Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Trước khi bị khởi tố, 'Shark Tam' nổi danh và lùm xùm cùng 'đế chế' nghìn tỷ Asanzo ra sao?

Doanh nhân

24/06/2024 09:59

Ông Phạm Văn Tam nổi tiếng với thương hiệu tivi “Made in Vietnam” Asanzo một thời. Tuy nhiên, đại gia gốc Quảng Ninh dính loạt tai tiếng lùm xùm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, về thuế và dự án phân bón trong nhiều năm qua.

Cái tên Shark Tam trở nên nổi đình nổi đám, phủ kín các mặt báo với gương mặt một doanh nhân trẻ trung, năng động… khi ông tham gia chương trình Shark Tank mùa 3 hồi giữa năm 2019 cùng hàng loạt những cái tên quen thuộc như Phạm Thanh Hưng, Nguyễn Ngọc Thủy, Thái Vân Linh... trong 'dàn cá mập'. 

Thời điểm đó, ông Phạm Văn Tam (1980), Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam cùng với sự ra đời Quỹ đầu tư khởi nghiệp Asanzo Startup Fund với vốn khởi đầu 200 tỷ đồng và quan trọng hơn là "từ 2 bàn tay trắng để làm nên hãng tivi Made in Vietnam có tên Asanzo".

Thành lập chính thức từ năm 2013, cho đến giữa năm 2019, Asanzo chỉ xếp sau các ông lớn tivi Samsung, LG và Sony về thị phần. Asanzo đã tăng trưởng thần tốc trong khi có những công ty lắp ráp tivi lâu năm vẫn chật vật để cạnh tranh. 

Đặc điểm của tivi Asanzo là có giá rất rẻ, thậm chí thấp hơn 30-40% với nhiều mẫu cùng loại trên thị trường và tivi Asanzo chủ yếu bán tại thị trường nông thôn, chiếm phần lớn doanh thu của doanh nghiệp.

Trước khi bị khởi tố, 'Shark Tam' nổi danh và lùm xùm cùng 'đế chế' nghìn tỷ Asanzo ra sao?- Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Tam tại dây chuyền sản xuất tivi Asanzo.

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường GfK, thị phần của Asanzo trên thị trường tivi Việt Nam khi đó chiếm khoảng 16%, trong khi ông lớn LG chiếm 17%, Sony 25% và Samsung 35%.

Ông Phạm Văn Tam từng chia sẻ tại tọa đàm trao đổi với chủ đề Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo: "Những chiếc tivi đầu tiên của Asanzo ra đời dựa trên ý tưởng từ những lần tôi cung cấp hàng điện tử cho các khu vực ở miền Tây. Ở đây họ thiếu điện, chúng tôi phải tạo ra những chiếc tivi sử dụng ắc quy để phục vụ họ. Tôi luôn tâm niệm Asanzo được thành lập để phục vụ cho những người tiêu dùng bị bỏ quên chứ không phải dành cho người tiêu dùng hiện đại". 

Chiếc tivi Asanzo 25 inch đời thứ 2 có giá chưa tới 2 triệu nhanh chóng được đón nhận. Nhiều sản phẩm phù hợp với đặc điểm với từng miền như miền Tây là tivi chạy bằng ắc quy, miền Trung là bo mạch chống ăn mòn hơi nước biển, miền Bắc là hình thức na ná tivi ngoại.

Tuy nhiên, sau biến cố vào năm 2019, việc kinh doanh của Asanzo bị đình trệ.

Vào tháng 6/2019, Asanzo vướng vào nghi vấn "hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam". Ông Phạm Văn Tam khi đó lên tiếng rằng sản phẩm Asanzo không phải "Made in Việt Nam", mà có những linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó sản phẩm đã dán nhãn "xuất xứ tại Việt Nam". Tuy nhiên, điều này vẫn không khiến doanh nghiệp tránh khỏi sự quay lưng của nhiều đối tác. 

Về sau, khi cơ quan chức năng đưa ra các thông báo rằng hoạt động của Asanzo là "phù hợp quy định", không lừa dối khách hàng, thương hiệu điện tử này dần dần quay trở lại các siêu thị điện máy.

"Đừng có gồng mình để trở thành những người nổi tiếng như Jack Ma, Mark Zuckerberg hay Bill Gates, bởi đó thực sự là những thiên tài đích thực trong lĩnh vực của họ. Thay vào đó, hãy tỏ ra thực tế hơn và phát huy năng lực của bản thân, kết hợp với các thế mạnh của địa phương nhằm giải quyết các vấn đề, nhu cầu mà xã hội thực sự cần đến".

Phạm Văn Tam, cựu Chủ tịch Asanzo

Sau đó, Asanzo lại tiếp tục dính tai tiếng với Sharp Việt Nam. Tới cuối tháng 11/2019, Sharp Việt Nam gửi đơn tới 5 cơ quan cấp bộ tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật của Asanzo.

Sau lùm xùm Asanzo mập mờ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, khoảng một năm sau đó Shark Tam lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp. Cuối năm 2021, Asanzo công bố đầu tư 2.000 tỷ đồng vào hệ thống 5 trang trại bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An với quy mô 25.000 con. 

Nhà sáng lập Asanzo cho rằng đây là chiến lược hiện thực hóa mục tiêu hình thành hệ sinh thái chia sẻ tuần hoàn của Asanzo, mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân và từ đó họ sử dụng các sản phẩm khác của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau thông tin này, nhiều tờ báo lại nhận được phản hồi từ đơn vị sản xuất từ phía công ty T&T 159 rằng, ông Tam chỉ mua phân bón chứ không tham gia đầu tư, sản xuất như ông này đã tuyên bố.

Trả lời báo Nhà Đầu tư, ông Đỗ Thế Thắng, Tổng giám đốc T&T 159 khi đó khẳng định: "Thông tin ông Tam cùng nhóm nhà đầu tư rót tiền vào hệ thống trang trại bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An, tổng vốn 2.000 tỷ đồng là không chính xác. Bên đó chỉ là phân phối độc quyền phân bón Ba Con Bò vào thị trường miền Nam do chúng tôi sản xuất thôi".

Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam (SN 1980, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Asanzo) về tội Trốn thuế.

Kết quả điều tra bước đầu xác định ông Phạm Văn Tam đã chỉ đạo Phạm Xuân Tình ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH đầu tư thương mại Việt Tài, Công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty THHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoài; sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo của Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo.

Ngoài ra, bị can sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp là hơn 15,7 tỷ đồng.

Ông Tam từng tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3, tuy nhiên, cũng vì biến cố năm 2019, ông Tam đã rời ghế "cá mập" giữa chừng. Các phần ghi hình ông Tam trong vai trò Shark khách mời cũng bị cắt bỏ hoàn toàn.

Dù không tham gia hết mùa 3, nhưng trong chương trình, ông Tam đã để lại câu nói ấn tượng "Đừng có gồng mình để trở thành những người nổi tiếng như Jack Ma, Mark Zuckerberg hay Bill Gates, bởi đó thực sự là những thiên tài đích thực trong lĩnh vực của họ. Thay vào đó, hãy tỏ ra thực tế hơn và phát huy năng lực của bản thân, kết hợp với các thế mạnh của địa phương nhằm giải quyết các vấn đề, nhu cầu mà xã hội thực sự cần đến".

TÚC (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement