phụ nữ sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ, vì vậy WIPO đang nỗ lực để tạo ra thay đổi và hy vọng thu hẹp khoảng cách đó theo thời gian. Thống kê năm 2020 chỉ ra rằng chỉ có 16,5% nhà sáng chế đứng tên trong các đơn đăng ký sáng chế quốc tế là phụ nữ. Trong khi số liệu đang thể hiện đúng xu hướng, thì tốc độ lại có vẻ chậm. WIPO ước tính rằng, với tốc độ như hiện nay, sự cân bằng về giới giữa các chủ đơn đăng ký sáng chế sẽ chỉ có thể đạt được vào năm 2056 ở châu Á (còn đối với bình diện toàn cầu là năm 2061).
Hiện Kế hoạch hành động về sở hữu trí tuệ và Bình đẳng giới của WIPO được xây dựng theo 3 trụ cột hoạt động: Hỗ trợ Chính phủ các quốc gia thành viên lồng ghép quan điểm bình đẳng giới vào các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình và dự án về sở hữu trí tuệ; chủ trì nghiên cứu nhằm xác định phạm vi và bản chất của khoảng cách về giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và các cách thức nhằm thu hẹp khoảng cách đó; thí điểm các dự án và sáng kiến mới theo định hướng về giới nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của phụ nữ và các tổ chức hỗ trợ phụ nữ.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement