09/11/2018 08:55
Thuế những mặt hàng sau đây sẽ về 0% khi CPTPP có hiệu lực
Dệt may, giày dép, thủy sản, chè và cà phê xuất khẩu vào một số thị trường lớn như Nhật và Canada sẽ giảm về 0% từ tháng 1 năm 2019.
Dự kiến, Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực từ 30/12/2018 và ngay lập tức các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc một số ngành hàng của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này khi mức thuế về 0%. Cụ thể, 99% hàng ngành dệt may xuất khẩu vào Nhật sẽ được xóa bỏ thuế. Thủy sản, chè, cà phê xuất khẩu vào Canada, Nhật Bản cũng được xóa bỏ ngay…
Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế với chủ đề “Tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp” tổ chức tại TP.HCM chiều ngày 8/11. Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên cho rằng, từ năm 2007 đến nay, lượng Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký với các Quốc gia, vùng lãnh thổ gấp 5 lần giá đoạn trước đó.
Thủy sản được hưởng lợi ngay khi CPTPP có hiệu lực. |
Tuy nhiên, dư luận cũng đặt vấn đề vì sao phải ký nhiều như vậy và những hiệp định đó có thực sự đem lại lợi ích. Ông Khanh giải thịcsố lượng các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam ký kết tăng vọt trong thời gian gần đây xuất phát từ mốc thời điểm năm 2007, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO.
Việc gia nhập tổ chức này như một tấm vé công nhận Việt Nam đủ tiêu chuẩn để tham gia thị trường quốc tế theo luật quốc tế. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam có xu hướng thích làm ăn với các nước lân cận như các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc… nhưng lại thường xuyên thâm hụt thương mại rất lớn với những nước này.
Chẳng hạn, trong năm 2017 thâm hụt thương mại với Trung Quốc 23 tỷ USD, Hàn Quốc 30 tỷ USD, ASEAN 6,5 tỷ USD, Đài Loan 9,2 tỷ USD. Tổng cộng thâm hụt thương mại với các nước này lên đến 68,7 tỷ USD. Nếu chỉ có những FTA với các khu vực lân cận, tỷ lệ thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ ngày càng lớn hơn.
Trong khi đó, ở những quốc giá xa hơn như Mỹ, châu Âu… thì Việt Nam lại thặng dư thương mại, với Mỹ là 32,4 tỷ USD, EU là 26 tỷ USD… Nhờ vậy, chúng ta mới có thể thu hẹp về thâm hụt thương mại. Và có thể, năm nay sẽ là năm đầu tiên Việt Nam thặng dư thương mại hơn 6 tỷ USD.
Ông Khanh cho rằng, việc ký nhiều FTA, mở cửa thị trường xuất khẩu mới đưa đến kết quả này. Minh chứng rõ nhất được vị này đưa ra làm ví dụ là ngành dệt may. Nếu chưa gia nhập WTO, thuế quan áp dụng với hàng may mặc thành phẩm của Việt Nam là 150% so với các nước thành viên. Khi gia nhập WTO, thuế quan trung bình giảm xuống còn 25% và khi có FTA, mặt hàng này xuất khẩu vào các nước đối tác ký kết sẽ chỉ còn chịu mức thuế 0-5%.
Nhờ có các hiệp định này mà giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, từ mức 5,4 tỷ USD năm 1995 lên mức 213,8 tỷ USD như hiện nay. Ngoài ra, FTA còn giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tang, xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường và xây dựng các điều kiện thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp….
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp