01/03/2024 12:31
Trình Chính phủ đề án 50.000 nhân lực ngành bán dẫn trong quý 1/2024
Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” sẽ được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ trong quý 1/2024.
Theo đề án, mục tiêu đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại; tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử.
Đến thời điểm đó, kỹ sư Việt Nam tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn, từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất; và đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) làm cơ quan chủ trì dự thảo đề án. Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc NIC - cho hay, đề án sẽ làm rõ bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2030, kỳ vọng cung cấp đủ nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các các thị trường phát triển khác.
Về nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam hiện nay, ông Huy cho biết với thiết kế, doanh nghiệp trong nước có công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại, khoảng 36 công ty đến từ Nhật, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam, với đội ngũ nhân lực khoảng 5.600 kỹ sư.
Với kiểm thử, đóng gói, Việt Nam có nhà máy của Intel và một vài công ty FDI làm công đoạn này. Hiện tại, Intel đã đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỷ USD, hoạt động từ 2009 với gần 3.000 kỹ sư. Tại Bắc Ninh, nhà máy Amkor với số vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD chia làm 3 giai đoạn.
Theo khảo sát năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đủ điều kiện và năng lực để đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn…
Việt Nam đã có một số chương trình hợp tác với các “ông lớn” bán dẫn trên thế giới về đào tạo nhân lực. Đại diện Tập đoàn Siemens cho biết sẽ tài trợ bộ phần mềm thiết kế chip và bo mạch tiên tiến nhất cho Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn này sẽ cung cấp các dịch vụ đào tạo và đồng hành cùng NIC trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử bán dẫn.
Tập đoàn chip Synopsys đã hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại cơ sở Hòa Lạc. Trung tâm này bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng. Theo đó, Synopsys cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình đào tạo giảng viên” cho NIC, giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
NIC cũng đã ký biên bản ghi nhớ với “ông lớn” vi mạch Mỹ Cadence về triển khai các hoạt động, nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; sau đó khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên các trường đại học khu vực Hà Nội và kỹ sư tại các công ty công nghệ, theo TPO.
Trường Đại học bang Arizona, Mỹ (ASU) sẽ giới thiệu cơ hội việc làm cho các kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại trung tâm thiết kế vi mạch NIC để ươm tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong ngành bán dẫn, bao gồm các mối liên kết với hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu rộng lớn của Arizona.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, không ai khác mà chính là các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu. Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia. Tuy vậy, số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức; từ đó đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho ngay những năm tiếp theo và cả giai đoạn tới 2030.
Trên cơ sở đó, cùng thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, đó là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…
Ngoài ra, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.
Cần xây dựng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực, theo chinhphu.vn.
"Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không thể chỉ là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học hay của các bộ ngành. Để thành công cần có sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp, của địa phương, của các trường phổ thông và của toàn xã hội", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement