12/08/2019 18:35
Trung Quốc chật vật với mục tiêu trở thành siêu cường vào năm 2050
Ngay trước khi diễn ra cuộc chiến thương mại, Tập Cận Bình đã có kế hoạch biến Trung Quốc trở thành siêu cường vào năm 2050.
Theo Bloomberg, tầm nhìn lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình hiện ngày càng mãnh liệt hơn. Tuy nhiên, áp lực gia tăng từ phía Tổng thống Donald Trump đã làm phát sinh thêm hàng loạt thách thức cơ cấu đối với nền kinh tế trị giá 14.000 tỉ USD của Trung Quốc - các thách thức này bao gồm mức nợ kỉ lục, ô nhiễm tràn lan và dân số già. Đồng thời, Trung Quốc đang phải đối mặt với rủi ro mắc vào "bẫy thu nhập tầm trung" khiến nền kinh tế đình trệ trước khi đạt đến mức độ của các nước phát triển giàu có.
Điều gì đã xảy ra?
Tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc đang giảm dần. |
Các nhà kinh tế cho rằng chính phủ Tập Cận Bình có thể tránh được số phận đó bằng cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tự do hóa thị trường và tăng sức mạnh công nghệ của đất nước. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng. Chỉ 5 quốc gia đang phát triển đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi lên vị thế của một quốc gia tiên tiến trong khi vẫn duy trì mức tăng trưởng cao kể từ năm 1960, giáo sư Michael Spence - người từng đoạt giải Nobel và hiện đang công tác tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, cho hay.
"Trung Quốc cố gắng làm điều này với sự phản đối tích cực từ Mỹ khiến cho rào cản vượt qua cao hơn nhiều", ông Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China tại Bắc Kinh cho biết. "Tuy nhiên, Mỹ rõ ràng đã thắp lên một ngọn lửa ngay bên dưới Trung Quốc. Nếu Chính quyền Chủ tịch Tập thành công...chính sự phản đối của Mỹ là yếu tố đã thực sự thúc đẩy họ vào guồng quay".
Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhấn mạnh các thách thức mà Chủ tịch Tập phải đối mặt vào hôm 9/8. Trong bản báo cáo thường niên về nền kinh tế Trung Quốc, IFM nhận định nếu Mỹ - Trung không kí kết được một thỏa thuận thương mại toàn diện, triển vọng dài hạn của Bắc Kinh sẽ phải gánh chịu ảnh hưởng.
Tập Cận Bình và Donald Trump. Ảnh: AFP. |
Tỷ lệ của một thoả thuận có thể xảy ra ngày càng thấp. Sau khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế suất mới lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc hai tuần trước, Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách tạm dừng mua nông sản Mỹ và cho phép đồng nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 vào ngày 5/8.
Chính quyền của ông Trump đã ngay lập tức đáp trả sau vài giờ, chính thức gán cho Trung Quốc một kẻ thao túng tiền tệ. Nhà Trắng cũng đang đưa ra quyết định ngưng cấp miễn trừ cho các công ty Mỹ muốn hợp tác với Huawei Technologies Co., người khổng lồ công nghệ Trung Quốc mà Trump đưa vào danh sách đen hồi tháng 5, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết.
Vị thế của Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu
Tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc chiếm khối lượng lớn trên thế giới. |
Bất kì sự nhượng bộ nào từ Trung Quốc đều khó xảy ra cho đến sớm nhất là tháng 10, ông Jeff Moon, cựu trợ lí của Đại diện Thương mại Mỹ về các vấn đề Trung Quốc. Ông Tập đang phải đối mặt với áp lực nội bộ ngày càng lớn nhằm tăng cường sức mạnh khi mà các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong chuẩn bị kỉ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10.
"Bất cứ dấu hiệu nào của sự yếu đuối là không thể chấp nhận được đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc".
Trong một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi nhanh chóng như thế nào, một số phương tiện truyền thông ở Trung Quốc lại đưa ra khả năng Bắc Kinh có thể xem xét cắt đứt hoàn toàn hoạt động thương mại với Mỹ.
"Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng tốc điều chỉnh, tạo ra thị trường xuất khẩu mới", ông Hu Xijin, tổng biên tập tờ Thời báo toàn cầu của Trung Quốc, đã tweet vào hôm thứ 8/8, một ngày sau khi số liệu hàng hóa xuất ra nước ngoài vượt kì vọng trong tháng 7.
Trong ngắn hạn, chính phủ Trung Quốc có hỏa lực dồi dào để ngăn chặn tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới mức giới hạn dưới 6% của phạm vi mục tiêu hàng năm. Bloomberg Econimics dự đoán ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi Standard Chartered Plc dự kiến kích thích tài khóa sẽ thúc đẩy sự phục hồi vừa phải trong nửa cuối năm 2019.
Chủ tịch Tập đã đạt được một số tiến bộ trong việc giải quyết các thách thức dài hạn của Trung Quốc. Chiến dịch tháo gỡ đòn bẩy kinh tế kéo dài hơn hai năm qua đã giúp loại bỏ một số khoản nợ thuộc nhóm nghiêm trọng nhất khỏi thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, các cơ quan quản lí cũng thực hiện đường lối chính sách cứng rắn hơn đối với những ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao trong thời gian gần đây. Ngành dịch vụ hiện tại chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.
Trung Quốc chuyển mình sang ngành dịch vụ
Đóng góp của các ngành chính vào GDP của Trung Quốc. |
Trung Quốc cũng đã rót hàng tỷ USD vào việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tại quê nhà, đối đầu với phương Tây trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và xe điện. Trong bài phát biểu tháng 10/2017 đưa ra tầm nhìn dài hạn cho nền kinh tế Trung Quốc, Tập Cận Bình tuyên bố sẽ gia nhập các quốc gia đổi mới nhất vào năm 2035 trên đường đến vị thế cường quốc vào năm 2050.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã phơi bày khoảng cách giữa Bắc Kinh và một số mục tiêu của Chủ tịch Tập.
Ví dụ nổi bật nhất chính là Huawei. Việc Huawei nằm trong danh sách đen của Mỹ có nguy cơ làm tê liệt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vì thiết kế chip tại nước này không đủ phức tạp để thay thế sản phẩm đến từ Mỹ.
"Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn trong quá trình tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất", ông Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
"Trở ngại này sẽ khiến Trung Quốc khó bắt kịp hơn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều động lực mạnh mẽ để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát triển hệ sinh thái công nghệ của riêng họ. Cách Trung Quốc triển khai kế hoạch này sẽ quyết định tốc độ phát triển của họ".
Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế, gánh nặng nợ của Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng bất chấp chiến dịch tháo gỡ đòn bẩy, cụ thể mức nợ đã leo thang lên khoảng 303% GDP, một trong những tỉ lệ cao nhất trong nhóm quốc gia đang phát triển. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm hơn 20% xuống 718 triệu USD vào năm 2050, theo dữ liệu do Liên Hợp Quốc tổng hợp.
Trong khi GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000 lên mức ước tính 10.000 USD trong năm nay, nó vẫn thấp hơn nhiều so với mức khoảng 65.000 USD ở Mỹ và Singapore - một trong 5 nền kinh tế mà ông Spence nhấn mạnh là đã đạt được vị thế quốc gia tiên tiến kể từ năm 1960.
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phát triển nhanh chóng so với các quốc gia giàu có khác, nhưng lợi thế của nước này đang bị thu hẹp.
Tăng trưởng chậm lại với 6,2% trong quý hai, tốc độ yếu nhất trong ít nhất 27 năm và Standard Chartered ước tính rằng nếu mức thuế mà Donald Trump đe doạ có hiệu lực vào ngày 1/9 sẽ thổi bay 0,3% tăng trưởng. Tập Cận Bình đã nỗ lực đa dạng hóa đối tác nước ngoài của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng các hiệp định thương mại khác, tuy nhiên Mỹ vẫn chiếm khoảng 20% xuất khẩu của nước này.
"Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc chắc chắn làm cho quá trình chuyển đổi trở nên khó khăn hơn", ông Michelle Lam, nhà kinh tế học Societe Generale SA (Hong Kong). "Trung Quốc sẽ mất một phần thị phần xuất khẩu và sự lan tỏa công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc sẽ chậm lại. Nhưng những căng thẳng hiện tại cũng tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra các cải cách hiệu quả hơn".
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp