17/08/2023 17:08
Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi Thông tư 06 để 'cứu' doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06 để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công văn hỏa tốc số 746/TTg-KTTH ngày 16/8/2023 giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp ngay với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải có tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân, bảo đảm chính sách khi ban hành phải đúng, trúng, không cản trở sự phát triển và phù hợp, kịp thời xử lý vướng mắc.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái được giao khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/8.
Trước đó, ngày 15/8, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi thông tin đến Ban chấp hành HoREA, Hội viên và cộng đồng doanh nghiệp tin mừng: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã báo cho lãnh đạo hiệp hội rằng chủ đầu tư vẫn được vay kể cả với dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh và dự án đủ điều kiện kinh doanh.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh, Thông tư 06 có nhiều điểm là rào cản khiến họ khó tiếp cận nguồn vốn và giảm tăng trưởng tín dụng, vốn đã thấp trong nửa đầu năm 2023.
Sáng 17/8, Hội Môi giới Bất động sản Việt nam (VARS) kiến nghị thu hồi Thông tư 06, vì "cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đang dậy lên nhiều nỗi lo mới, trong bối cảnh thị trường vẫn tồn tại nhiều khó khăn".
VARS cho rằng cần nhận biết thị trường bất động sản đang khó khăn ở đâu để tháo gỡ. Hiện nay, "pháp lý" và "nguồn vốn" đang là hai khó khăn chính của thị trường bất động sản. Dù Chính phủ đã ban hành rất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ và giải quyết, nhưng hai khó khăn này vẫn chưa thực sự tìm được hướng giải quyết dứt điểm, theo Dân Việt.
Việc cả khách hàng và nhà đầu tư cùng gặp khó trong khâu tiếp cận dòng tiền, khiến cho thanh khoản trên thị trường ách tắc, đóng băng mọi giao dịch, ngưng trệ mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Trong khi đó, Thông tư 06 nếu ban hành sẽ khiến tinh thần của nghị quyết số 33 không được đảm bảo.
Nghị quyết số 33 thể hiện một cách rõ ràng và quyết liệt mục tiêu tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, nhằm khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.
Thông qua việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và đầu tư thuận lợi trong khâu tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, với mức lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, các dự án khả thi, hiệu quả sẽ có cơ hội được thực hiện, góp phần cải thiện nguồn cung cho thị trường.
Tuy nhiên, thông tư 06 với nội dung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tín dụng nhưng lại chỉ ra những đối tượng không được vay một cách chung chung, mơ hồ. Khiến cho các ngân hàng thương mại, nếu không có thiện chí cho vay, sẽ dễ dàng từ chối hồ sơ của khách hàng.
Điều này, vô hình chung sẽ gây ảnh hưởng tới nỗ lực vực dậy thị trường bất động sản.
Trong khảo sát trước đó của VTC News, nhiều doanh nghiệp bất động sản ví Thông 06 như một cú đấm bồi làm cho thị trường địa ốc thêm điêu đứng. Trong thông tư này, số trường hợp tổ chức tín dụng không được cho vay tăng từ 6 lên 10, quy định này khiến doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà khó vay vốn.
Trả lời VTC News về Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) nhận xét, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn khó khăn, thanh khoản và dòng tiền sụt giảm thì Thông tư 06 gây nhiều khó khăn. Việc tăng các trường hợp không được tiếp cận vốn tín dụng chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực vì dòng vốn từ ngân hàng luôn là nguồn lực chính của người mua nhà, chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án.
Ngay sau khi Thông tư 06 được ban hành, doanh nghiệp địa ốc đồng loạt bày tỏ sự hoang mang trước nhiều quy định. Các chuyên gia chỉ ra, các dự án PPP, công trình hạ tầng... cần lượng vốn lớn trong khi nguồn thu hoàn vốn kéo dài, do đó việc huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án là tất yếu.
Nhưng Thông tư 06 lại chặn luôn dòng vốn này khi không cho phép đối tác của chủ đầu tư (bên thứ 3) vay vốn thông qua hợp tác kinh doanh, chỉ cho vay khi đủ điều kiện kinh doanh. Trong giai đoạn cần vốn nhất là khi triển khai xây dựng, họ lại bị hạn chế nguồn huy động.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp