10/05/2021 17:58
Tòa án Pháp bác vụ kiện lịch sử về chất độc da cam của bà Trần Tố Nga
Bà Trần Tố Nga khẳng định “sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”, sau khi nhận thông tin sáng 10/5 từ văn phòng luật sư Bourdon rằng Tòa đại hình thành phố Evry (ngoại ô Paris) đã ra phán quyết không đủ thẩm quyền để xử vụ kiện của bà.
Bà Tố Nga, một phụ nữ người Pháp gốc Việt 79 tuổi, đang kiện 14 công ty hóa chất nông nghiệp đa quốc gia, đứng đầu là Monsanto và Dow Chemical, đã cung cấp chất khai quang cực độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
Mang trong mình nhiều căn bệnh do hậu quả của chất độc da cam/dioxin, bà Tố Nga đã bền bỉ theo đuổi vụ kiện từ hơn 10 năm nay, trong đó hơn 6 năm trực tiếp tại tòa, vì công lý không chỉ của riêng cá nhân bà mà còn hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khác.
Trước phán quyết của tòa, bà Tố Nga chia sẻ: “Tôi không bất ngờ vì đã chuẩn bị trước tinh thần. Tôi sẽ lập tức kháng cáo và sẽ tiếp tục một chặng đường mới dù khó khăn, vất vả đến đâu”. Bà bày tỏ thái độ bình tĩnh và vững tin vào cuộc đấu tranh mà bà coi là “hành trình tranh đấu cuối cùng của cuộc đời”.
Từ một người đơn lẻ, đến nay bà Tố Nga đã có hàng chục nghìn người từ nhiều nước trên thế giới làm bạn đồng hành, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi sinh ra sau chiến tranh Việt Nam.
Dự kiến, tối 10/5, ủy ban ủng hộ vụ kiện Trần Tố Nga sẽ họp bàn chiến lược sắp tới. Một cuộc họp báo sẽ diễn ra sáng 11/5 với sự đăng ký tham gia đông đảo của các cơ quan báo chí Pháp và nước ngoài rất quan tâm đến vụ kiện.
Bà Tố Nga cho biết sẽ tham gia tuần hành ngày 15/5 cùng với những người ủng hộ để phản đối tập đoàn Monsanto và nhắc lại về vụ kiện. Bà nhấn mạnh: “Tôi sẽ đi đầu trong cuộc tuần hành này tại thủ đô Paris".
Tòa đại hình Evry đã ra phán quyết có lợi cho 14 công ty trên, theo đó họ "có đủ cơ sở để tận dụng quyền miễn trừ theo thẩm quyền".
Trong buổi tranh tụng ngày 25/1 tại tòa, luật sư Jean-Daniel Bretzner của tập đoàn Monsanto đã lập luận rằng một tòa án Pháp không đủ thẩm quyền để xét xử hành động của một quốc gia nước ngoài có chủ quyền trong khuôn khổ "chính sách phòng vệ" vào thời chiến.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp