12/04/2019 12:45
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Từ bà bán chè cho đến anh lái taxi ở Hội An đều ứng xử đẹp"
Đó là chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019 diễn ra ở TP.HCM vào sáng 12/4.
Diễn đàn thu hút trên 300 đại biểu là các Bộ, ban ngành liên quan, các Sở Du lịch trong cả nước, các đơn vị đào tạo ngành Du lịch trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Tại đây, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo về Du lịch đã có những cái nhìn trực diện, đánh giá khách quan, toàn diện và khoa học nguồn nhân lực cho Du lịch Việt Nam hiện nay.
"Người dân Hội An làm du lịch rất tốt"
Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, người dân, cộng đồng du lịch là lực lượng quan trọng quyết định sự phát triển, tồn vong của du lịch Việt. Đó là văn hóa là cách ứng xử của của người dân, của cộng đồng làm du lịch.
Một điểm sáng của du lịch Việt Nam là Hội An, người dân ở đây làm du lịch rất tốt. Họ hiếu khách và thân thiện. Văn hóa ứng xử rất lịch sự, ví dụ như mới sáng sớm bạn vào một cửa hàng may mặc, đo đồ rồi nhưng đổi ý không may nữa, người dân vẫn vui vẻ, nếu chỗ khác có khi bị chửi.
Theo Thủ tướng, cách ứng xử đẹp đó có từ người bán chè bên đường cho đến anh lái taxi. Phải có những người dân như thế thì du lịch mới phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại diễn đàn |
Tại buổi hội thảo, Thủ tướng trăn trở tại sao Việt Nam có 12 di sản văn hóa thế giới và hàng trăm danh lam thắng, cảnh đẹp nổi tiếng nhưng du lịch vẫn đứng sau Thái Lan và các nước trong khu vực. Đã đến lúc có sự bắt tay giữa Chính phủ, doanh nghiệp và nhà trường để có những hoạch định, chính sách đào đạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng phục vụ cho sự phát triển của du lịch.
Trong những năm gần đây, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu, chất lượng dần được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp từ sơ cấp đến đại học, riêng TP.HCM có 63 cơ sở đào tạo du lịch (24 đại học, 20 cao đẳng, 19 trung cấp).
Tuy nhiên, ngành vẫn còn những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao.
Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp và giữa các chủ thể chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Các chính sách và hành lang pháp lý cho tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa thực sự phù hợp.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ |
Về phía giáo dục, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết: Hiện nay, các trường được hoàn toàn chủ động trong xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo. Bộ cũng đã có công văn về áp dụng cơ chế đặc thù trong đào tạo các ngành về du lịch. Khả năng chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của sinh viên tốt nghiệp cho thấy tính linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường của các đơn vị đào tạo chưa cao, sự gắn kết phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa đạt yêu cầu
Theo ông Nhạ, dự báo yêu cầu nguồn nhân lực đến 2020 là 2 triệu nhân công và sẽ tăng nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh của du lịch Việt Nam.
Trong 10 năm đến, với mục tiêu phát triển du lịch thành nền kinh tế trọng điểm, chắc chắn nhu cầu nhân lực du lịch sẽ tăng nhanh hơn nữa. Nhiều loại hình du lịch từ ngắm cảnh đến văn hoá, sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, hội nghị,… từ homestay dến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đặt ra yêu cầu đa dạng về nhân lực du lịch.
Bên cạnh đó là yêu cầu cấp bách cần có quản lý cấp cao địa phương trong các lĩnh vực lữ hành, khách sạn, nhà hàng, nghỉ dưỡng. Thoả thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN mang lại nhiều cơ hội cho lực lượng lao động Việt Nam nhưng cũng là thách thức rất lớn cho việc định hướng xây dựng chiến lược và triển khai đào tạo.
Ông Võ Anh Tài - đại diện Saigontourist |
"Bằng cấp chưa phải là điều kiện hàng đầu"
Phía doanh nghiệp ông Võ Anh Tài - đại diện Saigontourist cho biết nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt khi ngành du lịch Việt Nam đã, đang và sẽ tạo sức hấp dẫn cao đối với du khách trong nước và quốc tế, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Để đáp ứng việc tuyển dụng đầu vào của Saigontourist, các cơ sở đào tạo cần nhanh chóng xây dựng khung chương trình đào tạo tương ứng theo sát các yêu cầu thực tế phát triển ngành du lịch đồng thời vừa phù hợp các tiêu chuẩn chức danh nghề du lịch ASEAN, EU (VTOS), trong đó chú ý các chương trình tập sự nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, và các kỹ năng mềm cho các bạn sinh viên...
Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP) trong khu vực ASEAN sẽ mang lại cơ hội cho sinh viên được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia, khu vực.
Các trường du lịch sẽ tiến hành đào tạo bằng phương pháp mới, xây dựng kỹ năng nghề dựa trên năng lực (kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ trong công việc) và tạo cơ hội dịch chuyển lao động trong ASEAN. Tuy nhiên, dịch chuyển lao động không chỉ là cơ hội mà cũng là thách thức đối với sinh viên Việt Nam khi họ sẽ phải cạnh tranh với lao động từ các nước khác trong khu vực.
Chất lượng đầu vào của sinh viên cũng là một yếu tố quan trọng, tuy nhiên chất lượng đầu ra để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lại là yếu tố quyết định.
Không phải là sinh viên tốt nghiệp trường giỏi sẽ được nhận làm việc lâu dài, hoặc sinh viên trường cấp dưới là không nhận được cơ hội làm việc. Bằng cấp chưa phải là điều kiện hàng đầu, quan trọng là kỹ năng, thái độ của sinh viên đối với công việc mình làm.
NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen. |
Đại diện phía các trường học, GS.TS Mai Hồng Quỳ (Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen) cho biết: "Chúng tôi cảm nhận một cách rõ nét về nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường du lịch. Hầu như mỗi tuần, trường Đại học Hoa Sen đều nhận được những đề xuất và đặt hàng từ các doanh nghiệp, những tập đoàn lớn trong ngành Du lịch như Accor Marriott... tổng nhu cầu hơn 5.000 nhân lực/năm.
Đặc biệt, chúng tôi vừa đạt được thoả thuận với chuỗi khách sạn nhượng quyền tuyển dụng ngay lập tức 1.000 sinh viên trường Đại học Hoa Sen vừa ra trường. Đây thực sự là cơ hội và thách thức cho trường Đại học Hoa Sen và cho tất cả các cơ sở đào tạo du lịch".
Theo bà Quỳ hiện nay, hiểu một cách đơn giản nhất là các nhân sự được đào tạo ở cấp độ từ cử nhân trở lên có thể được xem là nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù có thể chưa toàn diện, nhưng xét từ góc độ chuẩn đào tạo chúng tôi cho rằng có cơ sở để chấp nhận một cách tiếp cận như vậy.
Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, với xu hướng quốc tế hóa ngành Du lịch và quốc tế hóa giáo dục đại học, chúng tôi đề nghị xem xét và xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là các nhân sự được đào tạo từ cấp cử nhân trở lên và đáp ứng chuẩn quốc tế.
Nói một cách khác, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực chất lượng chuẩn quốc tế. Điều này có thể hiểu, đây là nguồn nhân lực được đào tạo trong cơ sở đào tạo đại học đạt kiểm định quốc tế, hoặc bằng cấp của cơ sở đào tạo được công nhận, liên thông với các cơ sở đào tạo quốc tế.
"Một cách toàn diện, đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao không thể gói gọn trong khuôn khổ đào tạo bậc Cao đẳng - Đại học chính quy mà còn phải mở rộng đến việc đáp ứng những yêu cầu từ các doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực ngành Du lịch", bà Quỳ nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp