25/09/2024 13:30
Trung Quốc đang chuẩn bị tấn công Nhật Bản?
Logic của một chiến dịch như vậy rất đơn giản. Để tối đa hóa hiệu quả của một chiến dịch đổ bộ phức tạp nhằm chinh phục Đài Loan, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ cần thiết lập thế thượng phong trên không và trên biển xung quanh hòn đảo này.
Nhật Bản hiện là nơi đóng quân của phần lớn lực lượng hải quân của đồng minh. Nhưng liệu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có mạo hiểm với nguy cơ nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ ba?
Chắc chắn, PLA có khả năng thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu tàn khốc nhằm vào Nhật Bản. Bắc Kinh đã phát triển hỏa lực tấn công chính xác lấn át cùng với năng lực tình báo, trinh sát, do thám và tấn công mục tiêu vượt trội. Họ tự hào tuyên bố sở hữu kho vũ khí tên lửa lớn nhất thế giới.
Theo các nhà phân tích Thomas Shugart và Toshi Yoshihara, nếu Bắc Kinh thành công gây bất ngờ trong các chiến dịch tấn công phủ đầu, họ có thể đánh sập hầu hết các khí tài quân sự của Mỹ trên quần đảo Nhật Bản, đồng thời tiêu diệt các tàu chạy trốn của Mỹ và vô hiệu hóa các cảng trọng yếu của Mỹ và Nhật Bản.
Học thuyết của PLA nhấn mạnh vào một cuộc tấn công phủ đầu vô hiệu hóa để dọn đường cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào Đài Loan. Trong một kịch bản như vậy, PLA sẽ vận chuyển hàng trăm nghìn quân qua eo biển bằng các tàu hải quân và tàu dân sự lưỡng dụng.
Cuộc tấn công phủ đầu của Trung Quốc nhằm vào Mỹ và đồng minh sẽ tạo ra ưu thế tuyệt đối trên không và trên biển cho Trung Quốc – thứ mà một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn và phức tạp như vậy sẽ đòi hỏi. Trên thực tế, trong lịch sử, không có chiến dịch đổ bộ hiện đại nào thành công nếu không có sự vô hiệu hóa lực lượng hải quân và không quân của đối thủ.
Tuy nhiên, rủi ro chiến lược và địa chính trị đối với ông Tập Cận Bình khi tấn công vào nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ tư thế giới sẽ là rất khủng khiếp. Cả Mỹ và các đồng minh đều chưa từng bị tấn công theo cách này kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã hạn chế các chiến dịch hung hăng cao độ của mình nhằm vào Ukraina để tránh tấn công Mỹ hoặc các đồng minh của Washington. Ông Putin cũng đã chấp nhận nhiều tổn thất quân sự và rủi ro cấp độ chiến dịch hơn để tránh một thảm họa ở cấp độ chiến lược.
Chắc chắn, Mỹ và các đồng minh rất dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công như vậy từ PLA. Washington hiện chỉ đang tập trung đối phó với sức mạnh quân sự sát thương mà Trung Quốc đang củng cố hàng thập kỷ qua.
Các khí tài được bố trí ở tiền phương của Mỹ hiện đang là những "mục tiêu mềm", và xét đến sự suy giảm đáng kể sức mạnh quân sự Mỹ, thì năng lực phát động một chiến dịch phản công nhanh chóng từ các vùng lãnh thổ tương đối an toàn ở Thái Bình Dương và Australia của Mỹ hiện là đáng ngờ.
Do đó, xét từ góc độ quân sự, cách tiếp cận này rất đáng chú ý. Tuy nhiên, nó đi kèm với rủi ro chiến lược cao. Ngay khi Mỹ bắt đầu phục hồi sau một cuộc tấn công như vậy, một cuộc phản công lớn cuối cùng từ liên minh của các đồng minh Mỹ chắc chắn sẽ diễn ra.
Một cuộc tấn công đẫm máu và vô cớ như vậy sẽ xóa bỏ mọi trở ngại chính trị đối với cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc tại Mỹ hoặc Nhật Bản. Cả hai quốc gia sẽ cam kết toàn diện chống lại Trung Quốc thay vì lãng phí thời gian vào cuộc tranh cãi chính trị trong nước về việc liệu có nên hỗ trợ Đài Loan hay không.
Các quốc gia từ Hàn Quốc đến Singapore – vốn nhiều khả năng sẽ giữ thái độ trung lập nếu Trung Quốc giới hạn cuộc tấn công nhằm vào Đài Loan – sẽ gần như chắc chắn tham gia vào cuộc chiến nếu Trung Quốc tấn công Nhật Bản.
Dư luận toàn cầu sẽ quay ngoắt đối với Trung Quốc khi xuất hiện các đoạn video về sự tàn phá vô cớ của tên lửa PLA trên lãnh thổ Nhật Bản và các căn cứ của Mỹ.
Cuối cùng, cuộc phản công nhằm vào các mục tiêu quân sự trên đất liền Trung Quốc sẽ là rất lớn, và nền kinh tế nước này sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng khi Mỹ gây sức ép với các nhà xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc và thị trường tài chính toàn cầu để đóng cửa nền kinh tế Trung Quốc.
Hơn nữa, Mỹ nhiều khả năng sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, sử dụng mạng và các phương tiện khác để kích động tình trạng bất ổn lan rộng bên trong Trung Quốc.
Hy vọng rằng, Mỹ sẽ giải thích tất cả những điều này với chế độ của ông Tập Cận Bình trong những lần can dự gần đây giữa hai bên. Và như vậy, Tập Cận Bình sẽ nhận ra rằng ông phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự về mặt chiến lược.
Ông Tập có thể cải thiện cơ hội giành thắng lợi quân sự trước Đài Loan bằng cách tấn công vào các căn cứ của Mỹ và đồng minh, nhưng điều đó có thể dẫn đến một rủi ro cao không thể chấp nhận được. Giải pháp thay thế của ông Tập là chấp nhận mức độ rủi ro cao về mặt chiến dịch đối với lực lượng đổ bộ của mình bằng cách giới hạn cuộc tấn công chỉ nhằm vào Đài Loan.
Việc từ bỏ một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Nhật Bản sẽ không gây bất kỳ tổn hại nào đối với không quân và hải quân của Mỹ và Nhật Bản - một lực lượng có sức mạnh có thể tàn phá lực lượng đối phương.
Đây là lý do tại sao, trong khi không thể loại trừ chiến tranh toàn diện, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang chiến dịch chèn ép và các cuộc tấn công hạn chế nhằm vào hòn đảo Đài Loan. Chiến lược này là nhằm phá vỡ ý chí chính trị của Đài Loan trong khi có thể ngăn Mỹ không tham gia vào cuộc chiến.
Tất nhiên, Mỹ và Nhật Bản sẽ loại bỏ mong muốn tấn công phủ đầu của Trung Quốc, nhưng họ nên củng cố các căn cứ và phòng thủ ở các cảng, triển khai lực lượng của Mỹ và đồng minh trên khắp các đảo của Nhật Bản và Philippines, cũng như tăng cường phòng thủ tên lửa và không quân.
Bên cạnh đó, Tokyo và Washington cũng nên chuẩn bị để đánh bại các chiến dịch chiến tranh hỗn hợp – vốn được thiết kế để phá vỡ ý chí của các đồng minh trong khi tránh một cuộc chiến thảm khốc.
Trung Quốc tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
Trung Quốc hôm nay (25/9) cho biết, họ đã thực hiện thành công vụ phóng hiếm hoi một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào Thái Bình Dương, một động thái có thể làm dấy lên lo ngại quốc tế về việc xây dựng hạt nhân của nước này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng ICBM, mang theo đầu đạn giả, được Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phóng vào lúc 8h44 sáng (giờ Bắc Kinh (00h44 GMT) hôm nay và "rơi vào các vùng biển dự kiến". Bộ này cho biết, đây là "kế hoạch đào tạo hàng năm của chúng tôi" và không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu nào.
Theo một báo cáo riêng của Tân Hoa Xã, Trung Quốc "đã thông báo trước cho các nước liên quan", nhưng không làm rõ đường đi của tên lửa hoặc nơi nó rơi xuống "biển Thái Bình Dương".
Tân Hoa Xã đưa tin, vụ phóng "đã kiểm tra hiệu quả hiệu quả hoạt động của vũ khí, thiết bị cũng như trình độ huấn luyện của quân đội và đạt được mục tiêu mong đợi".
Một quan chức của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết hôm 23/9, họ đã nhận được cảnh báo hàng hải từ Trung Quốc về "các mảnh vỡ không gian" ở ba khu vực ở Biển Đông và Thái Bình Dương, phía bắc đảo Luzon của Philippines và ở Nam Thái Bình Dương vào hôm nay.
Quan chức này từ chối xác nhận liệu nó có liên quan đến vụ phóng tên lửa được báo cáo hay không.
Các nhà phân tích cho biết, hiếm khi Trung Quốc bắn tên lửa tầm xa ra biển vì nước này thích thử nghiệm chúng mà không báo trước ở các tỉnh biệt lập như Nội Mông.
Lực lượng Tên lửa PLA, cơ quan giám sát các tên lửa hạt nhân và thông thường của nước này, được giao nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Trung Quốc trước những diễn biến như khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ được cải thiện, khả năng giám sát tốt hơn và các liên minh được tăng cường.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tốc độ xây dựng hạt nhân của Trung Quốc vượt xa khả năng răn đe tối thiểu đáng tin cậy - kho vũ khí chiến lược nhỏ nhất cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công.
Bắc Kinh trong nhiều năm đã mắc kẹt với chính sách vũ khí hạt nhân "không sử dụng lần đầu", nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng PLA đang bắt kịp các cường quốc hạt nhân lớn bằng cách trang bị bộ ba vũ khí non trẻ có thể bắn từ đất liền, trên biển và trên không.
Quân đội Trung Quốc nhấn mạnh rằng Quân ủy Trung ương, do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, là cơ quan chỉ huy hạt nhân duy nhất.
Trung Quốc, nước thường xuyên bị Mỹ chỉ trích vì sự thiếu minh bạch trong việc xây dựng hạt nhân, đã hủy bỏ các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington vào tháng 7 về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Lầu Năm Góc ước tính năm ngoái, Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động trong kho vũ khí của mình, trong đó có khoảng 350 đầu đạn ICBM và có thể sẽ có hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết quân đội Trung Quốc đang xây dựng hàng trăm hầm chứa ICBM trên đất liền. Con số này so với 1.770 và 1.710 đầu đạn hoạt động được Mỹ và Nga triển khai tương ứng. Lầu Năm Góc cho biết đến năm 2030, nhiều loại vũ khí của Bắc Kinh có thể sẽ được giữ ở mức sẵn sàng cao hơn.
Đài Loan đã phàn nàn về các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc xung quanh hòn đảo này trong 5 năm qua.
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm nay cho biết, họ đã phát hiện 23 máy bay quân sự Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu J-16 và máy bay không người lái, hoạt động quanh Đài Loan thực hiện các nhiệm vụ tầm xa ở phía Đông Nam và phía Đông của hòn đảo.
Bộ này cho biết thêm, gần đây họ cũng đã phát hiện hoạt động bắn tên lửa "chuyên sâu" của Trung Quốc và các cuộc tập trận khác, mặc dù không cung cấp thông tin chi tiết về nơi diễn ra.
Bộ cho biết Đài Loan đã cử lực lượng không quân và hải quân của mình để theo dõi. (Nguồn: Reuters)
(Nguồn: TTXVN/The Hill)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement