30/08/2018 05:08
Thị trường Trung Quốc "ăn" nhiều nhưng ngày càng trở nên rất "kén"
Rất nhiều điểm yếu của nông sản Việt Nam được chính những người Trung Quốc chỉ ra trong một hội nghị diễn ra gần đây tại TP.HCM.
Ông Vĩ Tích Thành, Tham tán thương mại và kinh tế Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, chỉ ra hàng loạt điểm yếu hàng Việt khi xuất khẩu vào Trung Quốc.
Ông Thành cho rằng, lợi thế về đường biên giới hai nước không được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tận dụng hợp lý, khi có đến hơn 60% hàng hóa nông sản Việt Nam như thanh long, gạo, cá ba sa, hạt điều, cà phê… đi qua con đường tiểu ngạch.
Điều này ảnh hưởng đến cách nhìn của người tiêu dùng Trung Quốc, khi đánh giá chất lượng nông sản từ Việt Nam. Xu hướng tiêu dùng tại Trung Quốc hiện đã chuyển từ ăn no sang ăn ngon. Đó còn chưa kể tới rủi ro từ xuất khẩu tiểu ngạch không bền vững, rủi ro rất cao về thanh toán, giao nhận hàng hóa. Cả bên mua lẫn bên bán đều không biết chính xác nhu cầu, nên nông dân sản xuất ồ ạt một sản phẩm nông nghiệp nhưng thương lái lại không thu mua. Tình trạng này dẫn đến tình trạng nông sản Việt Nam được mùa thì lại mất giá, phải triền miên giải cứu, thậm chí phải đổ bỏ.
Hiện chỉ có cá tra xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc một cách bài bản, nhờ có sự tham gia của nhiều DN lớn. |
Ông Rocky Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc khu vực Đông Nam Á, cho hay 99% thanh long tại thị trường nước này đều được nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng người tiêu dùng Trung Quốc lại không biết. Ngay cả ở các thành phố lớn không có ấn tượng sâu sắc về hàng nông sản Việt Nam. Nguyên nhân do DN Việt Nam không quảng bá sản phẩm và chưa đưa nhiều sản phẩm có chất lượng tốt vào Trung Quốc.
Theo ông Lê Thanh Hòa, đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT, nhiều nông sản Việt Nam chưa thể xuất khẩu chính ngạch vì liên quan đến các vấn đề như đàm phán của chính phủ hai nước về thủ tục, kiểm dịch… chưa đạt được thỏa thuận. Hiện mới chỉ có bưởi da xanh, khoai lang mới hoàn thành đàm phán để có thể xuất chính ngạch trong thời gian tới.
Ông Vũ Tiến Hùng, Trưởng Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc), thừa nhận nhiều DN trong nước tưởng mình hiểu rõ thị trường Trung Quốc, nhưng thực tế lại chưa có nhiều thông tin về thị trường này. Có đến 7 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước này, nhưng rất ít khi được các DN trong nước liên hệ để nhận hỗ trợ về chính sách, thủ tục xuất khẩu, mặc dù được tư vấn miễn phí. Thậm chí còn có thể giúp DN kết nối với các cơ quan chức năng chuyên trách của Trung Quốc để hưởng được các ưu đãi tốt nhất.
Advertisement
Advertisement