06/10/2020 07:45
Trung tâm thương mại làm ăn thế nào: Cuộc chơi nghìn tỷ của các ông lớn (bài 2)
Dịch COVID-19 gây ảnh hưỡng rõ rệt trong tình hình kinh doanh và hoạt động của các chuỗi trung tâm thương mại nhưng ngành này vẫn đem lại lợi nhuận tốt.
Theo thống kê của CBRE, lưu lượng khách đến mua sắm ở các trung tâm thương mại tại TP.HCM và Hà Nội giảm gần 80% trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn ra. Còn theo khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ người dùng chọn đi trung tâm thương mại giảm từ 71,6% trước dịch về mức 50,9%.
Kéo theo đó, hàng loạt mặt bằng bán lẻ chịu cảnh bị trả về công ty chủ quản. Theo khảo sát các nhà bán lẻ châu Á - Thái Bình Dương về chiến lược khác nhau cho các ngành hàng, trong thời gian này, khoảng 38% các nhà bán lẻ sẽ tập trung phát triển khả năng bán hàng trực tuyến, tức từng ấy các nhà bán lẻ muốn giảm diện tích cửa hàng.
Lợi nhuận sụt giảm, hoạt động dở dang
Tương ứng với tình hình trên, kết quả kinh doanh của một số công ty chủ quản trung tâm thương mại hụt hơi thấy rõ. Theo báo cáo tài chính quý II/2020 của Công ty Cổ phần vincom-retail-tag120376/"> Vincom Retail , tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.630 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 343 tỷ đồng, với gần một nửa.
Kết quả kinh doanh của Vincom Retail giảm so với cùng kỳ 2019 được HĐQT giải trình là do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh. Chuỗi trung tâm thương mại của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phải giải ngân 375 tỷ đồng để đồng hành, hỗ trợ các khách thuê.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vincom Retail đạt 3.316 tỷ đồng doanh thu, giảm 22% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.065 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. So với kế hoạch kinh doanh, Vincom Retail chỉ mới hoàn thành được 33% mục tiêu về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Tuy không công bố thông tin, nhưng sự chững lại trong hoạt động của một số công ty khác cũng phần nào thể hiện sức ảnh hưởng của COVID-19 đối với hoạt động bán lẻ tại trung tâm thương mại.
Theo kế hoạch, Công ty TNHH AEON Mall Việt Nam sẽ đưa trung tâm AEON Mall Hải Phòng với số vốn đầu tư lên đến 190 triệu USD vào hoạt động trong tháng 9. Tuy nhiên, tập đoàn đến từ Nhật Bản đã phải dời lịch khai trương đến tận tháng 12.
Sau thành công của Gigamall Phạm Văn Đồng (Thủ Đức, TP.HCM), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op chi 110 tỷ đồng đầu tư trung tâm thương mại Sense City quận 9. Ban Lãnh đạo từng tuyên bố sẽ quyết tâm đưa trung tâm thương mại thứ 2 của mình tại TP.HCM khai trương trong quý III/2020. Thế nhưng theo ghi nhận thực tế, dự án này mới xây dở dang được cột cho tầng 1 và công trường đã yên ắng từ khi giãn cách xã hội đến nay.
Sense City Đông Sài Gòn tại quận 9 chỉ mới thi công được phần cột cho tầng 1. Ảnh: Minh Hải |
Năm ngoái, trong khi kỳ vọng trung tâm thương mại tại TP.HCM lãi 100 triệu yên, tập đoàn bán lẻ Takashimaya tiết lộ, ban lãnh đạo đang xem xét để mở một cửa hàng khác tại Việt Nam. Đến nay, kế hoạch này vẫn ghi nằm yên trên mặt báo.
Trung tâm thương mại lãi hàng nghìn tỷ mỗi năm
Tình trạng đi lùi trong hoạt động và kinh doanh của các chuỗi trung tâm thương mại có thể xem chỉ là cục bộ trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Số liệu tài chính của các công ty chỉ rõ, đây vốn là ngành kinh doanh không hề ẩm ương.
Trừ năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Vincom Retail đều đạt con số hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2015, doanh thu của chuỗi trung tâm thương mại Vincom đạt 5.958 tỷ đồng, lãi ròng ghi nhận 1.089 tỷ đồng. Đến năm 2019, doanh thu đã tăng 55% và ấn tượng hơn cả là mức tăng của lợi nhuận sau thuế lên tới 162%.
Cùng với đó, Vincom Retail liên tục mở rộng mạng lưới trung tâm thương mại, hầu như song hành với sự bành trướng của các khu đô thị Vinhomes. Cuối năm 2014, toàn hệ thống có 5 trung tâm thương mại, chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội. Đến nay, Vincom Retail đang vận hành 79 trung tâm thương mại tại 43 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Trong khi năm 2014 là lúc Vincom niêm yết, thì AEON Việt Nam mới ra mắt thị trường với AEON Mall Tân Phú. Sau 5 năm, hệ thống trung tâm thương mại đến từ Nhật Bản có được 6 địa điểm tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Hải Phòng.
Tuy chỉ có 5 trung tâm thương mại nhưng tình hình kinh doanh của AEON Việt Nam không khỏi khiến các đối thủ ngưỡng mộ khi doanh thu của tập đoàn bán lẻ tăng đều qua các năm. Nếu năm 2017, công ty báo cáo doanh thu 5.135 tỷ đồng thì đến cuối năm 2019, con số này đã đạt 6.553 tỷ đồng, tức tăng 30%. Lợi nhuận cũng tăng từ mức 234 tỷ đồng năm 2017 lên 321 tỷ đồng vào năm 2019.
Năm 2017, AEON Việt Nam vẫn đang lỗ lũy kế 324 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí đầu tư xây dựng ban đầu ở mức cao. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, công ty nhanh chóng chuyển sang lãi lũy kế 153,4 tỷ đồng.
Một thương hiệu khác có phần kín tiếng hơn là Takashimaya. Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản chào thị trường Việt Nam bằng trung tâm thương mại cùng tên đặt tại TP.HCM vào năm 2016 với vốn đầu tư 22 triệu USD và kỳ vọng sẽ có lợi nhuận vào năm 2022. Nhưng hồi tháng 2/2020 vừa qua, Takashimaya đã công bố lãi năm tài chính 2019 đạt gần 1 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Việt Nam sẽ có 180 trung tâm thương mại
Tuy chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng tình hình hoạt động của các trung tâm thương mại không thật sự quá tối tăm. CBRE cho biết, việc trả mặt bằng tại các trung tâm thương mại diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ của chủ đầu tư về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội đã giúp giảm bớt một phần áp lực về chi phí.
Trong thời gian tới, một báo cáo từ Euromonitor công bố hồi tháng 8/2020 chỉ ra, Việt Nam đang trên đường có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
VN-Direct dự báo, trong nửa cuối năm 2020, Vincom Retail tiếp tục được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản bán lẻ. Doanh nghiệp này có khả năng tiếp cận đến quỹ đất của Vinhomes với hơn 165 triệu m2 ngay tại trung tâm Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành lân cận, trong đó đáng kể các trung tâm thương mại Vincom nằm trong khu đô thị Vinhomes.
Theo đại diện của Vincom Retail, ngay trong tháng 6/2020, lượng khách hàng đến các trung tâm thương mại đã hồi phục mạnh và đạt 75 - 95% so với trước COVID-19. Chưa kể, việc đóng của trung tâm thương mại tại Đà Nẵng ít ảnh hưởng đến công ty vì chỉ đóng góp dưới 2% trong doanh thu cho thuê sàn bán lẻ mỗi năm. Dự kiến, Vincom Retail còn mở thêm Vincom Mega Mall Ocean Park vào cuối năm, tăng 4% tổng diện tích sàn lên gần 1,66 triệu m2.
Cuối năm, các hệ thống trung tâm thương mại sẽ mở mới thêm diện tích sàn. Ảnh: Tất Đạt |
Cũng trong cuối năm nay, AEON Việt Nam sẽ khai trương AEON Mall Hải Phòng. Đại diện công ty này cho biết, đại dịch tác động sâu rộng đến nền kinh tế, song chỉ làm chậm lại một chút bước chân của AEON tại Việt Nam.
Đến nay, AEON đã rót gần 900 triệu USD vào Việt Nam, một con số không nhỏ so với vốn đầu tư mà các đại gia bán lẻ nước ngoài khác. Tổng Giám đốc Iwamura Yasutsugu của AEON Việt Nam cho biết, đến năm 2025, tập đoàn này sẽ vận hành 25 trung tâm thương mại tại Việt Nam, do đó đã chuẩn bị nguồn vốn đến 2 tỷ USD để đầu tư.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chờ giải thể là nhiều nhất, với hơn 8.100 doanh nghiệp, chiếm 37,2%. Còn theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng 2020 có tổng cộng 14.397 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô và xe máy tạm dừng kinh doanh. Số doanh nghiệp giải thể của nhóm này là gần 4.700 doanh nghiệp. Theo bà Trần Thị Thu Hà, quản lý Bộ phận cho thuê bán lẻ Savills Việt Nam, hầu hết các ngành hàng trong ngành bán lẻ nói riêng và nền kinh tế nói chung luôn cần sự đổi mới và sáng tạo để thích ứng với thị hiếu thường xuyên biến đổi của người tiêu dùng, dù có dịch COVID-19 xảy ra hay không. Các trung tâm thương mại hay chuỗi siêu thị bán lẻ vẫn có thể thành công tại thị trường nếu họ thực hiện một chiến lược phát triển đúng đắn. Bà Hà cho biết thêm, riêng các thương hiệu thời trang, do đặc thù thị hiếu nên vẫn phải cân bằng giữa các kênh trực tuyến và ngoại tuyến để tối đa hóa lợi nhuận, trong đó kênh bán hàng tại chỗ vẫn đang chiếm ưu thế. Chính điều này là cơ hội dành cho các trung tâm thương mại và siêu thị bán lẻ có thể tồn tại và phát triển, đặc biệt ở dòng sản phẩm cao cấp và trung cấp. |
Advertisement
Advertisement