20/12/2023 15:25
Triển vọng nào cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024?
Trong dài hạn, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, tăng cường cơ sở hạ tầng để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời củng cố nền tảng để gia tăng sức chống chịu và phát triển bền vững hơn.
Trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương gần nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra con số dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam không quá cao nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng tích cực so với nhiều nền kinh tế khác, xét trong bối cảnh ảm đạm toàn cầu.
Ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nói rằng nếu được chọn một từ để mô tả kinh tế Việt Nam trong năm 2023, ông sẽ chọn từ "kiên cường".
Theo ông, suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nền kinh tế mở của Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia trên thế giới mơ ước.
Tăng trưởng kinh tế ở Mỹ là khoảng 2,5% trong năm 2023. Tại Khu vực đồng euro (Eurozone), tăng trưởng thậm chí còn yếu hơn, chỉ ở mức khoảng 0,5%. Trong khi đó, Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng với tốc độ tương đối nhanh.
Giai đoạn cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam phát đi tín hiệu phục hồi rõ rệt. Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính. Thứ nhất, nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam dần phục hồi. Thứ hai, các cơ quan chức năng đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, với con số tăng đáng kể so với năm 2022. Thứ ba, bất chấp cú sốc mạnh giáng xuống nền kinh tế, tiêu dùng tư nhân vẫn phục hồi tốt.
Việt Nam cũng thu hút nhiều sự chú ý quốc tế trong năm 2023. Báo chí truyền thông toàn cầu đã đăng tải nhiều bài viết nhấn mạnh thành tích và tiềm năng của Việt Nam. Chuyến thăm của các nguyên thủ thế giới tới Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế nhờ sự ổn định về kinh tế, chính trị và khả năng hội nhập kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh như vậy, điều quan trọng là Việt Nam tiếp tục củng cố môi trường kinh doanh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân để tận dụng tối đa tác động của những diễn biến địa chính trị toàn cầu đối với đầu tư và thương mại quốc tế.
Chuyên gia Andrea Coppola cho rằng bối cảnh quốc tế dự kiến sẽ còn nhiều thách thức. Sau đợt suy thoái toàn cầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ.
Hiệu suất chưa cao trong năm tới có thể là kết quả của những tác động có độ trễ từ xu hướng chính sách tiền tệ thắt chặt đang diễn ra hiện nay, điều kiện tín dụng hạn chế và thương mại toàn cầu suy yếu.
Rủi ro chính cho năm 2024 bao gồm rủi ro địa chính trị, tác động của các cuộc xung đột đối với giá năng lượng, căng thẳng tài chính liên quan đến sự gia tăng lãi suất dài hạn, và hoạt động kinh tế yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc.
WB kỳ vọng nhu cầu xuất khẩu đối với hàng Việt Nam từ phần còn lại của thế giới sẽ phục hồi vào năm 2024, nhưng sự phục hồi sẽ không diễn ra mạnh mẽ như trước. Tình hình đầy thách thức này có thể kéo dài trong một thời gian tới.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2024. Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đã đưa ra một vài khuyến nghị để kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2024.
Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa khi nợ công được kiểm soát tốt ở mức 38% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính đến cuối năm 2022. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vì đây là một trong những biện pháp kích thích tài khóa cần được ưu tiên.
Đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ giúp kích thích các hoạt động kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng và khai khoáng, đồng thời mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn.
Tiêu dùng trong nước có thể được thúc đẩy nhờ các biện pháp tài khóa khuyến khích nhu cầu. Đồng thời, tiêu dùng cũng được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ phù hợp giữ lãi suất ở mức tương đối thấp. Chính sách phối hợp có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách hiệu quả. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần mở rộng chính sách tài khóa, trong khi chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ, theo TTXVN.
Thị trường toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn 2023-2024. Điều này đồng nghĩa với những "cơn gió ngược" mạnh hơn đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có độ mở lớn như Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các chính sách của Việt Nam cần chủ động hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đồng thời đẩy mạnh khai thác các hiệp định tự do thương mại với các đối tác mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Các biện pháp chính sách thúc đẩy các động lực tăng trưởng có thể được bổ sung bằng những cải cách mạnh mẽ hơn về môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm cắt giảm quan liêu, nâng cao chất lượng dịch vụ công và giảm bớt chi phí kinh doanh để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp.
Trong dài hạn, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, tăng cường cơ sở hạ tầng để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời củng cố nền tảng để gia tăng sức chống chịu và phát triển bền vững hơn.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement