02/10/2020 11:20
Thủ tướng: Tình hình kinh tế đang ngày càng tốt hơn
Hôm nay, 2/10, Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Phiên họp có ý nghĩa quan trọng đánh giá năm 2020, chuẩn bị cho kế hoạch 2021.
Phiên họp Chính phủ tháng 9 có ý nghĩa quan trọng khi cả nước đã đi qua 3/4 chặng đường năm 2020, có thể đánh giá kết quả cả năm 2020 và chuẩn bị cho kế hoạch 2021.
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ dành thời lượng thích đáng để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 và 02; phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tăng tốc, về đích trong những tháng cuối năm.
Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng đánh giá tình hình kinh tế xã hội đang ngày càng tốt hơn. Ảnh: VGP |
Chính phủ cũng xem xét, thảo luận công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Báo cáo phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2021, tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử và một số nội dung khác.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mục tiêu kép đã được thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt.
Cả nước đã ngăn chặn có hiệu quả dịch COVID-19. Đặc biệt lần này đã thay đổi cách thức, cách làm trong việc ngăn chặn chứ không như lần 1. Đến nay, qua 30 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Thủ tướng cho rằng, tình hình kinh tế xã hội ngày càng tốt hơn. Quý III có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, công thương, tài chính, ngân hàng, các lĩnh vực xã hội có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề cho quý cuối năm và cả năm 2020.
Trong bối cảnh các nước ASEAN đều tăng trưởng âm thì tăng trưởng quý III của Việt Nam đạt 2,62%. Đây là sự bứt phá lớn của Việt Nam mà các tổ chức trong và ngoài nước đều đã khẳng định. Các dự báo đều cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng dương trong năm 2020 với mức tăng theo dự tính của Bộ Kế hoạch Đầu tư là khoảng 2%.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng đến 20,2%.
Hết 9 tháng, Việt Nam xuất siêu kỷ lục gần 17 tỷ USD. Ảnh: Báo Đầu tư |
Hết 9 tháng, đã có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Xuất siêu đạt kỷ lục gần 17 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế, phấn đấu xuất khẩu trên 41 tỷ USD với 12 cơ sở, nhà máy chế biến được đưa vào hoạt động.
Thu hút đầu tư nước ngoài trong 3 quý đầu năm cũng đạt trên 21 tỷ USD. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp… Đáng chú ý, tốc độ giải ngân vốn đầu tư 9 tháng đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Việc làm quý 3 tăng 1,5 triệu người so với quý II.
Thủ tướng khẳng định trong tháng 9, mục tiêu kép đã được tổ hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt.
Song, nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn cần có giải pháp kịp thời như dịch vụ, hàng không, vận tải, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động là vấn đề cần quan tâm.
Dự báo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings, Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của COVID-19. S&P dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021.
Dự báo này cao hơn so với mức 1,8% của năm nay và 6,3% trong năm sau của ADB mới đây. Còn theo nhận định của HSBC, Việt Nam vẫn đang bền bỉ "phi nước kiệu" với tốc độ tăng trưởng dương hiếm hoi trong năm 2020. HSBC kỳ vọng mức tăng trưởng năm 2021 Việt Nam đạt được sẽ là 8,1%.
Advertisement
Advertisement