01/09/2020 15:02
Ông chủ Asanzo Phạm Văn Tam làm Chủ tịch tập đoàn đầu tư tài chính vốn 1.000 tỷ đồng
Với số vốn dự kiến 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Winsan do ông Phạm Văn Tam làm Chủ tịch ưu tiên đầu tư vào doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, nha khoa…
Quyết định chuyển hướng sang vai trò mới đồng nghĩa việc Asanzo muốn mở rộng đầu tư ra ngoài lĩnh vực điện tử gia dụng. Ông Phạm Văn Tam cho biết ông quyết định thử sức ở lĩnh vực mới bằng cách thành lập Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Winsan, và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, hoạt động dưới mô hình công ty đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Winsan sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng nhưng còn thiếu nguồn lực tài chính lẫn kinh nghiệm quản trị.
Năm 2019, Asanzo do ông Phạm Văn Tam làm Chủ tịch cũng đã thành lập Quỹ khởi nghiệp Asanzo và tập trung đầu tư vào startup điện tử, phần cứng. Winsan hiện nay ngoài đầu tư vào điện tử, công nghệ còn mở rộng danh mục ra các ngành hàng tiêu dùng, thức uống giải khát, nha khoa… Bên cạnh đầu tư vốn, ông Tam cho biết Winsan cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng nhân sự giỏi, đảm nhận những vị trí cấp cao…
Khủng hoảng Asanzo kéo dài suốt 1 năm khiến doanh nghiệp này từng phải dừng hoạt động vì thua lỗ, không bán được hàng. Ảnh: Dân trí |
Ông chủ Asanzo cũng cho biết thêm dự kiến vốn ban đầu của Winsan khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng thêm trong quá trình hoạt động. Trong đó, khoảng 70% số vốn này sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ - điện tử. Các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ nhưng sản phẩm phục vụ cho phần đông người tiêu dùng bình dân, người lao động thu nhập thấp sẽ được ưu tiên đầu tư.
Cùng với đó, bất động sản công nghiệp, hậu cần sẽ là danh mục đầu tư quan trọng mà Winsan sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động đến nền kinh tế, thương mại điện tử có cơ hội phát triển, tạo đà cho bất động sản công nghiệp, hậu cần phát triển đáp ứng nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi…
Mô hình tập đoàn đầu tư được ông chủ Asanzo nung nấu từ khoảng ba năm trở lại đây. Ông đặt mục tiêu kết nối Winsan với các đối tác nước ngoài nhiều năm làm việc cùng Asanzo, từ đó tạo dựng quỹ đầu tư quy mô lớn, tiếp cận và hỗ trợ đa dạng mô hình kinh doanh.
Ông chủ 8X Phạm Văn Tam sáng lập Asanzo năm 2014, bắt đầu là Công ty Cổ phần điện tử Asanzo. Từ kinh nghiệm của một tiểu thương kinh doanh hàng điện tử ở chợ Nhật Tảo nhiều năm, ông Tam hiểu được sản phẩm cũng như như cầu tiêu dùng của thị trường. Asanzo nhắm tới khách hàng mục tiêu mlà những hộ gia đình nông thôn và lao động thu nhập thấp.
Từ quy mô ban đầu chỉ tập trung vào các sản phẩm điện gia dụng và tivi, đến nay Asanzo đã mở rộng sang nhiều ngành hàng khác gồm điện lạnh (máy điều hòa, tủ lạnh) và điện thoại. Trong đó, máy lạnh và tivi Asanzo được người tiêu dùng chuộng vì giá rẻ, chất lượng tốt.
Năm 2016, Công ty CP Tập đoàn Asanzo được thành lập, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, là đơn vị kinh doanh chính của thương hiệu Asanzo. Cũng trong năm này, lượng tivi mà Asanzo bán ra đạt con số đến 500.000 chiếc, doanh thu của công ty cán mốc hơn 2.500 tỷ đồng. Đến năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017.
Với hơn 70 dòng sản phẩm đã đưa Asanzo lọt Top 3 trên thị trường điện tử Việt Nam, chiếm 18% thị phần cả nước.
Giữa năm 2019, Asanzo bị cáo buộc nhập hàng Trung Quốc về lắp ráp rồi gắn mác "made in Vietnam" để lừa dối khách hàng. Liên tục các thông tin bất lợi đưa ra khiến các siêu thị điện máy lớn rút toàn bộ sản phẩm của Asanzo khỏi doanh mục kinh doanh. Doanh nghiệp của ông Tam buộc phải tuyên bố dừng hoạt động vào tháng 8/2019.
Sau hơn 1 năm điều tra, cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Công an đã có kết luận khẳng định không có dấu hiệu Asanzo lừa dối khách hàng khi kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Asanzo.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp