18/07/2019 16:23
Trung Quốc sử dụng "vũ khí lợi hại" của mình trong chiến tranh thương mại với Mỹ như thế nào?
Trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ được ví như vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Vũ khí lợi hại của Trung Quốc
"Trung quốc có nhiều 'vũ khí' trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, và việc bán hết trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ không nằm một trong số đó",Richard McGregor, thành viên cấp cao của viện nghiên cứu Lowy cho biết.
Khi căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang vào tháng 3, Bắc Kinh đã cắt giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của Mỹ với tốc độ nhanh nhất trong khoảng 2 năm qua.
Động thái này đã gây ra mối lo ngại rằng Trung Quốc, chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất của Kho bạc Mỹ sẽ bán hết toàn bộ những gì mình có.Rõ ràng với Trung Quốc, đây thật sự là một thứ vũ khí lợi hại, chẳng khác gì "vũ khí hạt nhân", nếu bán hết trái phiếu và gây ra sự gia tăng lãi suất, có thể sẽ làm kinh tế Mỹ thiệt hại nặng nề.
Trái phiếu kho bạc Mỹ được xem như vũ khí hạt nhân trong xung đột thương mại Mỹ-Trung. |
Theo tờLe Monde ghi nhận trong thời gian gần đây, không những Bắc Kinh ngừng mua thêm trái phiếu của Mỹ, mà theo như các số liệu do bộ Tài Chính Mỹ công bố hồi trung tuần tháng 5/2019, trong tháng 3/2019, Bắc Kinh còn bán ra hơn 10 tỷ USD trái phiếu Mỹ. Một dấu hiệu đáp trả đầu tiên của Trung Quốc chăng?
Trước hết, ông Victor Lequillerier, thuộc cơ quan cố vấn độc lập BSI Economics, lưu ý: "Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ là nhằm ổn định đồng nhân dân tệ.Chính quyền Bắc Kinh thường xuyên trích từ nguồn dự trữ dồi dào 3.200 tỷ USD để điều chỉnh tỷ giá hối đoái".
Do vậy, báo Le Monde trích dẫn phân tích của nhiều chuyên gia cho rằng "Trung Quốc không thể kích hoạt vũ khí trái phiếu Mỹ".Thứ nhất là vì Bắc Kinh chưa có một giải pháp thay thế nào khác để đáp ứng nhu cầu tích trữ ngoại tệ của mình. Thị trường trái phiếu Mỹ vẫn là nơi duy nhất có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu dự trữ tiền tệ của Trung Quốc. Trái phiếu Mỹ vẫn là nguồn lãi tốt nhất so với bất kỳ phương tiện tài chính nào khác và có giá trị bảo toàn như là Bunds - trái phiếu Đức hay trái phiếu Nhật Bản.
Nếu Bắc Kinh bán tống bán tháo trái phiếu Mỹ, tờ giấy bạc xanh của Mỹ rớt giá, Trung Quốc sẽ là nạn nhân bị trừng phạt đầu tiên. Một biện pháp trả đũa như thế sẽ làm giảm giá trị của chính nguồn dự trữ bằng đô la của Trung Quốc, theo như giải thích của ông Gregori Volokhine, chủ tịch Meeschaert Capital Markets, ở New York.
Thứ hai, việc bán tháo trái phiếu sẽ làm tăng lãi suất vay ở Mỹ, và những nước mới trỗi dậy, những nước có nợ vay bằng đô la có nguy cơ trả giá đắt cho biện pháp này.
"Những nền kinh tế mới trỗi dậy này sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho Trung Quốc nếu họ phải gánh lấy một cuộc khủng hoảng tiền tệ vì lỗi của Trung Quốc", ông Patrick Artus, kinh tế gia trưởng tại Natixis nhấn mạnh.
Cuối cùng, biện pháp gây bất ổn thị trường này sẽ làm mai một hình ảnh "đạo đức"mà Trung Quốc muốn đưa ra: Một cường quốc tích cực đối với nền kinh tế thế giới, trước một nước Mỹ khó lường của Donald Trump.
Tình bạn Trump-Tập
Richard McGregor, thành viên cấp cao của viện nghiên cứu Lowylưu ý rằng, mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn - điều đó làm tổn thương mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc khi các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ và nói rằng Bắc Kinh đã không giữ được các điều khoản trong thoả thuận. Trong tuần này, ông cũng vừa đe doạ sẽ áp thêm thuế đối với hàng hoá trị giá 325 tỷ USD khác của Trung Quốc.
Tình bạn giữa Donald Trump và Tập Cận Bình không còn như trước. |
“Tôi từng nói ông ấylà một người bạn tốt của tôi. Bây giờ chúng tôi có lẽ không còn thân thiết như trước nữa. Tôi phải ủng hộ lợi ích của đất nước chúng tôi. Ông ấy vì Trung Quốc, còn tôi vì Mỹ. Mọi chuyện đành phải như vậy thôi”, Tổng thống Trump chia sẻ về mối quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình tại một sự kiện ở Nhà Trắng hôm 15/7.
Trong chuyến thăm Nga hồi tháng 6, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Tổng thống Trump là “bạn” ông và ông tin rằng nhà lãnh đạo Mỹ không muốn “cắt đứt hoàn toàn” mối quan hệ với Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi tháng trước, đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại đang bị đình trệ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump hôm 11/7 đã bày tỏ sự “thất vọng” khi Trung Quốc không mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đã hứa sau cuộc gặp tại Nhật Bản.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế thế giới trong hơn một năm qua chịu sự chi phối mạnh mẽ của cuộc chiến thương mại căng thẳng. Washington đã áp thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh cũng có động thái đáp trả tương tự.
Ngoài chiến tranh thương mại, Đài Loan cũng là vấn đề khiến quan hệ Mỹ - Trung gặp căng thẳng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua khẳng định lại kế hoạch của Bắc Kinh trong việc áp lệnh trừng phạt đối với các công ty Mỹ có liên quan tới hợp đồng mua bán vũ khí với Đài Loan gần đây.
McGregor cho biết hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ với nhau một mối quan hệ khá có giá trị, điều quan trọng là họ có thể ngồi lại với nhau và đồng ý vào các giải pháp tạm thời, ngay cả khi các quan chức cấp dưới đang đàm phán với nhau.
"Nếu bây giờ mối quan hệ cá nhân giữa hai vị lãnh đạo cũng xấu đi, điều đó chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng và khiến một mối quan hệ đổ vỡ", ông bổ sung thêm.
Advertisement
Advertisement