23/07/2019 13:15
Tình trạng thiếu lương thực ở châu Á đang ở mức báo động
Báo cáo của Liên hợp quốc về An ninh lương thực và Dinh dưỡng chỉ ra xu hướng đáng lo ngại ở khu vực châu Á và ở mức báo động.
Liên Hợp Quốc vừa phát hành Báo cáo thường niên năm 2019 về Tình trạng an ninh lương thực và Dinh dưỡng toàn cầu với các dữ liệu mới đã đưa ra cho thấy tình trạng thiếu đói, suy dinh dưỡng và béo phì trên toàn cầu nói chung và tại châu Á nói riêng đang ở mức báo động.
Tổ chức CropLife Châu Á và CropLife Việt Nam (Hiệp hội phi lợi nhuận đại diện cho ngành khoa học thực vật) đã đứng ra kêu gọi các đối tác trong khu vực cùng giải quyết vấn đề này.
Ông Jose Graziano da Silva (bên phải), Tổng Giám đốc FAO cầm bản sao báo cáo ““Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2019” tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. |
Theo nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2018, có 820 triệu người không có đủ thức ăn, con số này tăng so với 811 triệu vào năm 2017 và là năm thứ ba tăng liên tiếp. Trong đó hơn 513 triệu người (chiếm hơn 62%) đang sinh sống tại châu Á. Ngoài ra có hơn 500 triệu người suy dinh dưỡng tại châu Á.
“Xu hướng thiếu đói và suy dinh dưỡng đang diễn ra khắp châu Á và điều này là không thể chấp nhận được. Trong một thời đại mà châu Á đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, thực tế lạnh lùng này cảnh báo rằng chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm”, Tiến sỹ Siang Hee Tan, Giám Đốc điều hành Croplife châu Á phát biểu.
Tiến sỹ Siang Hee Tan cho biết thêm, Liên Hợp Quốc triển khai dự án nghiên cứu này với mục đích nâng cao nhận thức đối với vấn đề an ninh lương thực. Đã đến lúc các đối tác trong chuỗi giá trị thực phẩm ở châu Á chung tay để cùng giải quyết vấn đề nan giải chưa từng có tiền lệ này.
Việc ứng dụng công nghệ và các đổi mới về khoa học thực vật là một công cụ quan trọng để cung cấp đủ lương thực cho lượng dân số tăng nhanh hiện nay, tuy nhiên chúng là chỉ đóng vai trò là một phần trong các giải pháp tổng thể.
Việc cung đủ thực phẩm an toàn và giàu dinh dưỡng cho tất cả mọi cư dân trong khu vực là trách nhiệm chia sẻ giữa các bên. Các Chính phủ, ngành khoa học thực vật (các công ty nghiên cứu phát triển sản phẩm trong nông nghiệp) và các cộng đồng xã hội cần cùng hợp tác, phát huy và đổi mới các nỗ lực chung.
Nếu mỗi quốc gia không đưa ra được chương trình hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng này, thì hậu quả phải gánh chịu sẽ trở nên rất khó kiểm soát.
Advertisement
Advertisement