16/07/2020 06:22
Vietnam Airlines cầu cứu Chính phủ, Vietjet Air và Bamboo Airways thì sao?
Cùng lỗ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng Vietjet Air và Bamboo Airways phần nào vẫn kiểm soát được khoản thâm hụt và kỳ vọng lớn cho tương lai hậu COVID-19.
Trong lúc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) dự hoạch thâm hụt dòng tiền 16.000 tỷ đồng, xin trợ cấp Chính phủ 12.000 tỷ đồng, hai hãng hàng không còn lại cũng lâm vào tình trạng lỗ. Nhưng đến hiện tại, cả hai vẫn khá kín tiếng, chưa "cầu cứu" cổ đông nào.
Vietjet Air lỗ… tốt nhất nhì thế giới
Theo báo cái tài chính quý I/2020, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận mức doanh thu vận tải hàng không đạt 7.222 tỷ đồng, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước. Hãng bay này lỗ 989 tỷ đồng, trong khi mức lỗ của Vietnam Airlines lại thâm đến 2,6 lần so với đối thủ.
Kinh doanh sụt giảm là do Vietjet chỉ khai thác được 29.401 chuyến bay và chuyên chở gần 4,5 triệu lượt khách, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm này, Vietjet cũng chủ động điều chỉnh kế hoạch nhận tàu bay nên không phát sinh doanh thu, lợi nhuận chuyển giao, sở hữu và thuê tàu bay.
Lần đầu tiên từ khi niêm yết, Vietjet Air ngậm ngùi thừa nhận có một quý hoạt động lỗ. Tuy nhiên, mức lỗ này thấp hơn dự kiến của Ban lãnh đạo công ty và thuộc hàng tốt nhất nhì thế giới.
Biên lợi nhuận gộp của Vietjet Air có phần nhỉnh hơn Vietnam Airlines trong những năm qua. Đồ hoạ: Tất Đạt |
Tổn thương của hãng bay giá rẻ này khá lạc quan nhờ vào nền tảng tài chính vững chắc của được tích luỹ trong giai đoạn trước đó. Năm 2019, lượng tiền và các tài sản tương đương được giữ ở mức hơn 5.300 tỷ đồng, tuy giảm gần 2.000 tỷ đồng so với năm ngoái nhưng vẫn cao hơn gần gấp đôi so với Vietnam Airlines. Phần sụt giảm trên có thể đến từ việc mở rộng đội bay của tỷ phú Phương Thảo. Đến cuối quý I/2020, khoản này được Vietjet duy trì ở mức 2.459 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhìn chung việc cân đối tài chính của Vietjet Air được thực hiện tốt. Biên lợi nhuận gộp năm 2016 của hãng bay này là 14,1% thấp hơn so với Vietnam Airlines. Nhưng về sau, tuy cùng có xu hướng giảm nhưng Vietjet Air hầu như duy trì được biên lợi nhuận gộp tốt hơn hẳn, có thời điểm bỏ xa Vietnam Airlines và ở mức đáng mơ ước của ngành hàng không.
Biên lợi nhuận gộp ở mức tốt phần nhiều là do hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tối ưu tốt các chi phí thường xuyên. Riêng giai đoạn khó khăn quý I/2020, tổng chi phí lãi vay, chí phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của hãng chưa tới 460 tỷ đồng. Con số này thấp hơn 3 lần so với tổng chi phí thường xuyên của Vietnam Airlines.
Một mình FLC chống đỡ Bamboo Airways
Cũng trong cảnh ngộ thâm hụt lợi nhuận, Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) báo cáo lỗ trong quý I/2020 lên đến 1.500 tỷ đồng. Mức lỗ này cao hơn cả lỗ gộp của tập đoàn mẹ FLC nhưng vẫn còn khá nhẹ nhàng nếu so với Vietnam Airlines. Nguyên nhân lỗ đậm của hãng đến từ việc cắt giảm đường bay trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành.
Tuy nhiên khi xét về số chuyến bay, Bamboo Airways lại là hãng duy nhất tăng từ 2.024 chuyến lên 11.045 chuyến, nhờ đưa vào hoạt động một số tàu thân hẹp. Hồi đầu năm 2020, hãng đã có đội tàu bay 20-30 chiếc, bao gồm 3 tàu thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.
Bamboo Airways lỗ 1.500 tỷ đồng trong quý I/2020. Ảnh: FLC Group |
Với một gương mặt non trẻ trên bầu trời Việt Nam, nhiều chuyên gia dự đoán bước lùi trong kinh doanh của Bamboo Airways vẫn phần nào nằm trong kế hoạch, chưa gây hề hấn gì cho FLC.
Bằng chứng là ngay khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, Bamboo Airways lập tức tăng vốn điều lệ lên tới 7.000 tỷ đồng, tức rót thêm gần 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Hiện tại, hãng bay của tỷ phú Trịnh Văn Quyết là hãng bay có quy mô lớn thứ hai sau Vietnam Airlines (vốn điều lệ hơn 14.000 tỷ đồng), cao hơn Vietjet Air (5.400 tỷ đồng).
Điều đáng nói, chỗ dựa tài chính của Bamboo Airways thật sự tự chủ. Trong khi Vietnam Airlines phải đợi xin vốn nhưng bất thành từ All Nippon Airways, cổ đông đang nắm 8,6% vốn, hãng bay này hoàn toàn không có cổ đông nước ngoài nào để dựa dẫm. Đến cuối quý I/2020, FLC sở hữu 52,11% và 100% cổ phần của hãng là vốn tư nhân trong nước.
Tập đoàn mẹ FLC của ông Trịnh Văn Quyết gần như là chỗ dựa tài chính duy nhất cho Bamboo Airways. Ảnh: Reuters |
Hơn nữa, Bamboo Airways còn chứng tỏ hãng không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch khi kế hoạch phát triển mạng lưới 25 đường bay quốc tế trong năm 2020 của ông Quyết nằm ở Đông Á, Châu Âu, Châu Đại Dương,… Đây đều là các thị trường hoạt động sôi nổi và giàu tiềm năng khi dịch bệnh lắng xuống.
Ngay trong tháng 2/2020, Bamboo Airways đã chính thức mở bán vé nhiều đường bay quốc tế như Việt Nam - CH Séc, Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc), Hà Nội - Cao Hùng (Đài Loan). Ông Trịnh Văn Quyết kỳ vọng chinh phục những thị trường có nguồn khách lớn, mang tiềm năng hứa hẹn nhưng chưa được khai thác triệt để thông qua một đường bay thẳng.
Lỗ nhưng vẫn giữ vững mục tiêu
Về tương lai, năm nay, Vietjet Air đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất khoảng 36.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu dịch vụ vận tải hàng không chiếm tỷ lệ trên 68%. So với năm 2019, các chỉ tiêu doanh thu lần lượt giảm 29% và 41%.
Kéo theo đó, chỉ tiêu về lợi nhuận cũng giảm, Vietjet Air chỉ mong lãi 100 tỷ đồng nếu hợp nhất cả lợi nhuận từ 6 công ty con, trong đó có VietjetAir Cargo. Đây được xem là đơn vị đầu đàn trong thời đoạn khó khăn vì thực hiện mảng vận chuyển hàng hóa khi vận chuyển hành khách đang bí bách. Riêng công ty mẹ được bà Thảo dự kiến hòa vốn trong năm 2020.
Dẫu thế, Vietjet vẫn đặt mục tiêu giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường nội địa và xác định những đường bay quốc tế trọng điểm để tập trung khôi phục thị trường. Tỷ phú Phương Thảo cũng xác định, lĩnh vực vận tải hàng hóa là một phần quan trọng trong kinh doanh của công ty.
Vietjet Air đang cố gắng tìm cách hoà vốn trong năm 2020. Ảnh: Vietjet |
Để có thể hòa vốn, Vietjet tập trung tối ưu hóa chi phí, phát triển mảng vận chuyển hàng hóa, thương mại tài chính tàu bay, mở rộng dịch vụ tự phục vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không.
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tính tới chuyện đa dạng hóa các phương án tài trợ vốn nhằm có thể đạt được mục tiêu hoà vốn của năm nay.
Với Bamboo Airways, FLC vẫn giữ vững mục tiêu chiếm lĩnh 30% thị phần trong năm 2020, như định hướng công bố hồi đầu năm. Bamboo Airways cũng sẽ tăng thêm quy mô đội bay bằng cách thuê thêm máy bay thay vì mua thêm. Hãng dự kiến sẽ tăng số chuyến bay lên hơn 100 chuyến/ngày vào giai đoạn giữa năm, đạt mức 80% tần suất giai đoạn trước dịch bệnh.
Bamboo Airways quyết tâm tăng thị phần từ 12,3% lên 30% trong năm nay. Đồ hoạ: Tất Đạt |
Trước bối cảnh dịch bệnh được Việt Nam kiểm soát tốt, ông Quyết vẫn đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi số đường bay nội địa, lên 60 đường bay cho đến hết năm nay. Ngoài ra, Chủ tịch Bamboo Airways còn muốn tăng số đường bay quốc tế từ 6 lên 25 đường bay. Trong đó, đường bay Mỹ dự kiến được tái khởi động vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
“Bamboo Airways sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng đội máy bay lên tối thiểu 40 tàu đến cuối năm 2020 và vẫn hướng tới duy trì mục tiêu đội 50 tàu đặt ra hồi cuối năm 2019, nếu nhu cầu đi lại hồi phục tốt hơn dự kiến, các điều kiện thị trường vận động theo hướng tích cực, hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu về mở rộng quy mô trong quý 3 và quý 4/2020", ông Trịnh Văn Quyết dự tính.
Đáng nói, ông Quyết vẫn tự tin về kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam của Bamboo Airways trong quý IV/2020.
Vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý mở lại đường bay thương mại với Trung Quốc. Tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do nhà chức trách hàng không Việt Nam và Trung Quốc thống nhất. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị xem xét các điểm đến như Nhật Bản, Đài Loan. |
Advertisement
Advertisement