13/08/2019 11:25
Trung Quốc thông báo tập trận trên biển Đông
Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận trên biển Hoa Nam (biển Đông) từ 0h ngày 18/8 đến 24h ngày 20/8 (giờ Bắc Kinh), TTXVN đưa tin.
Theo cảnh báo 0116 được đăng tải trên trang mạng của Cục Hải sự Trung Quốc vào ngày 12/8, Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận trên Biển Hoa Nam (Biển Đông) từ 0h ngày 18/8 đến 24h ngày 20/8 (giờ Bắc Kinh) trong khu vực được giới hạn bởi 4 tọa độ: 17-56.7N/110-51.2E, 17-56.7N/111-07.8E, 17-40.3N/111-07.8E, và 17-40.3N/110-51.2E.
Thông báo yêu cầu tàu thuyền không được đi vào khu vực nói trên.
Ảnh minh họa. |
Trước đó, vào cuối tháng 6/2019, Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử thử tên lửa tại vùng biển này. Coi thường luật pháp quốc tế, triển khai các cơ sở radar và đường băng sân bay trên các đảo nhân tạo, có thể nói rằng Trung Quốc đang từng bước thể hiện rằng đã chuẩn bị sẵn sàng để đặt cả vùng biển rộng lớn này dưới tầm khống chế của họ.
Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, cần tăng cường cảnh giác với động thái này. Kể từ tháng 6/2019, quân đội Trung Quốc đã thực hiện một vài cuộc tập trận quân sự trên Biển Đông và các vùng biển lân cận. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa đối hạm hướng về Biển Đông. Đây là động thái "mang đậm" ý đồ muốn kiềm chế các tàu chiến Mỹ đang thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP).
Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama (khi đó) trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ 4 năm trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định "không có ý định quân sự hóa Biển Đông", tuy nhiên có thể nói thực tế lại hoàn toàn đối ngược với lời nói.
Trung Quốc cũng gia tăng việc chi phối kinh tế dựa vào thực lực của mình. Liên tục xảy ra các vụ việc tàu công của Trung Quốc ngăn cản tàu cá Philippines hoạt động trong vùng biển của nước này, khiến cho sự chỉ trích đối với chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte- người theo đường lối dung hòa với Trung Quốc- ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, phản ứng của chính phủ Philippines lại mang tính kiềm chế vì cảm nhận được sức ép về quân sự.
Trong bài diễn thuyết hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Duterte đã bảo vệ đường lối dung hòa với lập luận rằng "Nếu khai chiến với Trung Quốc thì chỉ sau 7 phút là tên lửa Trung Quốc sẽ bay tới Manila". Trong Sách Trắng Quốc phòng mới công bố, Trung Quốc khẳng định "phản đối việc đối xử tốt với kẻ mạnh và bắt nạt kẻ yếu", tuy nhiên có thể nói họ đã tự mình phản bội lời nói này.
Liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán soạn thảo, Trung Quốc gần đây đã bắt đầu cho thấy những nỗ lực tích cực. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào cuối tháng 7/2019 tuyên bố "sắp đến gần mục tiêu soạn thảo COC trong vòng 3 năm".
Có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc có thái độ trên là do họ phán đoán rằng đã đạt được mục tiêu chi phối thực tế Biển Đông với việc xây dựng các đảo nhân tạo và cơ sở quân sự tại vùng biển này. Cũng có những ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn sớm có COC để vô hiệu hóa một cách thực chất phán quyết cho rằng đòi hỏi của Bắc Kinh với Biển Đông là "trái pháp luật" mà Tòa Thường trực quốc tế (PCA) đưa ra năm 2016.
Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku thuộc tỉnh Okinawa (Nhật Bản), do vậy vấn đề Biển Đông không phải là không có liên quan tới hoạt động bảo vệ lãnh thổ của Nhật Bản. Điều này đặt ra thêm những nỗ lực của Nhật Bản trong việc tăng cường liên kết với Mỹ và các nước ASEAN để ngăn chặn các hành vi quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp