Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Từ bê bối sữa giả, ai sẽ bảo vệ người dân giữa 'mê cung' trách nhiệm?

Phân tích

17/04/2025 10:10

Hàng trăm sản phẩm sữa giả nhắm vào người bệnh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai đã tồn tại suốt bốn năm. Điều đáng sợ không chỉ là sự gian trá, mà là sự im lặng kéo dài. Khi không ai chịu trách nhiệm đến cùng, thì ai sẽ bảo vệ chúng ta?
news

Tháng 4/2025, dư luận rúng động trước vụ bê bối sữa giả quy mô lớn, liên quan hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group. Gần 600 dòng sản phẩm sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, pha phụ gia độc hại, được phân phối tới những đối tượng dễ tổn thương nhất: bệnh nhân tiểu đường, người suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai.

Hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận bất chính đã được thu về trong bốn năm. Chỉ đến cơ quan báo chí, cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc, vụ việc mới bị phanh phui.

Một lần nữa, câu hỏi đơn giản nhưng nhức nhối được đặt ra: Cơ quan chức năng đã quản lý, giám sát hiệu quả chưa? Ai chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam?... Tới nay chúng ta vẫn không có một câu trả lời rõ ràng?

Theo Luật An toàn thực phẩm 2010, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Nhưng thực tế, nhiều bộ ngành, thậm chí địa phương cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc quản lý. Cụ thể luật quy định, các bộ, cơ quan ngang bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong khi Ủy ban nhân dân các cấp cũng có thẩm quyền thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương.

Thế là “Cha chung không ai khóc”, khi không có một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm cuối cùng. Cơ chế phân tán khiến việc giám sát bị chồng chéo, phản ứng chậm trễ, và đặc biệt – tạo ra “vùng xám” để doanh nghiệp lách luật. Tới khi sự cố xảy ra, các cơ quan liên tục “đá bóng trách nhiệm” bằng câu nói quen thuộc: “Không thuộc thẩm quyền”.

Rồi thì: nguyên liệu nhập về không bị kiểm tra vì “không nằm trong danh mục cấm”; sản phẩm không bị hậu kiểm vì “đã có giấy phép”; hàng lưu thông hợp pháp vì “đáp ứng chỉ tiêu công bố”. Tất cả đều hợp lý trên giấy tờ – nhưng bất hợp lý trong thực tế, khi người tiêu dùng đang uống sữa giả, không đạt chất lượng, không tốt cho sức khỏe mà không hay biết.

Từ bê bối sữa giả, ai sẽ bảo vệ người dân giữa 'mê cung' trách nhiệm?- Ảnh 1.

Dư luận rúng động trước vụ bê bối sữa giả quy mô lớn, liên quan hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group

Người dân – đối tượng đáng được bảo vệ nhất – lại không biết trông cậy vào đâu. Không có đường dây nóng hiệu quả, không có cơ chế khiếu nại minh bạch, và không có cơ quan thực sự đại diện cho lợi ích người tiêu dùng.

Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia phát triển đều lựa chọn gom quyền lực về một mối trong vấn đề an toàn thực phẩm.

Tại Mỹ, FDA là cơ quan duy nhất quản lý toàn bộ thực phẩm và dược phẩm – với ngân sách gần 6 tỷ USD/năm. Từ cấp phép, kiểm định, hậu kiểm đến xử lý vi phạm – đều do FDA đảm trách. Năm 2022, FDA xử lý hơn 4.000 vụ vi phạm, hơn 30 vụ bị truy tố hình sự. Chỉ cần một phản ánh từ dân qua ứng dụng “FoodWatch”, trong 72 giờ sẽ có kết quả điều tra sơ bộ.

Liên minh châu Âu có hệ thống cảnh báo nhanh RASFF – kết nối 27 quốc gia thành viên. Chỉ trong vòng 48 giờ, cảnh báo thực phẩm độc hại sẽ được gửi tới toàn hệ thống. Năm 2023, RASFF xử lý hơn 4.500 cảnh báo, trong đó 40% đến từ thực phẩm nhập khẩu.

Nhật Bản kiểm soát thực phẩm xuyên suốt chuỗi cung ứng. Từ năm 2021, toàn bộ sản phẩm sữa, thịt, rau quả phải có mã QR truy xuất nguồn gốc. Nếu xảy ra sự cố, hệ thống có thể truy gốc trong vài giờ.

Các mô hình trên có ba điểm chung: cơ chế rõ ràng, quản lý tập trung, xử lý nghiêm khắc. Đây là những điều Việt Nam vẫn chưa làm được.

Vụ việc Rance Pharma – Hacofood không phải tai nạn, mà là hệ quả tất yếu của một mô hình quản lý thiếu phối hợp và không có cá nhân chịu trách nhiệm.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu thực phẩm giả bị phát hiện. Mới đây thôi, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định kẹo Kera của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, do Công ty Cp Asia life sản xuất là "hàng giả". Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bước đầu khởi tố 5 bị can, trong số đó có 2 nhân vật nổi tiếng là Nguyễn Thị Thái Hằng (còn gọi là Hằng du mục) và Phạm Quang Linh (còn gọi là Quang Linh Vlog) về tội lừa dối khách hàng.

Những cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý nhưng câu hỏi đặt ra là những tổn hại về sức khỏe, tinh thần của những khách hàng đã mua 135.000 hộp kẹo Kera hàng giả này sẽ bù đắp, giải quyết thế nào? Nhất là khi tác hại của những sản phẩm giả, kém chất lượng tới sức khỏe rất khó để cân đo, đong đếm, chưa nói tới việc những tổn hại về sức khỏe chắc gì đã thể hiện ngay lúc này, mà nó có thể phát tác về sau, khi đó ai sẽ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?

Không thể tiếp tục sống trong vòng lặp “xôn xao – quên lãng – tái diễn”. Đã đến lúc đặt câu hỏi: Nếu lần này không đủ để cải tổ hệ thống quản lý, thì phải chờ đến thảm họa nào nữa?

TP.HCM hiện là địa phương duy nhất có Sở An toàn thực phẩm – theo mô hình “một cửa, một trách nhiệm”. Mô hình này được kỳ vọng làm thay đổi cách tiếp cận quản lý từ phân tán sang tập trung. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là “ốc đảo” giữa sa mạc. Nếu không được nhân rộng, hiệu quả của mô hình sẽ sớm bị giới hạn.

Để thoát khỏi “trò chơi tìm bố” trong quản lý thực phẩm, cần cải tổ ở cấp thể chế, chứ không chỉ bằng chỉ đạo hành chính. Vì vậy các giải pháp đồng bộ cần gấp rút triển khai:

Một là, thành lập Cơ quan An toàn Thực phẩm Quốc gia – cơ quan chuyên trách, độc lập, có thẩm quyền xuyên bộ ngành, báo cáo trực tiếp Chính phủ. Đây là cách duy nhất để chấm dứt tình trạng đùn đẩy.

Hai là, sửa Luật An toàn thực phẩm theo hướng quy định trách nhiệm rõ ràng, có chế tài với người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

Ba là, không thể tiếp tục “phạt để tồn tại”. Cần áp dụng mạnh tay các biện pháp hình sự với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, gây nguy hại cộng đồng.

Bốn là, trao quyền thực sự cho xã hội và báo chí: Hội bảo vệ người tiêu dùng, hiệp hội ngành hàng, báo chí điều tra cần được luật pháp bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, yêu cầu công khai sai phạm.

Năm là, ứng dụng công nghệ giám sát thông minh: Blockchain, AI, dữ liệu lớn phải được triển khai để giám sát chuỗi cung ứng – từ nhập khẩu đến tiêu dùng – theo thời gian thực.

Năm 2016, sự ra đi của nhạc sĩ Trần Lập vì ung thư từng khơi dậy làn sóng chống thực phẩm bẩn. Gần một thập kỷ sau, chúng ta lại chứng kiến sữa giả hoành hành, lần này không chỉ âm thầm giết sức khỏe, mà còn làm hao mòn lòng tin của người dân vào năng lực quản trị.

Trách nhiệm không thể là khái niệm trừu tượng. Nó cần có địa chỉ cụ thể, có người chịu trách nhiệm cuối cùng, và có hành động quyết liệt để bảo vệ điều quan trọng nhất: sự an toàn của mỗi bữa ăn, mỗi giọt sữa, và tương lai của cả một thế hệ.

LÊ THỌ BÌNH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement