12/08/2019 11:29
Triều Tiên phóng tên lửa liệu có phải là chiến thuật ngoại giao?
Theo các chuyên gia, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nhằm mục đích khiến Donald Trump phải suy nghĩ lại về các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc.
KCNA ngày 11/8 đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chỉ đạo vụ phóng thử "một hệ thống vũ khí mới nữa nhằm phù hợp với điều kiện địa hình của đất nước". Theo KCNA, mẫu tên lửa chiến thuật đất đối đất này có "nhiều ưu điểm chiến thuật, khác hẳn các hệ thống vũ khí hiện có".
Tuy nhiên, các chuyên gia bên ngoài quả quyết, vũ khí mới do Bình Nhưỡng cho bắn thử ngày 10/8 có nhiều điểm tương tự hệ thống tên lửa chiến thuật của Lục quân Mỹ (ATACMS) và tên lửa đất đối đất chiến thuật Triều Tiên của Hàn Quốc (KTSSM).
Shin Jong-woo, một thư ký đại diện Diễn đàn Quốc phòng và an ninh Triều Tiên của Hàn Quốc nhận định, tên lửa mới của Triều Tiên dường như là loại phát nổ trong khi bay để làm bắn tung ra các thiết bị nổ nhỏ hơn. Ngoài ra, mẫu tên lửa này dường như cũng sử dụng một bệ phóng tương tự hai mẫu KTSSM của Hàn Quốc là tên lửa Hyunmoo-2A với tầm bắn 300km và tên lửa Hyunmoo-2B có tầm bắn xa hơn, tới 500km.
Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng ngày 6/8. Ảnh: KCNA. |
Tuy nhiên, bệ phóng của Triều Tiên được trang bị hai ống phóng ngư lôi, trong khi các bệ phóng Hyunmoo-2A và 2B chỉ có một ống.
Theo báo Korea Times, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc xác định, trong vụ bắn thử mới nhất, tên lửa Triều Tiên đã bay hết quãng đường 400 km ở độ cao khoảng 48km, với tốc độ tối đa hơn Mach 6.1 (hơn 7.532km/h) . Phía Hàn Quốc phát hiện ra tên lửa này vào lúc 5h34 và 5h40 sáng 10/8 ở quanh khu vực Hamhung thuộc tỉnh Nam Hamgyong của Triều Tiên.
Một chuyên gia phân tích vũ khí khác là Kim Dong-yub, giáo sư thuộc Viện Viễn Đông của Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) tin, Bình Nhưỡng đã tiến hành các vụ thử 3 loại hệ thống vũ khí mới, khác nhau trong những tháng gần đây.
"Các vũ khí thử nghiệm của Triều Tiên trong vài tháng trở lại đây có tầm bắn xa hơn, độ cao hạ thấp hơn và tốc độ tối đa nhanh hơn khi được phóng đi từ các bệ phóng sử dụng nhiên liệu rắn.
Với thời gian ra mắt được rút ngắn và các địa điểm phóng thay đổi liên tục, họ đã qua mặt được các lực lượng tình báo Hàn - Mỹ và thách thức hệ thống tấn công phủ đầu Kill Chain (một trong 3 trụ cột của hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc). Chúng có thể được coi là các hệ thống vũ khí thông thường hiệu quả cao và giá rẻ của Triều Tiên nhằm đạt được khả năng răn đe có thể bao trùm toàn bộ bán đảo Triều Tiên giống như đuôi của một con bọ cạp", ông Kim lưu ý.
Chiến thuật ngoại giao
Ông Mintaro Oba cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Triều Tiên gia tăng căng thẳng theo một cách đã được tính toán và nằm trong giới hạn nhất định. Triều Tiên sử dụng các vụ thử tên lửa như một cách gây áp lực với Mỹ và Hàn Quốc, thậm chí gia tăng tần suất và phạm vi, nhưng Bình Nhưỡng sẽ tránh leo thang đến mức có thể hủy hoại tiến trình ngoại giao”.
Theo quan điểm của chuyên gia Shawn Ho, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên nên được xem là tín hiệu chứ không phải là hành vi khiêu khích. Bởi 5 vụ thử của Triều Tiên mới chỉ dừng lại ở tên lửa tầm ngắn chứ không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), vì vậy không vi phạm thỏa thuận với Mỹ. Đó là lý do Mỹ phản ứng khá mềm mỏng trước động thái của Triều Tiên.
Ông cho rằng, đây là một phần trong chiến thuật đàm phán và Triều Tiên chỉ đang cố gắng củng cố vị thế trước khi nối lại đàm phán với Mỹ. Sớm hay muộn, Triều Tiên sẽ tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân ở cấp độ chuyên viên, như nhà lãnh đạo Kimm Jong Un đã hứa trong cuộc gặp Tổng thống Trump tại khu phi quân sự liên Triều hồi tháng 6.
Cùng chung quan điểm này, Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson đánh giá, động thái mới nhất của Triều Tiên nhằm đưa Washington quay trở lại bàn đàm phán, nhưng với thông điệp rõ ràng là Bình Nhưỡng sẽ không theo đuổi một tiến trình đàm phán không đi sâu vào thực chất.
Đến thời điểm hiện tại nhà lãnh đạo Kim Jong Un luôn tránh những hành động làm tổn hại quan hệ cá nhân giữa ông với Tổng thống Trump, song ông cũng gián tiếp cảnh báo khả năng khấy đảo căng thẳng nếu phía Mỹ không có động tĩnh gì.
Bình Nhưỡng đã đặt ra thời hạn chót là cuối năm 2019 để Mỹ thay đổi yêu sách trong đàm phán phi hạt nhân hóa, điều đó có nghĩa là họ sẽ không thể chấp nhận đề xuất về một "thỏa thuận lớn", giải giáp toàn bộ chương trình hạt nhân, tên lửa và các chương trình vũ khí khác để đổi lấy bất cứ ưu đãi nào, như việc xóa bỏ trừng phạt.
Chủ tịch Kim Jong-un (trái) bắt tay Tổng thống Donald Trump trên lãnh thổ Triều Tiên ngày 30/6. Ảnh: KCNA. |
Mỹ phản ứng ra sao?
Trước đó ngày 9/8, Tổng thống Donald Trump hôm nay cho biết vừa nhận được thư của Kim Jong-un và chia sẻ lập trường với lãnh đạo Triều Tiên về tập trận chung Mỹ - Hàn.
"Hôm qua tôi được trao tận tay lá thư rất tốt đẹp từ Kim Jong-un. Đó là bức thư rất tích cực", Trump hôm nay nói với báo giới tại Nhà Trắng.
Bức thư dài ba trang này được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi cho Trump sau khi Bình Nhưỡng tiến hành 4 vụ phóng tên lửa trong hai tuần qua, nhằm đáp trả cuộc tập trận chung Dong Maeng (Đồng Minh) 19/2 mà quân đội Mỹ và Hàn Quốc đang tổ chức.
Trump không tiết lộ toàn bộ nội dung bức thư, nhưng khẳng định Kim Jong-un "không vui với cuộc tập trận chung này". "Các bạn biết đấy, tôi cũng không thích nó. Tôi chưa bao giờ là người hâm mộ các cuộc tập trận, các bạn có biết lý do không? Tôi không thích phải chi tiền cho chúng", Tổng thống Mỹ nói.
Cuộc tập trận chung Dong Maeng 19/2 được Mỹ - Hàn khởi động hôm 5/8. Một quan chức Hàn Quốc cho biết nó có nội dung kiểm chứng khả năng tiếp quản quyền chỉ huy thời chiến của quân đội Hàn Quốc từ Mỹ.
Sau hàng loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn, Triều Tiên tuần qua cảnh báo sẽ tìm con đường mới nếu Mỹ và Hàn Quốc tiếp diễn các động thái quân sự thù địch thay cho cam kết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
Ngày 11/8, giới chức Triều Tiên đe dọa sẽ cắt liên lạc với Hàn Quốc, nếu Seoul không đưa ra "lý do chính đáng" cho các hoạt động diễn tập quân sự chung với Mỹ.
Trump hôm nay tiếp tục giảm bớt mức độ của các vụ phóng mà Triều Tiên vừa tiến hành. "Lâu rồi không có vụ thử hạt nhân nào, còn tên lửa họ thử gần đây chỉ là loại tầm ngắn. Không có quả tên lửa đạn đạo tầm xa nào được phóng lên", ông nói. Tổng thống Mỹ còn tuyên bố "có thể chúng tôi sẽ tiếp tục gặp nhau", ám chỉ khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần ba giữa hai lãnh đạo.
Trump - Kim đã gặp nhau ba lần kể từ năm 2018 để thảo luận về cách giải quyết khủng hoảng và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoài hai hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội, hai lãnh đạo hôm 30/6 gặp gỡ ở biên giới liên Triều và đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán ở cấp độ làm việc vốn bị đình trệ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp