Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương làm rõ vụ rút giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc thi hành các quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Công Thương với 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.

Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 6/9, Thanh tra Bộ Công Thương có thông báo tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung rút giấy phép của 5 doanh nghiệp đầu mối.

Theo Tổng cục Hải quan, Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chấp hành quy định xử phạt trong thời gian 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Hải quan muốn làm rõ việc Bộ Công Thương rút giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định việc tạm dừng, hoãn thi hành hình thức phạt bổ sung mà chỉ quy định hoãn thi hành hình phạt tiền. Khoản 12 Điều 12 của luật cũng nêu rõ việc trì hoãn chấp hành quyết định xử phạt hành chính là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính.

Từ đó, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh việc Bộ Công Thương đến nay chưa có văn bản sửa đổi, hủy bỏ quyết định hoặc tạm đình chỉ thi hành việc rút giấy phép với 5 doanh nghiệp nên quyết định xử phạt vẫn có giá trị.

Bộ Công Thương cần xác nhận lại bằng văn bản với cơ quan hải quan các vấn đề trên để có căn cứ làm thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối.

Vẫn theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp không đủ điều kiện nhập khẩu xăng dầu, nếu vẫn thực hiện, sẽ bị xử phạt theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 128 của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Các hình thức xử phạt bao gồm phạt tiền và buộc tái xuất tang vật vi phạm. Trường hợp tang vật không còn thì buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật vi phạm.

"Ngày 7/9, Tổng cục Hải quan có công văn số 3691/TCHQ-GSQL đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến về việc áp dụng hình thức bổ sung là tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu 1 tháng với 5 doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, đến nay Tổng cục Hải quan vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Công Thương", văn bản của Tổng cục Hải quan nêu.

Thanh tra Bộ Công Thương trước đó có công văn về việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những sai phạm trong kinh doanh xăng dầu. Quyết định xử phạt đã được gửi đến các công ty thông qua đường bưu điện. Thanh tra Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện đầy đủ các quy định của quyết định và các thủ tục ký xác nhận ngày, giờ nhận được quyết định.

Tuy nhiên, sau đó, Thanh tra Bộ Công Thương ra thông báo về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp đầu mối phía Nam.

Trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của một số thương nhân đầu mối bị tước giấy phép và một số địa phương, để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu (đặc biệt tại TP.HCM và một số địa phương), cơ quan thanh tra cho biết ngày 6/9, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành nghị quyết 59 thống nhất tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, theo VTC News.

Việc tạm dừng rút giấy phép với 5 doanh nghiệp đầu mối được thực hiện cho tới khi các đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương xem xét, trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục xử lý, theo cơ quan thanh tra.

Cùng với thông báo về việc tạm dừng xử phạt rút giấy phép, Thanh tra bộ yêu cầu 5 thương nhân đầu mối thực hiện nghiêm túc hình thức phạt tiền theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.

Các số liệu của Hải quan cũng cho thấy, từ 31/8 đến 10/10, có 2 doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu là Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp và Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu. Cụ thể, Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp đã mở 36 tờ khai tạm nhập - tái xuất và tái xuất xăng dầu tại Chi cục Hải quan Nhơn Trạch (Đồng Nai). Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu đăng ký 2 tờ khai tại Chi cục Hải quan cảng SKGVIII - Cục Hải quan TP.HCM.

3 doanh nghiệp thuộc diện bị thu hồi giấy phép gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM, Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương không phát sinh hoạt động nhập khẩu, tạm nhập - tái xuất mặt hàng xăng dầu.

Trong một báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước cách đây ít ngày, Bộ Công Thương lập danh sách 16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để kiến nghị chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay vốn, nâng mức tín dụng, tiếp cận ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu.

Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được Bộ Công Thương kiến nghị được hỗ trợ vốn, có nhiều đơn vị thua lỗ kéo dài nhiều tháng qua. Cụ thể, Petrolimex kiến nghị 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank không tính trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các khoản vay trên 6.000 tỷ đồng để nhập khẩu xăng dầu (Vietcombank 2.500 tỷ đồng, BIDV 2.500 tỷ đồng và VietinBank 1.000 tỷ đồng). Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp cũng đề xuất Vietcombank, VietinBank bổ sung vay vốn 1.000 tỷ đồng để thanh toán tiền mua hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài.

Công ty Cổ phần Xăng dầu và dịch vụ hàng hải S.T.S cũng đề nghị ngân hàng PG Bank đảm bảo hạn mức giải ngân 450 tỷ đồng và cho mở L/C tới 600 tỷ đồng; ngân hàng BIDV đảm bảo giải ngân 250 tỷ động và cho mở L/C tới 500 tỷ đồng; ngân hàng MSB đảm bảo giải ngân 350 tỷ và cho mở L/C tới 350 tỷ đồng, theo TPO.

Công ty TNHH Trung Linh Phát đề nghị VietinBank chi nhánh Hà Giang tạo điều kiện hỗ trợ mở hạn mức 5.000 tỷ đồng; đề nghị VPBank hội sở Hà Nội tạo điều kiện mở hạn mức 1.000 tỷ đồng. Công ty CP Dầu khí Nam Sông Hậu đề xuất các ngân hàng Agribank và BIDV cấp cho doanh nghiệp này khoản tín dụng 700 tỷ đồng để nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức tối thiểu và dự trữ bắt buộc.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đề xuất 6 ngân hàng tăng hạn mức đề xuất để mở LC với tổng số tiền trên 10.000 tỷ đồng để sử dụng nhập khẩu xăng dầu. Việc đề xuất mở L/C số tiền lớn lên tới hơn 10.000 tỷ đồng được rất nhiều doanh nghiệp trong ngành chú ý do trong số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị âm vốn nhiều nhất hiện nay, Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (trụ sở tại Thái Bình) bị âm vốn tới 1.664 tỷ đồng và đang trong cảnh tổng nợ cao gấp 1,1 lần tổng tài sản.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement