30/06/2022 07:12
Thị trường nông sản 30/6: Giá tiêu, cao su lặng sóng, cà phê phục hồi
Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận giá tiêu, cao su ít biến động trong khi đó giá cà phê có xu hướng phục hồi theo giá thế giới.
Giá cà phê phục hồi
Giá cà phê hôm nay 30/6 giao dịch trong khoảng 42.500 - 43.000 đồng/kg. Cụ thể tại Lâm Đồng: 42.500 đồng/kg, Đắk Lắk: 43.000 đồng/kg, Đắk Nông: 42.800 đồng/kg, Gia Lai: 42.900 đồng/kg, Kon Tum: 42.900 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2022 tăng 23 USD/tấn ở mức 2.034 USD/tấn, giao tháng 9/2022 tăng 32 USD/tấn ở mức 2.049 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2022 tăng 10,75 cent/lb, ở mức 232,65 cent/lb, giao tháng 9/2022 tăng 10,5 cent/lb, ở mức 228,25 cent/lb.
Trong tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.278 USD/ tấn, giảm 1,0% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 21,9% so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.250 USD/tấn, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 5/2022 so với tháng 5/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và Philippines giảm mạnh. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.
Trong 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Mỹ, Philippines và Trung Quốc.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang Bỉ tăng 261% về lượng và tăng 349,7% về trị giá; sang Anh tăng 130,3% về lượng và tăng 178,6% về trị giá, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Giá tiêu đi ngang
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 69.000 – 72.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai, thấp nhất thị trường khi ở mức 69.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk: 70.500 đồng/kg; Bình Phước: 71.000 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.000 đồng/kg.
Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 4 nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất thế giới, chiếm hơn 90% thương mại toàn cầu. Trong đó, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 50% lượng tiêu thụ toàn cầu.
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong tuần trước (20/6 - 24/6) thị trường cho thấy phản ứng trái chiều, chỉ có giá tiêu đen xuất khẩu Việt Nam ghi nhận sự gia tăng
Cụ thể, tại khu vực Nam Á, giá tiêu Ấn Độ tiếp tục giảm. Tiêu đen nội địa của quốc gia này giảm 1%, từ 6.257 xuống 6.219 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Kochi giảm tương ứng, từ 6.513 xuống 6.475 USD/tấn.
Còn tại Sri Lanka, giá tiêu ổn định sau nhiều phiên giảm trước đó. Tiêu đen nội địa của quốc gia này từ 4.781 - 4.785 USD/tấn.
Cũng theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tuần trước chỉ có giá tiêu Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc ghi nhận sự gia tăng. Trong khi đó, giá tiêu nội địa Việt Nam cho thấy chiều hướng giảm. Cụ thể, giá tiêu đen trong nước giảm 3%, từ 3.178 xuống 3.097 USD/tấn; tiêu trắng nội địa giảm 4%, từ 4.839 xuống 4.624 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng TP Hồ Chí Minh tăng 1%, từ 3.700 lên 3.740 USD/tấn với loại 500g/l; giá FOB tiêu trắng tại cảng TP Hồ Chí Minh tăng 1%, từ 5.750 lên 5.790 USD/tấn.
Ở Đông Nam Á, giá tiêu Indonesia tiếp tục giảm trong tuần này do đồng Rupial Indonesia giảm 1% so với USD (14.836 IDR/USD) và các nhà xuất khẩu cũng như thương lái khó tiếp cận nguồn hàng từ nông dân Cụ thể, tiêu đen nội địa của quốc gia này giảm 1%, từ 3.086 xuống 3.067 USD/tấn; tiêu trắng giảm 2%, từ 5.460 xuống 5.359 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Lampung giảm 1%, từ 3.683 xuống 3.660 USD/tấn; giá FOB tiêu trắng tại cảng Pinang giảm 2%, từ 6.312 xuống 6.197 USD/tấn.
Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu sẽ tăng 2-3%/năm sau năm 2030 và có thể đạt mức 1 triệu tấn vào năm 2050. Để giữ được vị thế như hiện nay, trong khi thị trường tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới ngày càng đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, các chuyên gia cho rằng, cần phải có chiến lược cải tiến sâu rộng cả về tổ chức nông dân, kỹ thuật canh tác đến chế biến và tiêu thụ.
Giá cao su tăng giảm trái chiều
Giá cao su hôm nay biến động trái chiều tại thị trường châu Á. Giá cao su Nhật Bản giảm mạnh trong khi sàn Thượng Hải tăng nhẹ.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su hôm nay kỳ hạn tháng 9/2022, giảm mạnh xuống mức 257,3 JPY/kg, giảm mạnh 1,1 yên, tương đương 0,43%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Thượng Hải tăng nhẹ 5 CNY, ghi nhận 12.725 CNY/tấn, tương đương 0,04%.
Giá cao su trên thị trường châu Á biến động trái chiều. Theo đó, giá cao su tại Nhật Bản giảm theo xu hướng cổ phiếu Châu Á giảm và do giá cao su nguyên liệu của Thái Lan giảm, song đà giảm được hạn chế bởi đồng JPY yếu và hy vọng Mỹ có thể cắt giảm một số thuế quan đối với Trung Quốc.
Đồng JPY suy yếu khiến tài sản định giá bằng đồng JPY trở nên phải chăng hơn khi được mua bằng các loại tiền tệ khác.
Giá mủ cao su của Thái Lan xuống mức thấp nhất kể từ ngày 28/1 do đang mùa cao điểm ở Thái Lan tức là nguồn cung cao trong vài tuần.
Trong tháng 4/2022, Malaysia nhập khẩu 106,93 nghìn tấn cao su tự nhiên, giảm 10,9% so với tháng 3/2022 và giảm 4,9% so với tháng 4/2021.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, Malaysia nhập khẩu 479,61 nghìn tấn cao su tự nhiên, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa của Malaysia trong tháng 4/2022 đạt 42,36 nghìn tấn, giảm 5,1% so với tháng 3/2022 và giảm 10% so với tháng 4/2021.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp