14/08/2019 17:56
TP.HCM công bố 13 nội dung khắc phục sai phạm ở Thủ Thiêm
Trong cuộc họp báo chiều 14/8, TP.HCM đã công bố chính thức 13 nội dung khắc phục sai phạm ở Thủ Thiêm.
Mong đợi "câu chuyện Thủ Thiêm" được giải quyết thấu đáo
Buổi họp báo diễn ra lúc 16h tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 2 (TP.HCM) nhưng trước đó hai tiếng nhiều hộ bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (quận 2) đã có mặt. Họ yêu cầu lực lượng chức năng được vào nghe các thông tin UBND TP.HCM sẽ cung cấp vì "liên quan trực tiếp đến quyền lợi" của họ nhưng không được chấp thuận. Chiều mai 15/8, thành phố sẽ gặp mặt các hộ dân bị ảnh hưởng để trao đổi về các vấn đề này.
Chủ trì họp báo là ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch phụ trách đô thị của UBND TP.HCM cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan. Thành phố sẽ công bố 13 nội dung liên quan đến 22 đầu việc mà UBND TP.HCM triển khai sau hai Kết luận 1483 (ngày 4/9/2018) và 1037 (ngày 26/6) của Thanh tra Chính phủ (TTCP): ranh quy hoạch liên quan khu vực 4,3 ha (đã được TTCP xác định nằm ngoài quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm), kế hoạch giải quyết bồi thường và hướng xử lý cán bộ vi phạm...
Bán đảo Thủ Thiêm (quận 2), nơi triển khai dự án Thủ Thiêm. Ảnh: Thanh Niên. |
Mở đầu họp báo, ông Từ Lương (Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông) cho biết, TP.HCM đã xác định được ranh khu đất 4,3 ha thuộc một phần Khu phố 1 (phường Bình An) căn cứ trên các bản đồ: quy hoạch tổng mặt bằng 1/5000 KĐTM (ghi ngày 12/6/1995) có đóng dấu của các đơn vị liên quan (Công ty Dịch vụ Phát triển Đô thị - UDESCO là đơn vị lập, Sở Xây dựng và Kiến trúc sư trưởng Thành phố); quy hoạch sử dụng đất (từ 5 đến 10 năm) tỷ lệ 1/5000 ghi ngày 20/11/1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan như nêu trên, nhưng không xác định một phần Khu phố 1, phường Bình An thuộc phạm vi quy hoạch; bản đồ sử dụng đất đính kèm Quyết định 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998 về phê duyệt quy hoạch chi tiết TL 1/2000 KĐTM Thủ Thiêm.
Để xác định, thành phố đặt ra nguyên tắc: căn cứ theo các bản đồ (kết luận của TTCP nêu) theo hướng mở rộng trọn ô, trọn thửa đất nhằm đảm bảo diện tích tổng cộng ít nhất đạt được 4,3 ha và phù hợp các điều kiện hiện trạng tại thời điểm lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lần đầu tiên.
Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu 4,3 ha
Đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm, đặc biệt là khoảng hơn 330 hộ dân có nhà đất trước đây ở khu 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2.
UBND TP.HCM đã thành lập ngay Tổ Công tác liên ngành do Chủ tịch UBND quận 2 làm Tổ trưởng để nghiên cứu, rà soát hồ sơ bồi thường, điều kiện, hoàn cảnh và đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị thu hồi đất.
Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:
Sau khi hoàn tất các cơ sở pháp lý về ranh quy hoạch, thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như đã nêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Ủy ban nhân dân quận 2 rà soát, phân loại, tập trung áp giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp các hộ dân tiếp tục khiếu nại thì giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 2 xem xét, giải quyết khiếu nại lần đầu theo Luật Khiếu nại.
Về xác định các khu phố ngoài ranh:
Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 2 tiếp nhận đơn, xử lý và giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định của Luật Khiếu nại đối với nội dung khiếu nại về nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nói thêm về phương án đền bù, ông Võ Văn Hoan cho biết, chính sách bồi thường "sẽ rất tốt" vì áp dụng một hệ số quy đổi có lợi cho người dân. "Quá trình làm rất phức tạp, bồi thường theo giá hôm nay chứ không phải giá của 5, 10 năm trước. Tuy nhiên, nếu áp theo giá thị trường thả nổi (Nhà nước không kiểm soát) thì thành phố không thể làm được", ông Hoan nói và cho rằng vấn đề quan trọng là thành phố làm chính sách bám vào quy định pháp luật và trên tinh thần "có lợi nhất cho người dân".
26.000 tỷ đồng ngân sách đi về đâu?
Trả lời câu hỏi "con số 26.000 tỉ đã được sử dụng thế nào?" của PV báo Thanh Niên, bà Trần Mai Phương, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho hay, số tiền tạm ứng hơn 26.000 tỉ đồng từ ngân sách để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Vì vậy phải thực hiện đúng thủ tục quyết toán đúng quy định.
Để giải quyết vấn đề này, ngày 8/8/2019, UBND TP.HCM có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận thực hiện. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính, Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm phối hợp tham mưu TP.HCM đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, trên cơ sở đó giao kế hoạch vốn, hướng dẫn Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm quyết toán và thực hiện các thủ tục.
Khu đô thị Sala quận 2. |
Trước đó, trong công văn kiến nghị Thủ tướng, UBND TP.HCM cho biết khó thu hồi khoản tiền tạm ứng chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vì đã chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất.
Tuy nhiên, để thu hồi khoản tạm ứng này cần thực hiện thủ tục quyết toán vào dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng hiện các thủ tục này đang gặp khó khăn, vướng mắc. Từ đó UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ ngành liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục nhằm thực hiện thống nhất.
Sai phạm khu đất 160 ha tái định cư
Về các dự án sai phạm liên quan khu đất 160ha tái định cư (thành phố giao cho 51 doanh nghiệp làm dự án thương mại), ông Võ Văn Hoan nói "chưa trả lời được" vì TTCP chưa ban hành kết luận thanh tra và đang xem xét báo cáo Thủ tướng.
Trong hai kết luận được công bố, TTCP chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND TP.HCM và các bộ, ngành liên quan (ở nhiều thời kỳ) trong quá trình triển khai dự án như: thu hồi sai 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch; giao đất quy hoạch tái định cư 160 ha cho 51 doanh nghiệp làm dự án...
Để khắc phục, TTCP yêu cầu TP.HCM thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng cho ngân sách và phải có giải pháp huy động vốn để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm hơn 4.200 tỷ đồng; thu hồi về ngân sách khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh là 1.800 tỷ đồng và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay. Những việc này phải hoàn thành trước ngày 30/9 để báo cáo Thủ tướng.
Ngoài ra, TTCP đề nghị UBND TP HCM xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đối với những người thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý sẽ được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét. Tuy nhiên, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Thủ Thiêm vẫn chưa đồng tình vì cho rằng các kết luận của TTCP chưa chỉ rõ các cá nhân sai phạm và chưa làm rõ được những khiếu nại của họ.
KĐTM Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1996, rộng 930ha. Đây là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp... được mở rộng của thành phố, nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 và chỉ cách 300 m đường chim bay.
TP.HCM khẳng định, việc phát triển KĐTM Thủ Thiêm không nhằm mục tiêu kinh doanh bất động sản và đạt được lợi nhuận từ việc khai thác đất. Phần lớn diện tích được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu như: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông; Trung tâm Tài chính; Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế; Cung Thiếu nhi, Lâm viên sinh thái....
Cận cảnh 3.790 căn hộ tái định cư trị giá gần 10.000 tỷ đồng ở Thủ Thiêm sẽ mang đấu giá |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp