08/10/2018 15:01
Trung Quốc đang lo lắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Mới đây Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm dự trữ nội tệ đang cho thấy dấu hiệu lo lắng của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Quyết định mới đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc về việc cắt giảm dự trữ nội tệ trong các ngân hàng thành viên đang cho thấy dấu hiệu lo lắng của các nhà chức trách Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Vào tháng trước, trong một báo cáo dài 71 trang, Trung Quốc đã khẳng định nên kinh tế của họ "rất kiên cường" và không có một chút lo sợ trước cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong một cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tại Thiên Tân, Trung Quốc vào tháng 9, một quan chức cấp cao của cơ quan quản lý chứng khoán nhà nước Trung Quốc phát biểu rằng sẽ không có cách nào chính quyền tổng thống Donald Trump có thể tạo ra sự thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc. Ông Fang Xinhai, phó chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc cũng cho hay điều tồi tệ nhất có thể xảy ra khi Washington áp đặt thuế quan lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng điều này cũng chỉ chiếm 0,7% tăng trưởng của Trung Quốc.
Theo như nhận định của nhiều chuyên gia, những động thái mới đây của ngân hàng Trung ương để làm giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng cho thấy tín hiệu tình hình kinh tế Trung Quốc hiện không đơn giản như những phát biểu trên.
Fraser Howie, một nhà phân tích độc lập chuyên viết sách về hệ thống tài chính Trung Quốc đã nói với CNBC rằng: "Kinh tế Trung Quốc có lẽ đang trong tình trạng tồi tệ nhất sau cuộc đại khủng hoảng tài chính. Mọi tin tức dường như đều bất lợi cho nền kinh tế nước này. Họ chắc chắn không bao giờ muốn đề cập đến chuyện này để tránh tình trạng hoảng loạn hoặc gần hoảng loạn. Tuy nhiên, có thể rõ ràng thấy được đây không phải là điều bình thường đối với nền kinh tế nước này".
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào ngày 7/10 đã tuyên bố cắt giảm 100 điểm tỷ lệ yêu cầu dự trữ (RRR) đối với phần lớn các ngân hàng ở Trung Quốc, cùng theo đó là động thái bơm vào thị trường 750 tỷ CNY (109,2 tỷ USD). Tuy nhiên, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc vẫn duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và trung lập - không có sự thích ứng.
Một chính sách tiền tệ trung lập có nghĩa là Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc không có gắng làm chậm hoặc kích thích nền kinh tế. Khi chính sách được cho là có sự thích ứng, ngân hàng Trung Ương sẽ giúp các doanh nghiệp hoặc hộ gia đình vay tiền rẻ hơn với hi vọng chi tiêu tăng trưởng và nâng cao nền kinh tế.
Các nhà phân tích còn lưu ý thêm, mức giảm RRR lần thứ tư trong năm của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang theo thang và có khả năng kéo dài hơn dự tính.
Một cuộc chiến thương mại căng thẳng kéo dài trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ có thể khiến các nhà đầu tư rút tiền khỏi Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đang thực hiện các bước phòng bị để tránh trường hợp những luồng tiền khổng lồ sẽ chảy ra khỏi hệ thống tài chính của mình. Các nhà phân tích cho rằng nếu điều này xảy ra, sẽ mà một cú đấm mới vào nên kinh tế vốn đang phát triển chậm lại của Trung Quốc.
Bà Cindy Ponder-Budd, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu View from the Peak, nói với CNBC rằng: "Vào đầu năm, tôi chỉ cho rằng việc cắt giảm RRR liên quan đến việc tháo dỡ đòn bẩy tài chính, để làm tăng tính thanh khoản cho một số ngân hàng đang trải qua cuộc khủng hoảng tín dụng. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện đang chậm lại và chúng ta bắt đầu thấy chính phủ Trung Quốc chủ động hơn trong việc kích thích thị trường".
Những động thái của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc diễn ra sau kỳ nghỉ kéo dài một tuần ở Trung Quốc. Trong khi thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa vào tuần trước, chứng khoán Hồng Kông chứng kiến sự sụt giảm bốn phiên liên tục khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại bắt đầu xuất hiện. Các chuyên gia dự kiến hiện tượng bán tháo sẽ lan qua thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến khi thị trường mở của lại vào ngày 8/10.
Mặc dù đã đón đầu bằng động thái cắt giảm RRR, điều này vẫn không làm dịu tâm lý hoang mang của giới đầu tư khi thị trường chứng khoán đại lục đã vấp ngã ngay vừa khi mở của vào ngày 8/10. Cụ thể, các cổ phiếu ở Thượng Hải và Thẩm Quyến giảm gần 3% vào phiên sáng 8/10 và ở Hồng Kông là 1%.
Gareth Nicholson, trưởng phòng đầu tư tại Ngân hàng Singapore, nói với CNBC rằng: "Trung Quốc đang tỏ rõ thái độ lo lắng. Có quá nhiều khó khăn bủa vây Trung Quốc lúc này và tôi nghĩ đây là lúc để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và hi vọng một tia sáng hé mở".
Advertisement
Advertisement