12/09/2019 07:34
Việt Nam phải kiên quyết chống gian lận thương mại nếu không muốn bị trừng phạt
Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Trương Đình Tuyển đến các doanh nghiệp Việt khi đứng trước tình hình cuộc chiến Thương mại Mỹ Trung leo thang.
Theo ông Trương Đình Tuyển, chiến tranhthương mại Mỹ -Trung và Brexit, kinh tế thế giới suy giảm, tính bất định và độ rủi ro tăng lên.
Ngày 23/7, IMF đưa ra dự báo kinh tế thế giới năm 2019 chỉ tăng 3,2% và năm 2020 tăng trưởng 3,5% (đều giảm 0,1% so với dự báo hồi tháng 4/2019) và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009.
Thương mại toàn cầu chỉ tăng 2,5% trong năm 2019, giảm 0,9% so với dự báo trước đó 3 tháng. Nếu thương chiến tiếp tục leo thang, quan hệ thương mại Nhật –Hàn tiếp tục xấu đi, và Brexit không thỏa thuận, tình hình có thể tồi tệ hơn..
Hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều kiện nhau ra WTO. WTO sẽ ra phán quyết nhưng nhiều khả năng không nước nào chấp nhận. Có ý kiến cho rằng, cả Trung Quốc và Mỹ sẽ lợi dụng tình trạng này để đòi đàm phán lại WTO, có lợi cho mình. Tuy nhiên đây không phải là mục tiêu dê dàng.
Việt Nam phải kiên quyết chốnggian lận thương mại để không bị trừng phạt. |
Chiến tranh thương mại sẽ có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Nhiều hàng hóa của Việt Nam sẽ thay thế hàng Trung Quốc tại thị trường Mỹ, tạo điều kiện cho nước ta tăng xuất khẩu vào Mỹ.
Các dòng vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam như một điểm đến tiềm năng, nếu chúng ta đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ đón nhận không ít tiêu cục từ cuộc chiến này và nhà nước lẫn các doanh nghiệp Việt Nam phải có ứng xử phù hợp để giảm bớt tác động tiêu cực này.
Trung Quốc tìm các thị trường tiêu thụ thay cho thị trường Mỹ. Việt Nam là thị trường thuận lợi nhất.
Điều quan ngại hơn là đồng nhân dân tệ giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và Việt Nam sẽ là thị trường xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc.
Điều này sẽ gây sức ép lên tỷ giá VND/USD. Nếu xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, làm giảm giá trị đồng nội tệ, đe dọa ổn định vĩ mô.
Doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách xuất sang Mỹ (kể cả lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất hoặc có thể gia công thêm một vài công đoạn đơn giản, không bảo đảm tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ).
Đây là điều rất nguy hiểm, tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam (như vụ thép và nhôm). Nhìn từ phía Mỹ, tại thời điểm này Việt Nam chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến nhưng Mỹ đã cảnh báo Việt Nam trên các nội dung: Việt Nam xuất siêu lớn (năm 2018 xuất siêu gần 35 tỷ USD) vào Mỹ.
Mặc dầu tốc độ tăng nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ của Việt Nam trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn đang nhập siêu dịch vụ từ Hoa Kỳ nhưng xuất siêu vẫn lớn và đang có xu hướng tăng cả về giá trị và thứ bậc.
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 47,5 tỷ USD tăng 11,43% so với mức 41,6 tỷ năm 2017, 6 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu vào Mỹ tiếp tục tăng mạnh với tổng kim ngạch 27,5 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Từ vị trí thứ 6 ở thời điểm đầu năm 2018, hiện nay, Việt Nam đã lên thứ 4 trong 16 nước xuất siêu vào Mỹ.
Mỹ cho rằng, Việt Nam cũng đang tác động đến thị trường ngọai tệ theo cách phi thị trương, đã mua vào lượng ngoại tệ lớn ( hơn 2% GDP). Ngoài ra, họ cũng cảnh báo Việt Nam về các biện pháp hạn chế doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam thể hiện trong một số điều khoản của Luật An toàn thông tin mà Quốc Hội đã thông qua,…(mặc dù theo chúng ta, quy định như vậy là cần thiết và nhiều nước cũng quy định tương tự).
Từ thái độ của Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn.
Theo đó, giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ. Khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ.
Đây là một tiềm năng to lớn cần khai thác. Song song đó, phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.
Advertisement
Advertisement