21/10/2019 15:57
Thủ Thiêm - Ứng cử viên số một trở thành trung tâm tài chính của TP.HCM
Đó là nhận định của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Fulbright.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Thủ Thiêm có thể là ứng cử viên số một để trở thành trung tâm tài chính của TP.HCM vì nó là nơi kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, trung tâm tài chính kinh tế quận 2, gần với quận 1, nơi có các nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao...
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, TP.HCM đang đứng trước cơ hội quan trọng để trở thành trung tâm kinh tế tài chính quốc gia sau đó là khu vực và vươn lên tầm quốc tế. Trước hết đây là khu vực kinh tế hết sức năng động, là trung tâm kinh tế tài chính, cửa ngõ giao thương cả Việt Nam đối với khu vực
Về vị trí địa lý, TP.HCM nằm ở giao điểm, mà với bán kính 3 tiếng đồng hồ bay có thể kết nối được tất cả các trung tâm kinh tế lớn, thủ đô lớn của khu vực Đông Nam Á và các trung tâm kinh tế tài chính như Hồng Kông hay Thượng Hải…
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh Giám đốc Trường Fulbright. |
TP.HCM là một trong những nơi luôn đi tiên phong trong cải cách, đổi mới chính sách trong cả nước. Thực tế là nền kinh tế TP.HCM trong những năm qua tăng trưởng rất nhanh, hơn thế nữa Việt Nam cũng đang nằm trong việc tăng trưởng kinh tế cao, đây là bệ đỡ, nền tảng rất quan trọng để trung tâm tài chính phát triển.
Nếu nhìn ra thế giới thì các trung tâm tài chính thế giới đang có những thay đổi như sự kiện Brexit ở London, sự bất ổn ở Hồng Kông... tạo điều kiện cho sự chuyển dịch đầu tư của các trung tâm tài chính và TP.HCM nếu chuẩn bị đầy đủ, có những chính sách chiến lược tạo nền tảng bức phá sẽ thu hút được một phần sự chuyển dịch của các trung tâm tài chính đó.
Một điều không thể bỏ qua là công nghệ, cách mạng 4.0 đang diễn ra, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, những biến đổi mới về công nghệ sẽ thay đổi giao dịch, bức tranh về tài chính toàn cầu.
Nếu TP.HCM có quyết tâm và được hỗ trợ đầy đủ của chính sách từ trung ương, chúng ta hoàn toàn có thể bứt phá được. Chúng ta có thiên thời địa lợi nhân hòa, chúng ta có cơ sở tương đối thuận lợi và vấn đề còn lại là làm thế nào để biến cơ hội đó thành hiện thực.
Nếu chúng ta không có một cơ chế riêng, sự hậu thuẫn về chính sách và chiến lược từ Trung ương cho TP.HCM thành trung tâm tài chính kinh tế quốc gia thì rất khó để thực hiện.
Ví dụ như các vấn đề liên quan đến tự do hóa tài khoản vốn, quyền sở hữu từ các nhà đầu tư nước ngoài, liên quan đến thuế về các giao dịch tài chính.... nếu Trung ương không xem đây là một dự án nằm trong một phần chiến lược tăng trưởng của quốc gia.
Thủ Thiêm ứng cử viên số một trở thành trung tâm tài chính của TP.HCM. |
Vì vậy TP.HCM phải trở thành trọng điểm chiến lược ưu tiên phát triển kinh tế quốc gia, trong việc phát triển thị trường tài chính. Sau khi có đường hướng chiến lược chung thì sẽ triển khai những chính sách cụ thể, kế hoạch tạo điều kiện để TP.HCM có một cơ sở hạ tầng tốt, có nguồn lực đủ để phát triển được điều kiện cần thiết cho trung tâm tài chính, còn ngân hàng nhà nước cần có một lộ trình tiến đến tự do hóa tài khoản vốn cũng như làm cho đồng tiền Việt Nam ngày càng có tính quốc tế hóa có thể chuyển đổi được.
Về các bộ ngành khác như Bộ Công Thương liên quan đến xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho thành phố Hồ Chí Minh trở thành cửa ngõ để xuất khẩu và giao thương quốc tế. Nó đòi hỏi một sự đồng bộ và toàn diện từ nhiều phía từ chính sách của Trung ương cho tới các bộ ngành của địa phương thì mới tận dụng được cơ hội từ phía khu vực và quốc tế mang lại.
Bên cạnh đó có một điều chúng ta nên nhớ là có rất nhiều những trung tâm tài chính của thế giới, rất nhiều thủ đô, và khu vực trên thế giới đều muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế; điều đó có nghĩa TP.HCM đang đối diện với một từ cạnh tranh gay gắt.
Và nếu như chúng ta đang bị cạnh tranh mà lại đi sau, đi những con đường lối mòn, truyền thống thì rất khó để bứt phá vì vậy TP.HCM cần chọn cho mình các lối đi khác biệt: tìm ra được những thị trường ngách, cụ thể là nhìn ra được lợi thế bản thân TP.HCM là cửa ngõ giao thương của miền Đông và Tây Nam bộ, vùng Tây Nguyên, nếu như chúng ta nhìn vào giao dịch hàng hóa như cà phê, tiêu, điều, cá, gạo, nông sản, thì TP.HCM có thể tận dụng lợi thế của của vùng mang lại.
Thứ hai là chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng, đang ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính, nó sẽ làm thay đổi diện mạo của thị trường tài chính 10-15 năm tới. Nếu chúng ta không bắt kịp làn sóng này để vượt lên trên thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội.
TP.HCM bên cạnh việc tìm ra những thị trường ngách thì phải hòa mình vào những dòng trào lưu của quốc tế đến công nghệ, chớp cơ hội sự dịch chuyển của các vùng kinh tế và các dòng vốn đang diễn ra, dựa vào nền tảng khu vực Đông Nam Á và Châu á đang trở thành trụ cột kinh tế của thế giới.
Nếu chúng ta làm tốt những điều này thì TP.HCM sẽ là trung tâm thí điểm của cả nước về tài chính. TP.HCM từ 10 đến 15 năm nữa sẽ là trung tâm tài chính của khu vực và từ 25 đến 30 năm nữa sẽ vươn mình ra quốc tế.
Advertisement
Advertisement