Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vì sao một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật bị dừng đơn hàng đột ngột?

Cơ hội giao thương

17/02/2023 07:36

Vừa qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật Bản ở Long An cho biết, đơn hàng của họ bị dừng lại đột ngột vì không đáp ứng đủ điều kiện về mã vùng trồng.

Chiều 16/2, tại TPHCM, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức cuộc họp thông tin về giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1) với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận.

Theo Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật), về việc áp dụng mã số vùng trồng cho trái thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ khi xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản, hiện chỉ có giống thanh long ruột đỏ LĐ1 được Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu.

Tuy nhiên, muốn có mã số vùng trồng thì phải có bản quyền giống, nhưng bản quyền giống LĐ1 đã được Viện cây ăn quả miền Nam (đơn vị lai tạo giống thanh long ruột đỏ LD1 và đã được cấp bằng bảo hộ giống vào năm 2016) chuyển nhượng bản quyền cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) từ năm 2017. Gần đây, có thông tin cho biết do chưa có mã số vùng trồng, nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng xuất khẩu trái thanh long ruột đỏ vào thị trường Nhật Bản và ách tắc lại số sản phẩm đã thu mua, theo báo Hải Quan online.

Vì sao một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật bị dừng đơn hàng đột ngột? - Ảnh 1.

Theo Báo Công Thương, ông Nguyễn Quốc Trịnh – Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - cho hay, trước đây, việc xuất khẩu không có yêu cầu về bản quyền giống. Gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc có yêu cầu hàng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận bảo hộ giống.

Và hiện, doanh nghiệp này đã thực thi việc bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, các doanh nghiệp khác muốn xuất khẩu thanh long ruột đỏ giống LD1 vào hai thị trường nêu trên phải có sự thoả thuận các vấn đề liên quan với đơn vị giữ quyền sở hữu là Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. Trong đó, có vấn đề đóng phí bảo hộ giống cho phía Hoàng Phát khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, có một điểm rất đáng lưu ý, đó là trước thời điểm Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam chuyển giao quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 cho Hoàng Phát, thì loại giống này đã được bán cho nông dân sản xuất khá phổ biến. Điều này, đã tạo ra không ít khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu thụ loại sản phẩm này. Bởi hiện nay, tại Long An, đa số bà con nông dân ở Long An đều canh tác giống thanh long ruột đỏ LD1.

Nhật Bản đã bắt đầu nhập khẩu thanh long Việt Nam từ năm 2009, tuy nhiên, trước đây việc cấp mã số vùng trồng thanh long xuất đi Nhật không có yêu cầu về bản quyền, bảo hộ cây giống. Gần đây, thị trường này mới có thêm yêu cầu này.

Hiện, Nhật Bản chỉ công nhận duy nhất một giống thanh long LD1 của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, sẽ chỉ có loại thanh long này được phép vào Nhật, với điều kiện có chứng nhận bảo hộ giống.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, cuộc họp nhằm giải quyết 2 vấn đề, thứ nhất là vấn đề bảo vệ quyền lợi hài hòa giữa Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit và các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long giống LĐ1; thứ 2 là vấn đề Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit giải quyết quyền lợi đối với các nông dân, doanh nghiệp trồng và khai thác giống thanh long LĐ1 trước năm 2017.

Phát biểu tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, đại diện Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết, trong thời gian đại dịch Covid-19, Hoàng Phát đã ký kết hợp đồng sản xuất với bà con nông dân, bao tiêu sản phẩm với giá 40.000 đồng/kg đối với sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc. Trừ các chi phí bà con nông dân có lãi từ 20.000 đồng/kg trở lên. Những bà con ký kết với Hoàng Phát hoàn toàn không gặp khó khăn trong suốt đại dịch vừa qua. Điều này cho thấy việc lựa chọn đúng giống, sản xuất đúng chuẩn và việc bảo hộ giống cây trồng cũng là bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu, cần được nhân rộng và phát huy.

Bà Thoa cho biết, có một số công ty xuất khẩu sản lượng vẫn còn hạn chế do sản phẩm không đạt chất lượng, không đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản, bị dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, gây mất lòng tin thị trường, người tiêu dùng ở Nhật Bản chứ không phải do vấn đề bản quyền.

Vì sao một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật bị dừng đơn hàng đột ngột? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Về vấn đề chia sẻ bản quyền giống thanh long LĐ1, bà Thoa cho biết, ngoài thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nếu doanh nghiệp và nông dân cần chứng minh truy xuất nguồn gốc, Hoàng Phát sẵn sàng chia sẻ bản quyền không thu phí trong thời gian 5 năm tính từ thời điểm hiện tại. Đối với thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, những nông dân đang trồng giống thanh long LĐ1 từ Viện cây ăn quả miền Nam cung cấp giống cây trồng khảo nghiệm, công ty Hoàng Phát sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý cho bà con nông dân theo tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản, cao hơn thị trường từ 20-30%.

Với những hợp tác xã có sử dụng giống LĐ1 muốn mở rộng sản xuất, có nhu cầu xuất đi Nhật Bản công ty cũng sẵn sàng tham gia hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường Nhật Bản và bao tiêu sản phẩm.

Theo đó, mức phí chia sẻ bản quyền giống LĐ1 cho các doanh nghiệp để xuất khẩu vào Nhật Bản là 30 đồng/kg với khối lượng xuất khẩu từ 5.000 – 15.000 tấn; 20 đồng/kg cho lượng xuất khẩu 1 năm từ 15.000-25.000 tấn; 10 đồng/kg cho lượng xuất khẩu từ 25.000 tấn trở lên.

Đồng thời, những doanh nghiệp muốn xuất khẩu thì công ty sẵn sàng kết hợp với sở Nông nghiệp các tỉnh thành, doanh nghiệp xuất khẩu cùng với chính quyền địa phương, gặp gỡ bà con nông dân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả cam kết 40.000 đồng/kg trở lên và đặt cọc 30% với sự chứng kiến 3 bên (lãnh đạo tỉnh, công ty Hoàng Phát và doanh nghiệp muốn xuất khẩu).

Các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đều đồng tình với việc đóng phí bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1. Tuy nhiên, có một số băn khoăn về việc trước khi Công ty Hoàng Phát Fruit sở hữu giống LĐ1, nhiều nông dân đã mua giống LĐ1 của Viện Cây ăn quả Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng việc đã thương mại hoá giống nhưng sau đó Viện lại bán bản quyền cho doanh nghiệp là không phù hợp.

Thông tin về giống thanh long ruột đỏ LĐ1, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, giống thanh long ruột đỏ LĐ1 được Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo, khảo nghiệm và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận tạm thời, cho phép sản xuất thử tại các tỉnh phía Nam theo Quyết định số 3277/QĐ/BNN-KHCN ngày 23/11/2005.

Theo quy định tại Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN ngày 27/11/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới, một trong những điều kiện để được công nhận giống chính thức thì giống LĐ1 phải được sản xuất thử nghiệm với quy mô diện tích tối thiểu là 50 ha.

Để đáp ứng được điều kiện này, Viện Cây ăn quả miền Nam đã giao cho Công ty tư vấn đầu tư và phát triển nghề vườn (đơn vị trực thuộc Viện) phối hợp với một số hộ nông dân để cùng tổ chức sản xuất thử. Do quy mô diện tích quá lớn, nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, không có nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, khi tổ chức sản xuất thử nghiệm giống LĐ1, Viện đã có chủ trương thu một phần kinh phí của các hộ nông dân tham gia nhằm bù đắp một phần chi phí sản xuất giống và do đó vẫn phải xuất hóa đơn để đảm bảo các quy định về hóa đơn bán hàng của đơn vị kinh doanh nhưng không coi hoạt động này có tính thương mại.

Đến năm 2013, sau khi QCVN về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (DUS) được ban hành, Viện đã tiến hành khảo nghiệm DUS để đăng ký bảo hộ giống theo quy định. Đến tháng 11/2016, sau khi kết thúc khảo nghiệm DUS, Viện đã nộp đơn xin bảo hộ giống LĐ1 và đã được cấp bằng bảo hộ.

Đến năm 2017, Viện Cây ăn quả miền Nam đã chuyển giao bản quyền giống thanh long LĐ1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với giá 5 tỷ đồng.

(Tổng hợp)

GIA HÂN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement