09/12/2024 08:27
Thổi niềm hy vọng mới
Sau 50 phiên giao dịch với thanh khoản giảm dần, sự đột phá của phiên ngày thứ Năm tuần qua (5/12) rõ ràng là làn gió thổi vào niềm hy vọng mới.
Vĩ mô tiếp tục tích cực
Tháng 11/2024, kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, với nhiều điểm sáng tích cực. Lạm phát tăng nhẹ 2,77% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá nhà ở và điện tăng, nhưng vẫn nằm trong kiểm soát, tạo dư địa cho tháng cuối năm.
Dòng vốn FDI là động lực quan trọng khi tổng vốn đăng ký 11 tháng đầu năm đạt 31,38 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tháng 11 ghi nhận mức thực hiện 4,12 tỷ USD. Ngành chế biến, chế tạo chiếm ưu thế, với 64,4% tổng vốn.
Cán cân thương mại xuất siêu 24,31 tỷ USD trong 11 tháng, dù triển vọng năm 2025 có thể chịu tác động từ chính sách thương mại toàn cầu.
Khu vực tiêu dùng và sản xuất ghi nhận những cải thiện. Doanh thu bán lẻ tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh nhu cầu nội địa hồi phục. Chỉ số PMI đạt 50,8 điểm, duy trì trạng thái mở rộng, nhưng nhu cầu quốc tế yếu vẫn là lực cản.
Đến cuối tháng 11, tỷ giá USD/VND giữ ở mức cao 25.400 nhờ chính sách linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất huy động tăng lên 4,98%/năm để đảm bảo thanh khoản, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 11,1% so với đầu năm, chậm lại do kiểm soát chất lượng tài sản và nhu cầu yếu.
Tổng quan, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng cần giải quyết các tồn tại như giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng tín dụng chậm.
Tuần mới với nhiều dư địa mới
Sau 50 phiên giao dịch với thanh khoản giảm dần, sự đột phá của phiên ngày thứ Năm tuần qua (5/12) rõ ràng là làn gió thổi vào niềm hy vọng mới.
Khởi đầu từ nhóm chứng khoán, với các cổ phiếu như HCM và SSI, khối lượng giao dịch VN-Index bùng nổ cao hơn 60% so với trung bình 20 phiên và tiếp tục duy trì mặt bằng cao sang phiên cuối tuần.
Một số cổ phiếu ngân hàng như CTG đã ngấp nghé mức kỷ lục, trong khi dư địa tăng của ngành dẫn dắt như chứng khoán được đo lường trung bình khoảng 10%. Sức mạnh dòng tiền và dư địa định giá của nhóm dẫn dắt vẫn còn.
Một yếu tố khác đáng chú ý là sự chủ động đến bất ngờ của dòng tiền tổ chức, với nhóm tự doanh mua ròng 957 tỷ đồng trong phiên 5/12 và khối ngoại là hơn 1.000 tỷ đồng trong hai phiên 5 - 6/12.
Ngoài các thông tin vĩ mô, bối cảnh đầu tư trong tuần này tương đối tích cực. Cụ thể, trên liên thị trường, các chỉ số chứng khoán lớn như S&P500 duy trì đà tăng vượt đỉnh thời đại, tương tự là đà tăng của một số loại tài sản có tính đầu cơ như Bitcoin.
Các chỉ báo rủi ro trong nước như trái phiếu chính phủ và nước ngoài như VIX của SP500, đều đang phản ánh tâm lý bình tĩnh của những “tay chơi” lớn trên thị trường đầu tư.
DSC chưa kỳ vọng sự bùng nổ liên tục của thị trường, nhưng đà tăng về vùng cản 1.290 - 1.300 điểm là hoàn toàn có cơ sở trong tháng cuối năm 2024.
* Bài viết được cung cấp bởi Công ty cổ phần Chứng khoán DSC
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp