01/04/2023 10:45
VBMA đề nghị bỏ báo cáo kiểm toán việc sử dụng tiền phát hành trái phiếu
VBMA kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính hoãn thời hạn công bố thông tin báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ cho kỳ công bố thông tin năm 2022 cho các tổ chức phát hành đến hết 30/6/2023, đồng thời, xem xét bãi bỏ quy định này.
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết đã gửi công văn tham gia ý kiến chính thức tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước kiến nghị vướng mắc liên quan tới việc chuẩn bị báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ý kiến này được đưa ra sau khi rà soát, tổng hợp ý kiến thành viên và đại diện 4 công ty kiểm toán hàng đầu là Deloitte, E&Y, PwC và KPMG (công ty kiểm toán Big4).
Theo VBMA, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, VBMA nhận được phản ánh của thành viên về khả năng không thực hiện được việc công bố thông tin đối với báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng vốn đối với trái phiếu riêng lẻ phát hành còn dư nợ năm 2022 theo đúng thời hạn quy định (ngày 31/3/2023).
VBMA nhận định, số tiền thu được từ kênh huy động vốn (vốn trái phiếu) sẽ được gộp và hòa vào tổng nguồn vốn huy động của tổ chức tín dụng. Vì vậy, tổ chức tín dụng không thể xác định đích danh nguồn tiền vốn trái phiếu thu từ một đợt phát hành trái phiếu cụ thể được sử dụng cho các khoản cho vay, đầu tư cụ thể nào.
"Huy động vốn từ trái phiếu chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn huy động vốn của tổ chức tín dụng, thông thường dưới 10%/tổng quy mô huy động. Hiện nay, quy định pháp luật khác cũng không quy định về việc tổ chức tín dụng phải thực hiện kiểm toán sử dụng vốn huy động.
Trong khi, để thực hiện kiểm toán báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, tổ chức tín dụng phải có hệ thống công nghệ thông tin để kiểm tra được tính khớp đúng giữa dòng tiền thu được từ phát hành trái phiếu và dòng tiền cho vay ra tương ứng", VBMA cho biết.
Vì vậy, trường hợp yêu cầu kiểm toán dòng tiền từ phát hành trái phiếu, tổ chức tín dụng chưa có năng lực công nghệ thông tin để theo dõi dòng tiền này. Với trái phiếu đã phát hành, hệ thống tổ chức tín dụng không đáp ứng được yêu cầu của kiểm toán. Thậm chí, với trái phiếu sẽ phát hành, tổ chức tín dụng sẽ rất khó thực hiện theo yêu cầu của kiểm toán.
Hiện nay, công ty kiểm toán Big4 chưa xác nhận sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ cho kỳ năm 2022 (phải công bố thông tin vào ngày 31/3/2023). Việc thuê công ty kiểm toán nhỏ khác thực hiện hoạt động trên có thể gây ra quan ngại cho nhà đầu tư và nhận được đánh giá không tích cực từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, theo TPO.
Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn từ Bộ Tài Chính về phương thức, cách thức thực hiện kiểm toán mục đích sử dụng vốn trái phiếu đối với doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng. Do đó, trường hợp không thực hiện được kiểm toán báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, tổ chức tín dụng sẽ vi phạm quy định về công bố thông tin. Công ty chứng khoán và công ty tài chính tiêu dùng cũng gặp phải vấn đề như tại các ngân hàng.
"Việc vi phạm quy định về công bố thông tin cũng có thể kích hoạt các điều khoản có thể dẫn đến việc trái chủ có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu trước hạn ồ ạt và có thể phát sinh các nghĩa vụ tất toán chéo với các hợp đồng khác. Tổ chức tín dụng cũng có thể vì thế mà bị xử phạt, ảnh hưởng tới danh tiếng truyền thông và mức độ tín nhiệm của tổ chức tín dụng với khách hàng, có thể dẫn đến tác động tiêu cực, có tính dây chuyền đến hệ thống tổ chức tín dụng", VBMA phán ánh.
Do đó, VBMA kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài Chính hoãn thời hạn công bố thông tin báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ cho kỳ công bố thông tin năm 2022 cho các tổ chức phát hành (tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty tài chính) đến hết 30/6/2023. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ quy định này, theo VOV.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp