31/07/2017 07:10
Trịnh Xuân Thanh, từ xe Lexus 5 tỷ biển xanh đến 300 ngày trốn lệnh truy nã
Ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh (51 tuổi, thường trú quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đã ra đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, kết thúc hành trình hơn 300 ngày trốn lệnh truy nã ở nước ngoài.
Sở dĩ dư luận xôn xao bởi giá trị ôtô vượt tiêu chuẩn Nhà nước bố trí cho cán bộ cấp tỉnh. Lúc ấy, ông Trịnh Xuân Thanh giải trình, xe này do ông mượn của người thân, mang biển kiểm soát 29A-790.93. Khi được phân công về Hậu Giang làm Phó chủ tịch, ông đã mang từ Hà Nội vào Hậu Giang và gắn biển số xanh 95A.0699 để sử dụng.
Ông Thanh nói chủ xe là Nguyễn Đặng Toàn, em bà con bên vợ. Khi biết anh rể vào miền Tây công tác, Toàn đã cho ông Thanh mượn xe để đi lại nhằm tiết kiệm cho ngân sách của Hậu Giang trong việc mua xe công phục vụ Phó chủ tịch tỉnh. Đồng thời, chủ nhân xe Lexus LX570 cũng vào Hậu Giang làm tài xế cho ông Thanh.
"Khi đó Hậu Giang còn khó khăn, chưa thể bố trí xe công vụ nên tôi mượn xe để đi lại, phục vụ công tác. Biển số xanh gắn cho xe đã được lãnh đạo tỉnh đồng tình và công an tỉnh cấp cho tôi để thuận tiện công việc. Nay có dư luận không tốt thì tôi trả lại" - ông Thanh nói với báo chí.
Đến ngày 9/6/2016, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí phản ánh về việc sử dụng xe tư gắn biển xanh, đồng thời làm rõ khoản thua lỗ thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo PVC.
Ngày 10/6/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm rõ sự việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 10/6/2016, trao đổi với báo chí ông Trịnh Xuân Thanh thừa nhận: "Tôi chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của Tổng bí thư. Bây giờ có chỉ đạo của Tổng bí thư rồi thì để các cơ quan chức năng làm rõ. Tôi không có ý kiến gì nữa, cũng không thể đánh giá mà phải chờ kết luận kiểm tra của các cơ quan chức năng"
Một ngày sau, 11/7/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 15/7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia họp phiên thứ 7, bỏ phiếu tán thành việc không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh.
Tiếp đó, ngày 8/9/2016, Ban Bí thư đã biểu quyết 100% bằng phiếu kín, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, vì những sai phạm trong thời gian công tác tại Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang.
Ban Bí thư kết luận, giai đoạn 2011-2013, ông Thanh cùng lãnh đạo PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Ông Trịnh Xuân Thanh được xác định là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC. Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá ông Thanh không hoàn thành nhiệm vụ, và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty PVC.
Dù vậy, tháng 9/2013, ông Thanh được bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng. Trước khi được Bộ Công thương luân chuyển về Hậu Giang, và được HĐND tỉnh này bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 -2016, ông Thanh là Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương.
Trong thời gian ông Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sai phạm trong việc sử dụng xe Lexus biển xanh đã bị phanh phui.
Advertisement
Advertisement