08/07/2020 18:08
Trung ương sẽ thu được thêm 345.000 tỷ đồng, nếu cho TP.HCM giữ lại 28% ngân sách
Bí thư Nhân cho biết một đồng vốn TP.HCM bỏ ra sẽ mang lại nguồn thu xã hội cao gấp 10 lần. Tuy nhiên, thành phố chỉ được giữ lại 18%.
Theo tính toán của TP.HCM, nếu tỷ lệ ngân sách giữ lại 24-28%, trong 10 năm tới số tiền thành phố nộp về Trung ương tăng thêm 345.000 tỷ đồng.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 42 trưa 8/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, suốt 5 tháng qua thành phố tập trung nghiên cứu, hoàn thiện "Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM" giai đoạn 2021-2030.
Ngày 10/7, lãnh đạo thành phố báo cáo Ban Kinh tế Trung ương chi tiết Đề án, trong đó chứng minh nếu thành phố được giữ nhiều ngân sách thì số tiền nộp về Trung ương sẽ tăng lên, theo VnExpress.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu bế mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 42. Ảnh: VnExpress |
Theo ông Nhân, mới nghe tên đề án thấy mâu thuẫn vì thành phố đang được giữ 18% tổng thu ngân sách và nộp về Trung ương 82%, nay đề án đề xuất thành phố giữ 24% còn nộp về Trung ương 76%. Tuy nhiên, do TP.HCM là trung tâm có hiệu quả kinh tế cao nhất nước, năng suất gấp 2,8 lần bình quân cả nước; một đồng vốn công ở đây bỏ ra thu hút 10-14 đồng vốn đầu tư và mỗi năm tạo thêm 126.000 lao động.
"Với 3 yếu tố này, nếu để lại tiền cho thành phố sẽ huy động vốn xã hội gấp hơn 10 lần, khi có lao động tạo ra sản phẩm gấp 3 lần. Cho nên khi chúng ta xin để lại cho thành phố nhiều hơn từ 18% lên 24%, sau một nhiệm kỳ 5 năm, phần nộp về Trung ương nhiều hơn là để lại 18%", ông Nhân phân tích.
Về số liệu cụ thể, ông Nhân cho biết nếu 5 năm tới (2021-2025), ngân sách để lại cho thành phố là 24% và 5 năm tiếp theo (2026-2030) là 28% so với phương án vẫn giữ 18% trong 10 năm tới phần nộp về Trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỷ (tương đương 14,8 tỷ USD); ngân sách thành phố cũng tăng thêm khoảng 390.000 tỷ đồng.
Các đại biểu biểu quyết thông qua tờ trình tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM. Ảnh: Zing |
"Tỷ lệ ngân sách Trung ương để lại cho thành phố còn thấp quá, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đây là vấn đề không mới, cách đây 3 năm thành phố đã báo cáo vấn đề này để Bộ Chính trị góp ý", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với ý kiến đại biểu, theo Zing.
Trước đó trong phần phát biểu, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục đề cập đến khó khăn của thành phố khi tỷ lệ ngân sách được giữ lại quá thấp, chỉ 18% - không đáp ứng nhu cầu tái đầu tư phát triển thành phố.
Ngoài vấn đề ngân sách, ông Nhân cũng chỉ ra một số khó khăn mà TP.HCM đang đối mặt, cần phải tìm hướng giải quyết. Đó là tốc độ phát triển hạ tầng giao thông rất chậm, không đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Ngoài ra, theo ông Nhân tỷ suất sinh của TP.HCM đang thấp nhất cả nước (1,3%), cũng là khó khăn mà thành phố phải đối mặt. Theo đó, thời gian làm việc nhiều, khó khăn về chỗ ở, điều kiện đi lại là nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng ở thành phố ngại có con.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp