Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vụ bắt giữ nữ lãnh đạo của Huawei có thể trở thành quân bài "mặc cả" trên bàn đàm phán Mỹ - Trung

Phân tích

11/12/2018 00:49

Vụ Canada bất ngờ bắt giữ phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), theo yêu cầu của Mỹ đang trở thành tâm điểm của chính trường quốc tế trong những ngày gần đây.

Trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ vẫn đang ở trong tình trạng căng thẳng, vụ bắt giữ không chỉ khoét sâu sự bất đồng giữa hai cường quốc này mà còn đẩy cuộc đối đầu Trung-Mỹ ngày càng đi xa.

Vụ bắt giữ nữ lãnh đạo của Huawei 

Ngày 5/12, Bộ Tư pháp Canada cho biết, cảnh sát nước này đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu tại thành phố Vancouver hôm 1-12 khi đang quá cảnh tại sân bay, cùng ngày diễn ra cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Buenos Aires, Argentina với việc đạt thỏa thuận "đình chiến thương mại".  

Bà Mạnh Vãn Chu đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Tại phiên tòa diễn ra ở Vancouver ngày 7/12, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran. 

CFO của Huawei có thể sẽ phải chịu mức án tù cao nhất là 30 năm với mỗi cáo buộc kể trên.
CFO của Huawei có thể sẽ phải chịu mức án tù cao nhất là 30 năm với mỗi cáo buộc kể trên.

Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2009 tới 2014, Huawei đã sử dụng Skycom để tiến hành các giao dịch ở Iran, bất chấp lệnh cấm của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, CFO của tập đoàn Huawei cũng bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cơ quan tài chính. 

CFO của Huawei có thể sẽ phải chịu mức án tù cao nhất là 30 năm với mỗi cáo buộc kể trên. Hiện bà Mạnh Vãn Chu đã xin được bảo lãnh tại ngoại vì lý do sức khỏe. Trong phản ứng đầu tiên, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ vụ bắt giữ, yêu cầu trả tự do cho quan chức Huawei, đồng thời Mỹ và Canada phải giải thích rõ vụ việc. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/12 cũng đã triệu Đại sứ Mỹ Terry Branstad tại nước này để phản đối mạnh mẽ về vụ bắt giữ. Trung Quốc nhấn mạnh rằng phía Mỹ đã vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc, và tính chất của sự vi phạm này là rất tồi tệ.

Trung Quốc cho biết cả Mỹ và Canada đều không cung cấp được cho nước này bất cứ bằng chứng nào cho thấy bà Mạnh Vãn Chu đã vi phạm các quy định của hai nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ có các biện pháp kịp thời để sửa chữa những sai lầm và thu hồi lệnh bắt giữ và trả tự do cho công dân Trung Quốc Mạnh Vãn Chu.

Trung Quốc cũng tuyên bố, những biện pháp tiếp theo của Bắc Kinh sẽ dựa vào các hành động của Mỹ.  Về phía Canada, nước này khẳng định việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu không có bất kỳ sự can thiệp hay động cơ chính trị nào và đây là hoạt động độc lập của hệ thống tư pháp. 

Chính phủ Mỹ thì chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vụ việc, song một số quan chức Mỹ đã bác bỏ khả năng ông chủ Nhà Trắng được thông báo trước về kế hoạch bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng chỉ trích việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Ông cho rằng đây là sự ngạo mạn, là minh chứng về chính sách "nước lớn" của Mỹ và cần phải chấm dứt.

Vụ bắt giữ nữ lãnh đạo của Huawei có thể trở thành quân bài

Huawei và sự lo ngại của Mỹ

Huawei, tập đoàn cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất và nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới được thành lập năm 1987. Tập đoàn này được biết đến là đối thủ đã soán ngôi "á quân" của tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ Apple trên thị trường điện thoại thông minh.

Theo thống kê doanh thu trong quý II/2018, Huawei đã lần đầu tiên vượt Apple về doanh số điện thoại thông minh khi xuất xưởng tới 54,2 triệu chiếc, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi Apple chỉ xuất xưởng 41,3 triệu chiếc.

Hơn nữa, Huawei còn mở rộng sang những lĩnh vực mới như phát triển điện tử, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, đặc biệt là phát triển mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), một lĩnh vực mà công ty này có thế mạnh và kế hoạch đầu tư tại nhiều nước.

Từ lâu Huawei đã nằm trong tầm ngắm của giới chức Mỹ. Nay, trong bối cảnh cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và không gian mạng ngày càng quyết liệt, thì những tập đoàn như Huawei chắc chắn sẽ bị đẩy lên tuyến đầu.

Chủ đề "Huawei" tại Mỹ cũng mang những yếu tố chính trị. Trong nhiều năm qua, các chuyên gia an ninh quốc gia và công nghiệp Mỹ nhiều lần đề cập tới những rủi ro an ninh xuất phát từ các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông được sản xuất tại Trung Quốc.

Thực tế Huawei đã nằm dưới sự theo dõi của giới chức Mỹ từ hơn 10 năm trước. Hồi năm 2007 và 2010, Chính phủ Mỹ cản bước chân Huawei tiến sâu vào thị trường nước này khi lần lượt từ chối cho phép Huawei tham gia đấu thấu dự án đầu tư mạng lưới viễn thông 3G và nâng cấp mạng lưới mạng không dây cho hãng viễn thông Sprint.

Vụ bắt giữ nữ lãnh đạo của Huawei có thể trở thành quân bài

Cho đến đầu năm 2018, thương vụ hợp tác phân phối điện thoại thông minh giữa Huawei và AT&T tại Mỹ "đổ bể" phút chót. Tập đoàn này cũng bị cấm tham gia mạng 5G ở Mỹ trong tương lai. Lấy lý do an ninh quốc gia để "đóng cửa" thị trường với Huawei, Mỹ còn khuyến cáo các nước phương Tây tẩy chay các sản phẩm gắn mác Huawei, động thái được nhận định là lôi kéo các đồng minh và đối tác tạo một "thế trận cờ vây" xung quanh Huawei, mà mục tiêu là hướng tới "cô lập" Trung Quốc, ít nhất là về kinh tế.

Lần lượt các đồng minh của Mỹ như Australia, New Zealand, Anh và mới nhất là Nhật Bản có động thái tương tự Washington. Trên thực tế, trong nỗ lực duy trì vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của mình, Mỹ luôn coi sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc là "mối đe dọa" cần phải được kiềm chế.

Không chỉ về kinh tế mà cả chính trị, quân sự, an ninh, Mỹ đang xem Trung Quốc như đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng và mức độ xung đột lợi ích giữa hai bên mang cấp độ toàn cầu. Chính Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng nói rằng cần phải có chiến lược ngăn cản tham vọng của Huawei trong lĩnh vực 5G nói riêng và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc nói chung. 

Tác động tiêu cực

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tăng tốc đàm phán nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại lan rộng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu có thể "đổ thêm dầu" vào mối căng thẳng vẫn đang "âm ỉ" giữa Washington và Bắc Kinh và có thể đẩy cuộc chiến thương mại lên một nấc thang mới.

Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - người phụ trách đàm phán thương mại với Trung Quốc, cho rằng sự cố mới này sẽ không làm gián đoạn đối thoại giữa hai bên dù ông không bác bỏ khả năng Trung Quốc có thể phản ứng tiêu cực trước diễn biến này. 

Trong khi đó, chuyên gia Amanda DeBusk tại hãng luật Dechert LLP nhận định vụ bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu là một vấn đề lớn hơn nhiều một cuộc tranh chấp thương mại.

Động thái của Mỹ trong vụ Huawei có thể xem là động thái mang tính "nắn gân", thể hiện "sức mạnh và uy lực" của Washington trước đối thủ đang đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Còn David Fidler, Giáo sư về luật và an ninh mạng của Đại học Indiana, khẳng định chắc chắn đây là sự gây hấn của Mỹ nhằm vào Trung Quốc và vụ bắt giữ thực chất chỉ là bước đi gây áp lực chính trị để kiềm chế Bắc Kinh.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu có thể trở thành một quân bài
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu có thể trở thành một quân bài "mặc cả" trên bàn đàm phán Mỹ-Trung. 

Giới phân tích cũng cho rằng, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu có thể trở thành một quân bài "mặc cả" trên bàn đàm phán Mỹ-Trung. Trong vòng ba tháng tới, sẽ có nhiều vụ việc tương tự, bao gồm trừng phạt các công ty nhà nước và cá nhân của Trung Quốc nhằm tăng cường lợi thế cho phía Mỹ.

Không chỉ làm dấy lên bất đồng ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, vụ Canada bắt giữ lãnh đạo tài chính Huawei có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ Trung Quốc - Canada. Ông David Mulroney, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, nhận định nhiều khả năng một trong các chuyến thăm cấp cao và các cuộc trao đổi giữa Trung Quốc và Canada sẽ bị đóng băng trong một khoảng thời gian, và thương mại tự do cũng có thể bị đóng băng.

Ông Thời Ân Hoằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Nhân dân Trung Quốc và là một cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc thì cho rằng, việc bắt giữ CFO của Huawei đã đặt Bắc Kinh vào thế phải lựa chọn giữa sự cần thiết phải tỏ thái độ cứng rắn để bảo vệ công dân Trung Quốc hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, hoặc việc giữ hòa khí với một nước công nghiệp tiên tiến như Canada.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, nếu Trung Quốc có hành động trả đũa mạnh mẽ Canada, động thái này có thể sẽ làm tổn thương mối quan hệ hai nước. Đây là một vấn đề nan giải và rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của Canada. Theo số liệu thống kê của Cơ quan hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn từ tháng 1-10/2018, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 345,2 tỷ CNY (tương đương 49,65 tỷ USD).

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của Canada. 
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của Canada. 

Còn Huawei đã âm thầm tạo dựng vị trí là nhà cung cấp lớn các thiết bị công nghệ cho cơ sở hạ tầng viễn thông của Canada, và vị thế này khó có thể lung lay trong một sớm một chiều.

Trong một tác động liên quan, vụ bắt giữ cũng làm dấy lên tâm lý lo ngại của nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán "chìm trong sắc đỏ". Chỉ số Dow Jones của Mỹ đã giảm gần 800 điểm trong phiên giao dịch ngày 6/12 và chỉ tăng điểm vào cuối phiên giao dịch sau khi Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall) đưa tin về khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể giữ nguyên mức lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng này. Chốt phiên giao dịch, các chỉ số Shanghai Composite và chỉ số Shenzen Composite giảm lần lượt 1,68% và 2,44%.

Trong khi đó, tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng giảm 2,47% xuống mức 26.156,38 điểm. Nhóm cổ phiếu công nghệ chịu ảnh hưởng nặng nhất tại cả hai thị trường.

Không chỉ riêng Trung Quốc, chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đóng cửa trong "sắc đỏ". Cụ thể, chỉ số Nikkei (Nhật Bản) giảm 1,91% còn 21.501,62 điểm, trong khi chỉ số Kospi (Hàn Quốc) mất 1,55% và đóng cửa ở mức 2.068,69 điểm.

[Nguồn: TTXVN]

CHẤN HƯNG (t/h)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement