28/08/2020 17:11
Với thu nhập hơn 54 triệu đồng/tháng tại Tân Thuận, ông Phạm Phú Quốc phải mất 89 năm làm việc mới đủ tiền mua quốc tịch Síp
Số tiền 58 tỷ đồng để được cấp quốc tịch Síp bằng thu nhập 89 năm của ông Phạm Phú Quốc, nếu tạm tính theo thu nhập Tân Thuận IPC trả trong năm 2019, và bằng thu nhập 111 năm thời ông Quốc còn làm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM.
Hãng thông tấn Al-Jazeera tiết lộ Cyprus (Síp) đã bán quốc tịch cho nhiều chính trị gia trên thế giới. Theo danh sách công bố, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc cũng là một trong những người sở hữu quốc tịch Síp.
Những người này sẽ trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 161 quốc gia mà không cần visa.
Al-Jazeera cũng cho biết mức giá để mua quyền công dân tại quốc đảo này khoảng 2,5 triệu USD, tức tương đương khoảng 58 tỷ đồng.
Thu nhập của ông Phạm Phú Quốc bao nhiêu?
Ông Phạm Phú Quốc thừa nhận có quốc tịch Síp nhưng do gia đình bảo lãnh, không phải dùng tiền để mua. |
Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968, là đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021. Ông lần đầu trúng cử đại biểu Quốc hội năm 2016, tại đơn vị bầu cử số 4 TP.HCM, gồm các quận 5, 10 và 11. Thời điểm đó, ông Phạm Phú Quốc đang giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC).
Đến năm 2018, ông được điều động về làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Cuối năm 2019, ông tiếp tục được điều động giữ chức Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận (IPC) thay thế ông Tề Trí Dũng, sau khi ông Dũng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trong thời gian làm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM và Tân Thuận IPC, mức thu nhập của ông Phạm Phú Quốc dao động từ hơn 43 triệu đồng mỗi tháng.
Theo báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng mà Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM năm 2017 công bố, cho biết năm 2016, doanh nghiệp này có 11 thành viên thuộc cấp độ quản lý. Thu nhập bình quân của những người quản lý hơn 43,5 triệu đồng/tháng. Tương đương thu nhập trong năm là 522 triệu đồng.
Đây là mức thu nhập thực năm 2016, tức năm ông Phạm Phú Quốc đang giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM, đồng thời cũng là năm trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Về mức lương và thu nhập tại Công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận, đầu năm 2020, Tân Thuận đã công bố kế hoạch trả lương thưởng cho người lao động, trong đó có cả cấp quản lý.
Theo đó, năm 2018, thu nhập thực trung bình của người quản lý tại Tân Thuận hơn 53,5 triệu đồng. Kế hoạch năm 2019, Tân Thuận trả mỗi người quản lý 54,5 triệu đồng/tháng, không quá chênh lệch năm 2018, và tổng thu nhập trong năm của cấp quản lý khoảng 650 triệu đồng.
Như vậy, số tiền 58 tỷ đồng để được cấp quốc tịch Síp mà Al-Jazeera công bố bằng thu nhập 89 năm của ông Phạm Phú Quốc, nếu tạm tính theo thu nhập mà Tân Thuận trả trong năm 2019, và bằng thu nhập 111 năm thời ông Quốc còn làm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM.
Ông Phạm Phú Quốc: Tôi không dùng tiền để mua quốc tịch Síp
Trước sự dậy sóng của dư luận, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc đã thừa nhận có quốc tịch Síp nhưng ông cho rằng quốc tịch này do gia đình bảo lãnh, không phải dùng tiền để mua.
Nói rõ hơn về quốc tịch thứ hai, ông Quốc nói năm 2017, người vợ doanh nhân và con gái ông đã thực hiện các thủ tục để nhập quốc tịch Síp, bởi quốc gia này cho phép nhập quốc tịch mà không phải thôi quốc tịch Việt Nam.
Ngoài ra, một người con trai khác của ông cũng đang sống và làm việc tại nước ngoài.
Đến giữa năm 2018, biết ông có ý định thôi việc tại Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, gia đình đã đề nghị thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Síp cho ông, để thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình.
Đại biểu Phạm Phú Quốc cho hay ông đang báo cáo theo đúng quy định cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền về vụ việc này.
Hiện các cơ quan từ Thành ủy, UBND TP.HCM và Quốc hội đều cho biết chưa có báo cáo nào về việc ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch.
Ông Quốc từng theo học 5 năm ở Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Ông cũng có bằng kỹ sư hàng hải, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và bằng cao cấp lý luận chính trị.
Ông Quốc từng làm việc và giữ nhiều vị trí chủ chốt tại Công ty xuất nhập khẩu và dịch vụ quận 1, TP.HCM; Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Bến Thành trước khi về giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM vào tháng 9/2015.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được thông qua ngày 19/6/2020, đã điều chỉnh, bổ sung tiêu chuẩn với đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Luật bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 22, về tiêu chuẩn một quốc tịch với đại biểu Quốc hội, có nêu rõ: “Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.
Trước ông Phạm Phú Quốc, năm 2016, Quốc hội cũng đã bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, do bà có hai quốc tịch Việt Nam và Malta. Đáng chú ý, bà Hường là đại biểu Quốc hội nhiều khóa liên tiếp XII, XIII, và là một trong những doanh nhân trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp