26/03/2019 01:27
Thủ tướng Anh Theresa May thừa nhận bà đã hết thời gian, nhưng châu Âu nên từ chối gia hạn Brexit, vì sao?
Nếu Anh vẫn ở trong Liên minh châu Âu (EU) do Brexit thất bại, thì việc nước này yêu cầu được đối xử đặc biệt cuối cùng sẽ khiến EU sụp đổ. Thủ tướng Anh Theresa May cuối cùng cũng thừa nhận rằng bà đã hết thời gian.
Quốc hội Anh mới đây đã làm một việc hết sức bất thường: Đa số nghị sĩ ủng hộ chính quyền của bà May. Với tỷ lệ 413 phiếu thuận so với 202 phiếu chống, Quốc hội Anh đã nhất trí cho phép bà May tìm cách gia hạn Brexit đến 2 năm theo quy định tại Điều 50.
Trong thời gian này, Anh phải đàm phán về Brexit để tránh tình trạng bị tách khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Bà May không thể yêu cầu mà phải đề nghị gia hạn vì theo Điều 50 của Hiệp ước EU, quyền gia hạn thuộc về EU. 27 thành viên còn lại của EU có quyền từ chối đề nghị của Anh – và họ nên làm vậy.
Thủ tướng Anh Theresa May cuối cùng cũng thừa nhận rằng bà đã hết thời gian. |
Họ nên từ chối gia hạn Brexit trong một thời gian ngắn, như bà May đã đề nghị, vì áp lực thời gian là thứ duy nhất ngăn cản các nhà lập pháp Anh tiếp tục yêu cầu những điều không thể. Việc gia hạn vài tuần chỉ trì hoãn “ngày tận thế” mà thôi. Nhưng họ cũng nên từ chối gia hạn Brexit trong một thời gian dài nếu họ quan tâm đến sự tồn tại của EU.
Một nước Anh cam kết góp phần vào thành công của tiến trình hội nhập châu Âu chắc chắn sẽ củng cố EU. Mấu chốt là Anh và ngay cả những người ủng hộ việc Anh ở lại EU tán thưởng quyết định mang tính chính trị của Chủ tịch Hạ viện John Bercow sau cái được gọi là một cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa lần thứ 3 về thỏa thuận rút khỏi EU cũng không cam kết đóng góp vào thành công của EU.
Nói cách khác, EU thiếu tính hợp pháp ở Anh. Việc những người ủng hộ Brexit nghĩ vậy hầu như không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng ngay cả nhiều người ủng hộ việc ở lại cũng coi thường dự án châu Âu này.
Tình cảm này bắt nguồn từ trải nghiệm của Anh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nước Anh không bị chiếm đóng coi xung đột là minh chứng cho chủ nghĩa dân tộc của chính họ, chứ không phải là lý do để bác bỏ nó. Xét cho cùng, Anh không phải là Latvia hay Ireland; nước này nghĩ rằng họ đủ lớn để hành động độc lập. Điều này cũng liên quan đến lòng kiêu hãnh. Dù là tâm điểm của các vấn đề thế giới trong một thời gian rất dài, nhưng Anh vẫn không cảm nhận được giá trị khi trở thành thành viên EU mà Ba Lan hay Tây Ban Nha cảm thấy họ cần có – Anh cảm giác như bị hạ thấp.
Thiếu những yếu tố gắn kết tình cảm như vậy, rất nhiều người Anh coi tư cách thành viên EU chỉ mang tính giao dịch. Những người ủng hộ việc rời khỏi nghĩ rằng thỏa thuận này đã trở nên tồi tệ từ lúc Hiệp ước Maastricht được ký kết vào năm 1992, khiến họ không thể tự lừa dối mình về dự án chính trị này của EU. Cho dù những người ủng hộ việc ở lại nghĩ rằng đây là một thỏa thuận tốt, nhưng nó vẫn chỉ là một thỏa thuận. Nó chưa bao giờ trở thành một vấn đề về bản sắc.
Không phải tình cờ khi một phong trào trung hữu mới chống lại Viktor Orban ở Hungary gọi là “Hungary của mọi người” đã lấy việc chấp nhận đồng euro là một loại tiền tệ làm nguyên tắc chủ đạo thứ 8 trong cương lĩnh của họ. (Hungary vẫn sử dụng đồng forin của riêng họ). Sức hấp dẫn của nó không phải bắt nguồn từ việc đồng euro có giá trị như một phương tiện trao đổi mà là một biểu tượng cho tầm nhìn của đảng này về Hungary trong cộng đồng châu Âu mà nước này là thành viên.
Tuy nhiên, ngay cả những người Anh ủng hộ châu Âu cũng do dự về đồng tiền chung. Một trong những lý do khiến họ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 để ở lại, chứ không phải để rời khỏi và gia nhập trở lại, là nếu Anh rời khỏi EU thì theo quy định của Hiệp ước EU, họ sau đó sẽ phải chính thức cam kết gia nhập khu vực đồng euro và từ bỏ đồng bảng như là một trong những điều kiện đối với thành viên mới.
Việc Anh quyết định hoạt động độc lập với Khu vực đồng euro vào năm 1992 là một sự nhượng bộ đối với những thành phần cực đoan trong đảng Bảo thủ vốn nghĩ rằng đồng tiền chung là một bước tiến quá xa. Giờ đây đó là quan điểm chính thống của những người Anh ủng hộ châu Âu. Điều này cũng đúng với khu vực tự do đi lại Schengen.
Không giống hầu hết mọi quốc gia khác ở EU, sự đồng thuận của Anh trong cách đối đãi với những người nhập cư từ EU và các nước bên ngoài khu vực này cơ bản là như nhau ngay cả sau khi Thủ tướng Công đảng Gordon Brown sử dụng khẩu hiệu “việc làm của Anh là cho lao động Anh”. Ngoại trừ các đảng cực hữu hoài nghi châu Âu, quan điểm ở các nước thành viên khác là khác nhau: Việc có thể di chuyển khắp EU là quyền lợi gắn liền với tư cách thành viên. Điều này đúng với Thụy Điển cũng như với Hy Lạp, Estonia hay Bồ Đào Nha. Đó là một phần của việc trở thành công dân châu Âu hạng nhất.
Quan điểm này không tồn tại vì người Anh có tư tưởng bài ngoại hơn người dân ở những nước khác. Quả thực, theo một số tiêu chuẩn đánh giá, họ ủng hộ người nhập cư hơn, nhưng họ phân loại người nhập cư theo một cách khác. Đa số người dân Anh không nhìn nhận những người châu Âu khác (nếu họ coi mình là người châu Âu) là đồng bào mà là những người hết sức xa lạ – ở một số nghĩa còn xa lạ hơn cả những người không phải là người châu Âu đến từ Ấn Độ hay châu Phi vốn từng là thuộc địa của Anh. Kết quả là, họ thấy dự án châu Âu – mà quả thực chính là châu Âu – xa lạ đối với họ.
Chủ nghĩa ngoại lệ đã vượt ra khỏi biên giới: Nó quyết định bản chất của quyền lực chính trị. Giới chính trị Anh rất hiếm khi luận bàn về điều cần làm cùng với nhau với tư cách là những người châu Âu; họ luận bàn nhiều hơn về điều có thể khai thác từ những người châu Âu.
Người ta cho rằng luật pháp EU đã được áp đặt đối với Anh. Và khi nó mang lại lợi ích cho người dân nước Anh, thì họ sẽ tuyên bố rằng đó là sáng kiến của Anh. Lần cuối cùng một sáng kiến lớn của châu Âu đánh trúng tâm lý công chúng Anh như một nỗ lực chung là thị trường chung vào năm 1986 do Thủ tướng khi đó Margaret Thatcher chịu trách nhiệm và là sáng kiến đẩy nhanh thương mại giữa Anh và phần còn lại của cái khi đó là Cộng đồng kinh tế châu Âu.
Nói một cách đơn giản, thẩm quyền chính trị của EU bị cho là không chính đáng. Người Anh không tự thấy mình là một thành viên, mà thay vào đó họ chỉ là những người bị ràng buộc, nếu không muốn nói là bị thuộc địa hóa. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt thậm chí từng so sánh EU với Liên Xô. Phép so sánh có vẻ ngớ ngẩn đối với những người thực sự bị thuộc địa hóa, chứ chưa nói đến những người thực sự bị Anh thuộc địa hóa, nó đã đánh đúng vào tâm tư của một đất nước từng là cường quốc thống trị thế giới trong một thời gian rất dài.
Vì EU được cho là không chính đáng, nên xét về mặt chính trị, Anh chưa bao giờ cảm thấy gắn bó với nhóm các quốc gia này. Quan điểm mang tính thực dụng của những người công khai ủng hộ châu Âu hiện nay đối với chiến dịch hậu Brexit mới mang tên “Lá phiếu của người dân” cũng giống như đối với chiến dịch Ở lại EU hồi năm 2016.
Do đó cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg, trong cuốn sách “Làm thế nào để ngăn chặn Brexit” của ông, từng được tác giả đánh giá trên trang mạng Foreign Policy, đã lập luận rằng EU cần trao cho Anh một thỏa thuận mới để thuyết phục nước này ở lại. Ngay cả hiện nay, những người vận động tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai (và ủng hộ việc kéo dài thời gian gia hạn giúp cuộc bỏ phiếu khả thi hơn) dường như đã sẵn sàng giương cao biểu ngữ: “Ở lại và Cải cách”. Thông điệp của họ gửi tới Brussels về cơ bản là: “Xin lỗi vì đã rời xa các anh, nhưng nếu các anh thay đổi, chúng tôi sẽ ở lại”.
Những ngày này, dường như không ai nhớ đến những đề xuất của Anh về “thẻ vàng” và “thẻ đỏ” để phản đối luật pháp của EU. Cũng như không ai còn nhớ đến tiêu chuẩn “đa số kép” đối với thẩm quyền của châu Âu trong ngành ngân hàng để chọn ra hai đề xuất từ cuộc tái đàm phán của cựu Thủ tướng David Cameron trong năm 2016 kết hợp với sự trợ giúp của tổ chức tư vấn chiến lược Open Europe hoài nghi châu Âu, mà hai trong số các cựu giám đốc của họ, Neil O’Brien và Mats Persson, từng có mặt trong êkíp chính sách châu Âu của Cameron.
Cuộc tranh luận bên trong EU đã tiếp diễn – từ việc làm thế nào để xoa dịu nước Anh đang còn lưỡng lự về việc giải quyết các thách thức của châu Âu, chẳng hạn như cải cách Khu vực đồng euro, phát triển các chính sách biên giới mới, hoặc giải quyết các mối đe dọa từ những kẻ mị dân theo chủ nghĩa dân túy đối với sự cai trị của pháp luật.
Lý do đầu tiên khiến các nhà lãnh đạo EU bác bỏ yêu cầu gia hạn của bà May là sẽ chẳng có gì thay đổi. Giả sử hạn chót theo Điều 50 sẽ được gia hạn và một cuộc trưng cầu dân ý khác được tổ chức, thì chiến dịch Ở lại phiên bản 2.0 “Không phải tôi, mà chính là anh” của Anh có thể giành chiến thắng với tỷ lệ chênh lệch ít ỏi? Những thói quen hung hăng cũ của Anh sẽ quay trở lại và còn mạnh mẽ hơn. Vị thủ tướng tiếp theo sẽ yêu cầu: “Hãy trao cho chúng tôi thỏa thuận đặc biệt mà chúng tôi đòi hỏi, hoặc chúng tôi sẽ không thể ngăn được người dân; họ sẽ yêu cầu phải có một cuộc trưng cầu dân ý khác”.
Thứ hai, một chính phủ mới của Anh có khả năng sử dụng quyền lực và tầm ảnh hưởng từ tư cách thành viên của mình để làm điều gì? Cái gọi là cải cách mà rất có thể họ đang tìm kiếm (chẳng hạn như của Nick Clegg và Tony Blair đề xuất) là cải cách đối với quyền tự do đi lại. Điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những đảng dân túy ở phía Tây Bắc châu Âu muốn khơi lại vấn đề về lao động giá rẻ.
Anh muốn có khả năng biến câu hỏi vốn gây chia rẽ này thành một vũ khí trong nền chính trị nội bộ EU. Nó sẽ không chỉ khoét thêm những rạn nứt giữa các nước Tây Bắc châu Âu, nơi người dân châu Âu đòi hỏi được trả lương cao hơn và nhiều cơ hội hơn, và các nước phía Nam và phía Đông, nơi xuất thân của họ. Điều quan trọng là nó còn trao cho những người theo chủ nghĩa dân túy chống EU một cơ hội để chia rẽ châu Âu hơn nữa. Vì những lý do ích kỷ riêng, Anh sẽ thúc đẩy nghị trình của châu Âu hướng đến những vấn đề nảy sinh trong lãnh thổ của những kẻ dân túy theo chủ nghĩa dân tộc này.
Hơn nữa, theo quyết định của Thủ tướng Anh rằng các nghị sĩ đảng Bảo thủ trong Nghị viện châu Âu phải bỏ phiếu bảo vệ Thủ tướng Hungary Orban trước quy trình tố tụng theo Điều 7 của EU về pháp trị, London đã cho thấy họ không chỉ sẵn sàng tấn công quyền của các nước Đông Âu từ trong nước, mà còn sẵn sàng chống lại họ trên toàn EU.
Anh muốn nói rằng EU không nhất thiết phải phức tạp đến vậy. Nhưng phần lớn sự phức tạp của nó – một trụ cột riêng về tư pháp và công việc nội bộ; sự tồn tại của Schengen với tư cách một khu vực riêng biệt thay vì quyền tự do đi lại xuyên biên giới trên toàn EU; chỉ một số quốc gia được là thành viên của Khu vực đồng euro; Hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) thay vì một cao ủy quốc phòng đơn giản trên toàn EU – đều là sản phẩm của Anh. Các nước khác đã rút khỏi một vài trong số các kế hoạch này, nhưng chỉ có Anh đã đứng bên ngoài tất cả.
Chính phủ Anh hiện đổ lỗi cho EU vì sự phức tạp được sinh ra nhằm xoa dịu Anh ngay từ đầu. Trích lời Janet Daley, nhà bình luận hàng đầu có thái độ hoài nghi châu Âu, nước Anh khi quay lại sẽ tự tôi luyện để “phá vỡ châu Âu”.
Cuối cùng là vấn đề liên minh của phương Tây. Sẽ tốt hơn nhiều đối với Anh nếu nước này, vốn không thoải mái với các dàn xếp chính trị và kinh tế của EU, rời khỏi EU và tự tìm cho mình một vai trò mới, đồng thời tiếp tục hỗ trợ liên minh của phương Tây với tư cách một trụ cột độc lập (dù nhỏ) – có thể thông qua Hội đồng an ninh châu Âu hoặc một thể chế tương tự. Tốt hơn hết họ nên trở thành một người láng giềng tốt thay vì là một thành viên bất mãn và ngoan cố.
Tác giả muốn Anh hoàn toàn tận tâm tham gia quá trình thống nhất cái mà xét cho cùng vẫn là lục địa của họ. Nhưng điều đó không có mặt trong ván bài này. Tốt hơn hết là Anh nên rời khỏi EU, dựa trên những điều khoản được liệt kê theo thứ tự trong thỏa thuận của Theresa May, và tận dụng giai đoạn chuyển tiếp để đàm phán về một mối quan hệ ổn định hơn trong tương lai, thay vì quay trở lại với tư cách tù nhân bị giam lỏng quyết tâm phá vỡ nơi mà họ coi như ngục tù.
Đừng tốn thời gian vào một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai mang tính chia rẽ, mà ngay cả nếu phe Ở lại giành chiến thắng thì sẽ chỉ tiếp tục bi kịch tâm lý của Anh. Không cần phải có thêm thời gian, có chăng chỉ dành cho các tiểu tiết về kỹ thuật. 27 nước EU cần phải từ chối việc Anh kéo dài thời gian gia hạn vì lợi ích của chính họ và của Anh, theo TTXVN.
Advertisement
Advertisement