16/04/2025 19:54
Những 'ông lớn' sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi Mỹ áp thuế bán dẫn?

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tiết lộ kế hoạch sắp công bố thuế quan đối với chất bán dẫn, nhưng cũng để ngỏ khả năng linh hoạt với một số công ty.
Động thái này nối tiếp các diễn biến phức tạp liên quan đến chính sách thương mại của Mỹ, bao gồm các thông báo và phủ nhận về việc miễn trừ thuế 125% đối với hàng điện tử Trung Quốc.
Các mức thuế mới áp lên chất bán dẫn nhiều khả năng được áp dụng theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Vậy, những công ty công nghệ hàng đầu nào có thể chịu tác động lớn nhất?
Nvidia
Với "gã khổng lồ" chip trí tuệ nhân tạo (AI) có vốn hóa hàng nghìn tỷ USD này, thuế quan Mỹ có thể là "con dao hai lưỡi". Nvidia phụ thuộc lớn vào các đối tác nước ngoài gồm những cái tên lớn như SK hynix, TSMC và ASML.
Trong đó, SK hynix đến từ Hàn Quốc và cung cấp hơn 50% chip nhớ băng thông cao (HBM) toàn cầu, TSMC đặt trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) và chuyên sản xuất bộ xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến, còn ASML của Hà Lan cung cấp máy quang khắc cực tím (EUVL) thiết yếu cho hoạt động sản xuất chip.

Lợi nhuận của Nvidia vượt dự báo nhờ nhu cầu chip AI. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Thuế quan có thể đẩy chi phí của Nvidia lên cao, hoặc buộc công ty phải tìm nguồn cung nội địa thay thế gấp rút.
Tuy nhiên, Nvidia cũng hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy sản xuất tại Mỹ của ông Trump. Tập đoàn tuyên bố sẽ lần đầu tiên xây dựng hoàn toàn siêu máy tính AI tại Mỹ, hướng tới mục tiêu tạo ra cơ sở hạ tầng AI trị giá 500 tỷ USD trong 4 năm tới và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm. Nhà Trắng đã đánh giá cao những động thái này.
Intel
Dù có hoạt động sản xuất đáng kể tại Mỹ, Intel vẫn phải thuê các công ty bên ngoài như TSMC để sản xuất một số chip tiên tiến - đặc biệt là bộ xử lý di động. Nếu các chip này bị đánh thuế, khả năng cạnh tranh và phát triển ngành AI của Mỹ có thể bị cản trở.
Thêm vào đó, Intel còn có các nhà máy ở nhiều quốc gia như Ireland (Ai-len), Trung Quốc, Việt Nam… khiến chi phí có thể tăng mạnh khi thuế quan có hiệu lực. Công ty cũng nhập khẩu chip nhớ từ SK hynix và thiết bị từ ASML.
Mặc dù vẫn chưa rõ liệu thuế quan của Mỹ sẽ chỉ nhắm vào chip bán dẫn thành phẩm hay thiết bị bán dẫn, tuyên bố của Tổng thống Trump về việc xem xét toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử cho thấy khả năng xảy ra trường hợp thứ hai cao hơn.

Biểu tượng Intel tại Santa Clara, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
TSMC
Là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, TSMC đang cung cấp sản phẩm cho hàng loạt khách hàng lớn tại Mỹ như Nvidia, Apple, Intel, Qualcomm, Microsoft. Theo ước tính năm 2023, chip từ nhà sản xuất Đài Loan (Trung Quốc) này chiếm tới 44,2% thị phần chip logic của Mỹ.
Trong trường hợp Mỹ áp thuế quan lên chất bán dẫn nhập khẩu, những khách hàng này có thể tiếp tục mua chip từ TSMC với giá cao hơn nhưng rồi họ có thể tìm tới các nhà cung cấp trong nước. Chính Intel cũng đang nỗ lực mở rộng mảng gia công chip để cạnh tranh với TSMC.

Sản phẩm chip của TSMC. Ảnh: AF
Samsung Electronics
Nhà sản xuất chip từ Hàn Quốc này cũng là một cái tên có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan sắp tới của Mỹ đối với chất bán dẫn. Công ty xuất khẩu chip cho một số khách hàng Mỹ như Intel, Apple, Nvidia và Qualcomm.
Samsung Electronics cũng cung cấp chip cho các công ty như Tesla cùng với một số nhà sản xuất nhỏ khác. Do đó, công ty Hàn Quốc này có thể đặc biệt dễ bị tổn thương do mất thị phần khi một số khách hàng lâu năm tìm kiếm các lựa chọn thay thế trong nước.
Một số mặt hàng xuất khẩu khác của Samsung Electronics sang Mỹ như cảm biến hình ảnh, pin lithium-ion và màn hình có thể không bị ảnh hưởng bởi thuế quan áp lên chất bán dẫn. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi các loại thuế khác của Mỹ và gây thêm tổn thất cho biên lợi nhuận của công ty.

Trụ sở công ty Samsung Electronics ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Apple
Apple có thể đối mặt với đòn đánh kép từ thuế quan áp lên chất bán dẫn và hàng điện tử sắp tới của Mỹ. Công ty thuê TSMC sản xuất chip do mình tự thiết kế, đồng thời nhập khẩu chip từ SK hynix và Samsung.
Mặc dù Apple cũng sử dụng chip từ các nhà cung cấp Mỹ (Micron, Broadcom, Qualcomm, Texas Instruments, STMicroelectronics) và đang xây dựng chuỗi cung ứng ở Ấn Độ, việc này cần thời gian và chưa giải quyết được vấn đề nhập khẩu chip cho thị trường Mỹ.
Quan trọng hơn, Apple nhập khẩu lượng lớn điện thoại thông minh từ Trung Quốc và Ấn Độ. Một khi thuế quan đối với hàng điện tử thành phẩm được áp dụng, Apple sẽ phải gánh chịu chi phí tăng vọt. Do đó, Apple đang cố gắng tận dụng thời gian ông Trump tạm dừng thuế với Ấn Độ để nhập khẩu 600 tấn điện thoại vào Mỹ.
Nhìn chung, việc ông Trump sắp áp thuế bán dẫn có thể tạo ra những xáo trộn đáng kể trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí, chiến lược sản xuất và lợi nhuận của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Một đại lý và biểu tượng của Apple ở New York, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement