26/08/2022 16:37
VN-Index giảm hơn 6 điểm sau 3 phiên hồi phục tích cực
Thị trường chứng khoán phiên hôm nay đảo chiều đi xuống, VN-Index giảm 6,31 điểm xuống 1.282,57 điểm.
Những thông tin tích cực về nới room tín dụng và việc chuẩn bị áp dụng rút ngắn thời gian giao dịch, đã giúp tâm lý nhà đầu tư hưng phấn hơn và chỉ số VN-Index đã vượt thành công kháng cự tâm lý 1.280 điểm trong phiên giao dịch hôm qua ngày 26/8.
Sự trở lại của cây nến Bullish Marubozu đã cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của phe mua trong phiên giao dịch hôm nay. Đồng thời, VN-Index cũng thiết lập đỉnh mới vượt qua mốc kháng cự 1.280 điểm một cách dứt khoát với Gap tăng được tạo lập ngay từ đầu phiên. Khối lượng và điểm số đều cải thiện và tăng tốt so với các phiên trước đó, đây là một tín hiệu rất tích cực, ngày càng củng cố cho xu hướng tăng điểm trong thời gian tới.
Mặc dù thanh khoản có cải thiện nhưng khối lượng giao dịch vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 ngày gần nhất, cho thấy dòng tiền vẫn chưa đủ mạnh mẽ để giúp thị trường bùng nổ và có hiện tượng chốt lời ở một số nhóm ngành. Trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ có những phiên rung lắc quanh ngưỡng 1.285 điểm, nhưng vẫn trong xu hướng tăng điểm và dần tiến về vùng 1.300 điểm.
Quay lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 26/8, cũng như phiên giao dịch hôm qua, nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục là động lực chính dẫn dắt đà tăng của thị trường. Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index vẫn lình xình trên vùng giá 1.290 điểm.
Cổ phiếu MWG đang là động lực chính dẫn dắt thị trường. Trong khi sắc đỏ đang chiếm ưu thế trên thị trường và diễn biến phân hóa nhẹ ở nhóm VN30, thì MWG đã "cân" hết và có thời điểm kéo trần thành công. Sau khoảng 90 phút giao dịch, cổ phiếu MWG đang tăng trên dưới 6%, với thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 7 triệu đơn vị, thuộc top 5 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường.
Theo thông tin từ MWG, hệ thống Điện máy Xanh Supermini của Công ty đã chính thức đạt 1.000 cửa hàng trên toàn quốc. "Với số lượng đó, ước tính doanh thu cả năm 2022 của mô hình này ước chừng 12.500 tỷ đồng", lãnh đạo Công ty chia sẻ.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu phân bón sau phiên bùng nổ hôm qua lại hạ nhiệt với các mã DCM, DPM, BFC chỉ còn nhích nhẹ, trong khi LAS, PMB điều chỉnh giảm, còn TSC, NFC, PCE đứng giá tham chiếu.
Mặc dù trong phần lớn thời gian của phiên sáng, chỉ số VN-Index đều giao dịch trong sắc xanh nhạt, nhưng áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh nhẹ sau 3 phiên khởi sắc liên tiếp. Điểm tích cực là thanh khoản thị trường tăng vọt, cho thấy lực cầu tham gia cũng khá tích cực, giúp chỉ số chung không bị giảm sâu.
Thị trường đã bắt đầu suy yếu vào cuối phiên sáng và lực bán càng dâng cao vào phiên chiều, đặc biệt là thời điểm trước phiên ATC (phiên giao dịch giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa; trong đó có lệnh ATC).
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu FLC đồng loạt giảm sàn với FLC, AMD, HAI, KLF kết phiên trong sắc xanh da trời, GAB vẫn tiếp tục không có giao dịch. Thực tế, cổ phiếu GAB đã không có giao dịch khoảng 5 tháng nay.
Trước đó ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thi hành các Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) và các cá nhân có liên quan về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Xây dụng FLC Faro (mã chứng khoán: ROS) và các công ty có liên quan.
Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân liên quan từ năm 2014 đến năm 2016 đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Trở lại diễn biến thị trường, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động tiêu cực lên chỉ số VN-Index. Trong rổ cổ phiếu VN30 có 22 mã ở chiều giá đỏ, trong khi chỉ có 7 mã tăng giá và 1 mã may mắn đứng ở tham chiếu. Ba cổ phiếu họ Vingroup là VIC giảm 1,4%, VRE giảm 1,2%, VHM giảm 1,1%. Cùng đó, các mã đầu các ngành như: HPG giảm 1,5%, VNM giảm 1,3%, GAS giảm 1,1%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí không còn mã nào ở chiều tăng giá. Các mã BSR, OIL, PLX, POS, PVB, PVD, PVC, PVS đều ở chiều giá đỏ. Cùng đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt đi xuống. Trong nhóm chứng khoán chỉ còn 2 mã tăng giá là TVS và BMS. Các mã trụ cột như: SSI, SHS, BVS, VND, HCM, VDS… giảm sâu. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng chung cảnh ngộ với sắc đỏ chiếm phần lớn.
Khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng. Theo đó, khối này bán ròng 61,59 tỷ đồng trên HOSE và 1,4 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng gần 863 triệu đồng trên HNX. Các mã bị bán ròng mạnh như: VIC với giá trị 24,2 tỷ đồng, tiếp đến là EIB bị bán ròng 23,2 tỷ đồng và VJC bị bán ròng 22,2 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch chiều ngày 26/8, VN-Index giảm 6,31 điểm xuống 1.282,57 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 669 triệu đơn vị, tương ứng 16.075,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 131 cổ phiếu tăng giá, 321 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 2,36 điểm xuống 299,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 95,2 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.969,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 68 mã tăng và có tới 131 mã giảm giá, 47 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,71 điểm xuống 92,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 86 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.155 tỷ đồng. Toàn sàn có 152 mã tăng giá, 212 mã giảm giá và 94 mã đứng giá.
(Nguồn: ĐTCK/TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp