12/08/2017 04:30
Triều Tiên có thể đang chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm
Ngày 12/8, Nhật Bản đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến Patriot-3 (PAC-3) sau khi Triều Tiên đe dọa phóng tên lửa đạn đạo đi qua quốc gia này hướng tới đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Trên trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên 38 North (38 độ Bắc) của Viện nghiên cứu Mỹ-Triều thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chuyên gia về quân sự và quốc phòng, ông Joseph Bermudez đã đăng các ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên có thể đang tiến hành các khâu chuẩn bị cho vụ thử SLBM. Chuyên gia Bermudez nhận định các bước chuẩn bị với tàu ngầm những tuần gần đây giống với các bước chuẩn bị cho các vụ thử trước đó.
Cũng theo chuyên gia này, hoạt động trên tàu thử nghiệm tên lửa đạn đạo lớp SINPO ở căn cứ tàu ngầm Mayang-do cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một loạt vụ phóng thử “trên biển”. Cụ thể, họ đã tiến hành cải biến hoặc nâng cấp các hệ thống phóng của tàu ngầm hoặc đang phát triển một phiên bản tân tiến hơn của Pukguksong-1.
Pukguksong-1 là SLBM lần đầu được bắn thử thành công ngày 24/8/2016. Tên lửa này đã bay được 500 km hướng về phía Nhật Bản và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un khi đó tuyên bố tên lửa đặt lãnh thổ Mỹ trong tầm bắn của tàu ngầm được bố trí ở Thái Bình Dương.
Một hệ thống SLBM hiệu quả sẽ nâng cấp độ đe dọa tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng lên một mức mới, theo đó cho phép triển khai ở khu vực cách xa bán đảo Triều Tiên cũng như năng lực thực hiện "đòn tấn công thứ hai" trong trường hợp các căn cứ của Triều Tiên bị tấn công.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên khi Bình Nhưỡng mới đây đạt bước tiến về công nghệ vũ khí hạt nhân và phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có nguy cơ đe dọa đến nhiều thành phố trên vùng biển phía Đông của nước Mỹ.
Trong diễn biến liên quan, theo đài truyền hình NHK, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu triển khai hệ thống PAC-3 ở Shimane, Hiroshima và Kochi tại miền Tây Nhật Bản, những tỉnh mà Bình Nhưỡng cảnh báo nằm trên đường bay của các tên lửa. Hệ thống phòng thủ tên lửa trên cũng sẽ được triển khai ở khu vực Ehime gần đó.
Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy xe quân sự chở các bệ phóng và các thiết bị khác cho hệ thống đất đối không PAC-3 đi vào một căn cứ Nhật Bản tại Kochi lúc rạng sáng. Giới chức Nhật Bản cho biết chính phủ nước này hy vọng hoàn tất việc triển khai hệ thống trên trong sáng 12/8.
Năm 2009, một quả tên lửa của Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản, song không gây ra sự cố nào. Tại thời điểm đó, Bình Nhưỡng khẳng định đây là một vụ phóng vệ tinh viễn thông, tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Trong khi đó, ngày 12/8, Thủ hiến vùng Lãnh thổ Bắc Australia (NT) Michael Gunner đã kêu gọi Chính phủ liên bang Australia cân nhắc mọi thứ để có thể đảm bảo vùng lãnh thổ này được an toàn tuyệt đối trước khả năng một cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, ông Gunner cho biết, mặc dù Bộ Quốc phòng Australia khẳng định việc triển khai một hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) như kiểu của Mỹ là không có lợi thì việc nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa và các công nghệ cần phải nhanh chóng thực hiện.
Trước đó, hai cựu thủ tướng Australia Tony Abbott và Kevin Rudd cũng đã kêu gọi chính phủ liên bang triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa ở miền Bắc Australia để bảo vệ Darwin và các địa điểm quân sự khác trước khả năng xảy ra một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
Advertisement
Advertisement