27/01/2021 06:41
Việt Nam là 'hình mẫu' của kiên cường, nhân văn và trách nhiệm
Năm 2020 - năm cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020) cũng là năm thử thách nhiều nhất vai trò của người cầm lái.
Cái tên Việt Nam được bạn bè nhắc đến với tất cả sự khâm phục, ngưỡng mộ. Nhắc đến Việt Nam không chỉ bởi mô hình chống dịch hiệu quả mà trên hết là lòng tin của người dân đối với Đảng, Chính phủ, là truyền thống đoàn kết trên dưới một lòng, là tính ưu việt của chế độ XHCN và là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Năm 2020, cùng với nhân loại, Việt Nam đứng trước một đại dịch khiến cả thế giới đảo lộn, ngừng trệ, ngay cả những quốc gia hùng cường nhất cũng phải rúng động - đó là đại dịch COVID-19. Năm 2020 Việt Nam cũng phải hứng chịu thiên tai dị thường, khốc liệt, thiệt hại lớn về người và kinh tế... Trước những thách thức chưa từng có đó và trước những khó khăn to lớn trong một năm bộn bề những sự kiện quan trọng, Đảng ta một lần nữa chứng tỏ vai trò lãnh đạo không thể thay thế đối với đất nước và dân tộc.
Với bản lĩnh, trí tuệ và năng lực lãnh đạo được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, qua những thăng trầm của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân đạt được nhiều thành quả quan trọng trong phòng chống đại dịch COVID-19, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, hoàn thành xuất sắc các trọng trách quốc tế.
Xử lý thành công bài toán giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế
Năm 2020, Việt Nam đã trở thành một trong số ít các quốc gia xử lý thành công bài toán giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Khi dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã ứng phó nhanh với quyết sách đúng: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chính phủ điều chỉnh rất kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch, phù hợp với tình hình và nhận thức từng thời điểm của dịch bệnh.
Khi bắt đầu có dịch, Chính phủ chủ trương chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khoẻ, tính mạng của người dân, tập trung vào một chiến dịch chưa từng có. Việt Nam đã đóng cửa rất sớm, thậm chí phong tỏa sớm, cách ly xã hội khi có dịch, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế.
Với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, một đất nước với sức mạnh kinh tế ở mức trung bình thấp, độ mở cao, đã làm thế giới ngỡ ngàng với số lượng người mắc bệnh và trường hợp tử vong thấp, tỷ lệ chữa khỏi rất cao, trong đó có những ca rất nghiêm trọng. Và Việt Nam cũng là một trong số ít các nước có chuyến bay đưa công dân về nước. Đến hết năm 2020, Việt Nam đã triển khai 280 chuyến bay, đưa gần 80.000 công dân từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Những chuyến bay mang nặng nghĩa đồng bào đã thực sự làm lay động triệu triệu con tim.
Việc Việt Nam ứng phó thành công với đại dịch COVID-19 phần lớn phụ thuộc vào những hành động quyết liệt, nhanh chóng và kịp thời của Chính phủ kết hợp với lòng tin vững chắc và sự sẵn sàng tham gia của người dân.
Báo cáo của UNDP về khảo sát ý kiến người dân cho thấy sự đồng lòng, ủng hộ rất lớn của người dân đối với những chính sách, chỉ đạo, những hành động quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong quá trình phòng chống đại dịch với hơn 97% ý kiến của người dân cho rằng sự lãnh đạo của Chính phủ cũng như là của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 là rất tốt.
Theo bà Caitlin Wiesen Antin, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam: thành công của Việt Nam đến từ sự minh bạch, tính giải trình cao, khả năng ứng phó linh hoạt và có nhiều giải pháp kịp thời xử lý khủng hoảng, khẳng định năng lực quản trị quốc gia của Việt Nam được nâng lên rõ rệt, duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Việc kiểm soát tốt dịch đã giúp Việt Nam từ chỗ là một trong những nước ban đầu có nguy cơ cao, trở thành một trong những nước thành công trên thế giới về phòng, chống dịch bệnh. Chính từ thành công này, Việt Nam đã kịp thời quay trở lại phát triển đời sống kinh tế, ổn định xã hội. Thành công chống dịch đã phần nào giúp các doanh nghiệp giảm được những ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020.
Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD. Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư với tổng vốn FDI đạt 28,5 tỷ USD.
Và năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam là 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 (tăng 9 bậc) trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
TS Jacques Morisset, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, đã nhận định Việt Nam là một nền kinh tế có khả năng phục hồi cao hơn nhiều nước trên thế giới và “Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp”.
Thành quả đó không chỉ thể hiện bằng những con số tăng trưởng mà còn hiện diện trong chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm xuống và tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên. Thành quả ấy là chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng, uy tín quốc tế không ngừng tăng lên, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước được giữ vững.
“Hình mẫu”của kiên cường, nhân văn và trách nhiệm
Năm 2020, Việt Nam còn đảm nhiệm các trọng trách quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh địa-chiến lược ngày càng gay gắt. Với bản lĩnh được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, Đảng đã lãnh đạo toàn dân đứng vững trước thách thức của đại dịch, phát huy tối đa các cơ hội để phát triển. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến các thành viên, Việt Nam đã chèo lái con thuyền ASEAN đi qua sóng gió, đạt được các thành công vang dội, thực chất. Cộng đồng quốc tế cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp của một dân tộc tuy còn khó khăn, nhưng hết lòng hỗ trợ bạn bè, đối tác; cảm phục trước tinh thần trách nhiệm phất cao ngọn cờ đoàn kết ASEAN, hợp tác đa phương, kết nối các quốc gia để cùng nhau vượt qua đại dịch thế kỷ. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đánh giá, trong một năm khó khăn chưa từng có trong lịch sử Hiệp hội, Việt Nam đã thể hiện tầm “lãnh đạo mạnh mẽ”, vai trò “dẫn dắt mẫu mực”.
Đã nhiều thập kỷ qua, kể từ khi Việt Nam là lương tri của nhân loại, nay Việt Nam lại là “hình mẫu”của kiên cường, nhân văn và trách nhiệm. CNN, hãng thông tấn hàng đầu của Mỹ và thế giới, phải thốt lên “việc này tuyệt vời đến mức khó tin” với sáng kiến ATM gạo của Việt Nam. Những người nước ngoài ở Việt Nam thốt lên “Cảm ơn nghĩa cử của các bạn, cảm ơn sự hy sinh, cảm ơn sự tử tế, cảm ơn lòng nhân từ”.
Có thể khẳng định, việc lãnh đạo đất nước phòng, chống hiệu quả đại dịch COVID-19, trở thành một trong số hiếm hoi các nền kinh tế có tăng trưởng dương, đồng thời hoàn thành xuất sắc các trọng trách quốc tế đã chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tế này đã chứng minh luận điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
“Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”- lời nói đầy tự hào của người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã thắp lên niềm tin, hy vọng của toàn dân về con đường đi lên của đất nước.
Advertisement
Advertisement