18/10/2017 06:44
Thủ tướng trẻ nhất châu Âu sẽ 'đương đầu' với Người đàn bà thép Angela Merkel
Với quan đểm chống người nhập cư, Thủ tướng tương lai của nước Áo Sebastian Kurz sẽ 'đương đầu' với Người đàn bà thép Angela Merkel bởi bà Thủ tướng nước Đức đang theo đuổi chính sách hỗ trợ người tị nạn.
Ngày 16/10 vừa qua, với 31,4% trong khoảng 90% số phiếu được kiểm, Thủ lĩnh đảng Nhân dân (OeVP), Ngoại trưởng Sebastian Kurz đã chính thức giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Áo vào ngày 15/10 vừa qua. Với chiến thắng này, ông Kurz sẽ trở thành Thủ tướng Áo - người đứng đầu Chính phủ trẻ nhất ở châu Âu.
Chiến thắng được dự báo trước
Các kết quả sơ bộ dựa trên hơn 90% số phiếu được kiểm của cuộc bầu cử ngày 15/10 vừa qua cho thấy, Ðảng Nhân dân (OeVP) theo đường lối trung hữu của Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz giành được nhiều phiếu nhất, khoảng 31,4%. Ðảng Dân chủ Xã hội (SPO) theo đường lối trung tả của Thủ tướng Christian Kern về thứ hai với 26,6%. Bám đuổi sát nút là Ðảng Tự do (FPO) theo quan điểm hoài nghi hội nhập châu Âu với 26,5%.
Ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz đã tuyên bố chiến thắng thuộc về đảng của ông và chiến thắng này sẽ giúp ông trở thành tân Thủ tướng Áo.
Ngay sau khi kết quả ban đầu được công bố, Tổng thống Alexander Van der Bellen tuyên bố sẽ trao cho Ngoại trường Kurz nhiệm vụ thành lập chính phủ mới.
Phát biểu trước chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 15/10, Ngoại trưởng Kurz khẳng định kết quả trên là "một sự ủy thác mạnh mẽ của cử tri để thay đổi đất nước". Ông cam kết: “Tôi sẽ hành động vì sự thay đổi lớn ở đất nước. Ðã đến lúc thiết lập một phong cách chính trị mới và một văn hóa mới ở đất nước này”.
Ông Kurz cam kết sẽ theo đuổi chính sách siết chặt nhập cư và không để người nhập cư hưởng các phúc lợi xã hội cho đến khi sống tại Áo trong 5 năm. Ông Kurz từng tuyên bố nếu trở thành Thủ tướng, ông sẽ cắt đứt những con đường di cư chính đến châu Âu qua bán đảo Balkan và Ðịa Trung Hải.
Trong khi đó Thủ tướng Christian Kern nói rằng ông tôn trọng sự lựa chọn của cử tri. Ông cũng thừa nhận đảng của mình mắc một số sai lầm, nhưng xét về bối cảnh nền dân chủ xã hội tại châu Âu như hiện nay, ông cho rằng kết quả đó là chấp nhận được.
Ông Sebastian Kurz, 31 tuổi, có biệt danh “wunderwuzzi” (tuổi trẻ tài cao). Ông tham gia vào đảng Nhân dân (OeVP) từ năm 16 tuổi và đến nãm 2010, ông trở thành cố vấn Hội đồng thành phố Vienna sau thành công ở kỳ bầu cử địa phương.
Tháng 4/2011, khi chưa tròn 25 tuổi, chàng sinh viên ngành Luật của Ðại học Vienna chính thức đặt chân vào nội các Áo ở vị trí Thứ trưởng chuyên trách Hòa nhập xã hội trực thuộc Bộ Nội vụ.
Từ năm 2013, ông Kurz đã thu hút sự chú ý của thế giới khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng ở tuổi 27 và là ngôi sao sáng của OeVP. Ðến tháng 5/2017, ông được chọn làm lãnh đạo OeVP và gây chú ý với tuyên bố rút khỏi chính phủ liên hiệp với đảng Dân chủ Xã hội (SPO) vốn đã kéo dài một thập kỷ. Sự kiện này đã dẫn đến cuộc tổng tuyển cử sớm ngày 15/10/2017.
Trong suốt quá trình hoạt động chính trị, ông Kurz thể hiện phong cách rất trẻ trung, lãng tử, hầu như ít khi đeo cà vạt lúc xuất hiện trước công chúng, không dùng xe công vụ và xây dựng được quan hệ tốt với giới truyền thông.
Lo ngại về quan điểm chống người nhập cư
Lý giải về chiến thắng của đảng Ðảng Nhân dân (OeVP) của Ngoại trưởng Sebastian Kurz, các nhà phân tích cho rằng, có lẽ đó là nhờ vào việc ông theo đuổi chính sách nói không với người nhập cư.
Các nhà phân tích cho rằng, chính quan điểm này đã giúp OeVP giành ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, giữa lúc châu Âu vẫn đang đau đầu với cuộc khủng hoảng nhập cư và tị nạn. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà tại châu Âu đã nảy sinh lo ngại về một nước Áo thiên hữu và không còn gắn bó với EU như trước.
Quan điểm chống người nhập cư là một trong những chủ trương nổi bật của OeVP và ông Kurz trong cuộc bầu cử lần này. Ðây là vấn đề nổi cộm ở Áo sau khi quốc gia 8,7 triệu dân này phải tiếp nhận khoảng 90.000 người nhập cư, đa số chạy trốn khỏi Syria sau năm 2015 do cuộc nội chiến ở nước này.
Ông Kurz đã nhanh chóng nhận ra sự lo lắng của cử tri Áo đối với những người nhập cư không được kiểm tra an ninh kỹ lưỡng, và lập tức đưa ra lời kêu gọi về việc siết kiểm soát biên giới, tăng kiểm soát nguồn quỹ từ nước ngoài đổ vào cho các “chính trị gia đạo Hồi”.
Bên cạnh đó là các biện pháp đóng tuyến đường luân chuyển dòng người nhập cư qua các quốc gia tây Balkan. Kurz tuyên bố những người tị nạn được cứu ở Ðịa Trung Hải “nên trở về châu Phi”, và khẳng định sẽ cắt các khoản tiền dành cho người nhập cư. Quan điểm này của ông Kurz đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ của cử tri Áo.
Bên cạnh đó, với kết quả bầu cử sơ bộ vừa qua thì nhiều khả năng ông Kurz sẽ phải tìm kiếm đối tác liên minh để thành lập chính phủ. Ðến nay, đảng Dân chủ Xã hội (SPO) của đương kim Thủ tướng Christian Kern với 26,6% phiếu bầu đã phát đi tín hiệu cho thấy họ sẽ không tiếp tục bắt tay với OeVP. Vì vậy, nhiều khả năng ông Kurz sẽ tìm đến Ðảng Tự do (FPO) để thành lập liên minh.
Theo đánh giá, liên minh với FPO, ông Kurz và đảng OeVP của mình dường như đã chọn đúng đối tác mình cần. Trái với OeVP còn non trẻ, FPO được thành lập từ nãm 1956, tuy nhiên đảng này lại có cùng quan điểm với OeVP về chống người nhập cư.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, chiến thắng của ông Kurz và đảng OeVP lại đang đặt Thủ tướng Ðức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, những người có quan điểm ủng hộ châu Âu, vào thế khó khăn trong bối cảnh cả hai nhà lãnh đạo này đang thúc đẩy những cải cách ở khối Eurozone và theo đuổi chính sách hỗ trợ người tị nạn.
Trong khi vị tân thủ tướng tương lai của nước Áo và cả thủ lĩnh của đảng FPO (đảng dự kiến liên minh với OeVP), Heinz Christian Strache, lại đều có quan điểm chống người nhập cư. Thậm chí, ông Kurz đã từng lên tiếng ca ngợi Thủ tướng Hungary Viktor Orban do kế hoạch xây hàng rào ngăn người nhập cư ở biên giới Hungary. Và điều này có thể ảnh hưởng đến những quyết sách của EU về người nhập cư trong tương lai.
Hơn nữa, các nhà phân tích còn cho rằng, đảng FPO, đảng được ông Kurz dự định chọn làm đối tác liên minh, còn có mối quan hệ mật thiết với Nga, và điều này khiến châu Âu trở nên lo ngại hơn. Bởi sự liên minh giữa OeVP và FPO được dự báo có thể dẫn tới những đòi hỏi buộc EU phải gỡ bỏ lệnh cấm vận nhằm vào Nga, sau cuộc sáp nhập Crimea hồi năm 2014. OeVP và FPO đều có quan điểm theo đuổi hợp tác với Nga trong lĩnh vực nãng lượng.
Có thể thấy, kết quả của cuộc bầu cử ở Áo vừa qua đã đặt ra một mối lo ngại đối với EU, khi các đảng dân túy, cực hữu đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri. Những tưởng châu Âu đã chặn được sự trỗi dậy của tư tưởng cực hữu ở các quốc gia thành viên kể từ sau kết quả của các cuộc bầu cử ở Hà Lan hay Pháp.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử ở Ðức hồi tháng 9/2017 với việc đảng Sự lựa chọn vì nước Ðức (AfD) có quan điểm chống người nhập cư lần đầu tiên giành được ghế tại Quốc hội, và hiện giờ là cuộc bầu cử ở Áo, đã cho thấy một thực tế chông chênh với EU.
Kết quả bầu cử ở Áo cũng cho thấy cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015 đã để lại những vết thương khá sâu trong lòng các cử tri châu Âu, đặc biệt là ở những nước được coi là "tâm điểm" của "cơn bão người tị nạn". Ðiều này đang đặt Thủ tướng Ðức Merkel và Tổng thống Pháp Macron phải đau đầu trước những mối lo mới.
Advertisement
Advertisement