11/01/2019 16:00
Trung Quốc triển khai tên lửa DF-26 'diệt tàu sân bay' đe doạ Mỹ
Bắc Kinh tuyên bố loại tên lửa đạn đạo được mệnh danh “sát thủ diệt tàu sân bay” đã sẵn sàng hoạt động trên toàn quốc.
Theo báo The Japan Times (Nhật Bản) ngày 10/1, báo chí Trung Quốc mới đây loan tin, nước này đã cho triển khai ở Tây Bắc loại tên lửa chống hạm được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”. Tờ báo đặc biệt ghi nhận thông tin này được tung ra ngày 8/1, tức đúng một ngày sau khi Mỹ lại cho tàu chiến tiến vào tuần tra “bảo vệ quyền tự do hàng hải” gần quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, trích dẫn đài truyền hình nhà nước CCTV, hệ thống tên lửa được triển khai là loại hỏa tiễn đạn đạo DF-26, được cho có tầm bắn từ 3.000-4.000 km. Địa điểm bố trí các dàn tên lửa này là ở vùng cao nguyên và sa mạc miền Tây Bắc Trung Quốc.
DF-26 được cho là có khả năng nhắm theo tàu sân bay Mỹ di chuyển trên biển, song khả năng này vẫn chưa được chứng minh. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Mặc dù ngày triển khai cụ thể không được tiết lộ, song thời điểm loan tin được đưa ra ít lâu sau chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mới nhất mà chiến hạm Mỹ USS McCampbell tiến hành gần quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông vào ngày 7/1, một hoạt động bị Bắc Kinh cho là “khiêu khích”.
Hãng tin ABC dẫn thông tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết, tên lửa đạn đạo DF-26 của nước này đã được đưa đến vùng sa mạc và cao nguyên ở phía tây Bắc.
Từng được truyền thông Trung Quốc và các chuyên gia quốc phòng đặt cho biệt danh “Kẻ giết người Guam”, tên lửa này có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Với tầm bắn được cho là lên tới 4.500km, tên lửa này có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ ở phía đông và Indonesia ở phía tây, trở thành một vũ khí mạnh mẽ của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở biển Đông.
Tờ Global Times của Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia quân sự nước này cho rằng việc tên lửa được triển khai ở sâu trong đất liền của nước này khiến tên lửa khó bị đánh chặn hơn vì nó cho phép tên lửa đạt được tốc độ cao ở giai đoạn triển khai cuối cùng.
Theo các chuyên gia, một vụ phóng tên lửa di động từ sâu bên trong nội địa Trung Quốc sẽ khó bị đánh chặn hơn so với một vụ phóng đi từ khu vực gần bờ.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 trong một cuộc diễu binh tại Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Việc Trung Quốc triển khai tên lửa DF-26 cũng đã gây lo ngại ở Nhật Bản, nơi có nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, liên quan đến chiến dịch tuần tra Hoàng Sa mới nhất của Hải quân Mỹ, chuyên gia hải quân cao cấp của Trung Quốc, ông Trương Quân Xã ngày 9/1 cảnh cáo Mỹ rằng các chiến dịch của Mỹ tại Biển Đông có thể làm bùng nổ cuộc chiến mà Mỹ sẽ là bên phải chịu trách nhiệm
Còn tờ The Japan Times cũng trích dẫn báo cáo năm 2018 của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự Trung Quốc, loại tên lửa di động trên bộ đó đã được đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 2016 và “có khả năng thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu trên biển ở phía Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Biển Đông.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp