28/06/2022 08:05
Thị trường nông sản 28/6: Giá cà phê, cao su bật tăng, hồ tiêu lặng sóng
Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận giá cao su, cà phê bật tăng trong khi đó giá hồ tiêu vẫn đi ngang chờ thị trường khởi sắc.
Giá cà phê tăng nhẹ
Giá cà phê hôm nay tăng nhẹ dao động khoảng 42.600 - 43.100 đồng/kg. Cụ thể tại Lâm Đồng: 42.600 đồng/kg, Đắk Lắk: 43.100 đồng/kg, Đắk Nông: 43.000 đồng/kg, Gia Lai; 43.000 đồng/kg, Kon Tum: 42.900 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2022 tăng 17 USD/tấn ở mức 2.044 USD/tấn, giao tháng 9/2022 giảm 4 USD/tấn ở mức 2.040 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2022 giảm 0,6 cent/lb, ở mức 226 cent/lb, giao tháng 9/2022 giảm 1,15 cent/lb, ở mức 222,1 cent/lb.
Trong phiên giao dịch đầu tiên tuần này, giá cà phê Arabica tiếp tục chuỗi giảm, nhưng mức độ đã nhẹ hơn, trong khi Robusta lấy lại được đà tăng ở hạn mức giao hàng tháng 7/2022.
6 tháng đầu năm 2022 đã qua đi, thị trường cà phê thế giới đã liên tục biến động không ngừng từ đầu năm. Từ mốc giá 2.300 - 2.400 USD/tấn trên sàn London, hiện giá Robusta chỉ dao động quanh mức 2.100 USD/tấn.
Các yếu tố đang ảnh hưởng mạnh đến giá cà phê thế giới thời điểm này, gồm: Vụ thu hoạch tại Brazil được mùa và sản lượng toàn cầu tăng như Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán trong một báo cáo tuần trước; Lạm phát toàn cầu dẫn đến tiêu thụ sụt giảm; Ngân hàng các nước tăng lãi suất. Tỷ giá đồng USD tăng kỷ lục, đồng nội tệ các nước xuất khẩu giảm dẫn đến việc nông dân bán hàng mạnh, kéo theo giá cà phê đi xuống. Cũng theo vị chuyên gia, giá cước vận tải biển đang vẫn rất cao ảnh hưởng đến giá cà phê 2 sàn.
Có hai biến số quan trọng có thể làm thay đổi giá cà phê phái sinh từ nay đến cuối năm như sau, đó là tỷ lệ tăng lãi suất điều hành đồng USD nhiều hay ít và yếu tố thời tiết tại Brazil.
Hai tác động này triệt tiêu lẫn nhau. Thông tin thời tiết tại các vùng cà phê Brazil đa phần sẽ kích giá hai sàn cà phê tăng mạnh. Nhưng tùy theo độ chính xác của tin thời tiết mà biến động giá có bền hay không. Trong khi đó, tỷ lệ phần trăm tăng lãi suất điều hành USD khiến các doanh nghiệp dè dặt mỗi khi quyết định mua hàng, giảm trữ lâu mà chỉ mua đủ để giải quyết những hợp đồng tồn đọng.
Thị trường cà phê với tư cách hàng hóa không còn hoạt động như xưa. Độ bền tăng giá trước đây tính theo quý, theo năm thì nay theo ngày theo tuần. Thị trường vốn và lãi suất bằng đồng USD không cho phép trữ hàng lâu. Đó cũng là nguyên nhân làm giá cà phê và nhiều mặt hàng khác biến động mạnh và thất thường, mà cho đến nay chưa thể đoán được lúc nào tình trạng này mới chấm dứt.
Theo Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 5 đã đạt 142.329 tấn (tương đương 2,37 triệu bao, bao 60 kg), giảm 9,6% so với tháng trước, đưa xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022 lên đạt tổng cộng 881.565 tấn (khoảng 14,69 triệu bao), tăng 23,18% so với cùng kỳ năm trước. USDA điều chỉnh ước báo sản lượng của Việt Nam trong niên vụ cà phê sắp tới 2022/2023 từ 31,1 triệu tấn lên 31,58 triệu tấn, trong đó cà phê robusta chiếm 94% tổng sản lượng.
Giá tiêu lặng sóng
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 69.500 – 72.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai, thấp nhất thị trường khi ở mức 69.500 đồng/kg.
Giá tiêu tại Gia Lai: 70.000 đồng/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk: 71.500 đồng/kg; Bình Phước: 71.500 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu:72.500 đồng/kg.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 17 ngày đầu tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu được 13.421 tấn hồ tiêu, trong đó tiêu đen đạt 11.699 tấn, tiêu trắng đạt 1.722 tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 55,7 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 46,3 triệu USD, tiêu trắng đạt 9,4 triệu USD.
Tổng lượng xuất khẩu của 5 doanh nghiệp hàng đầu chiếm 39,8% gồm các doanh nghiệp: Trân Châu, Olam, Phúc Sinh, Nedspice và Haprosimex JSC.
Đáng chú ý, quãng thời gian này ghi nhận lượng nhập khẩu của Trung Quốc đứng đầu đạt 1.603 tấn, tiếp theo là UAE, Singapore và Mỹ.
Như vậy, chỉ sau 17 ngày đầu tháng 6, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc đã cao gấp 6 lần so với chỉ 263 tấn của tháng trước và là mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Theo VPA, việc Trung Quốc thu mua trở lại hy vọng sẽ là tín hiệu khởi sắc khi mà thị trường hồ tiêu trầm lắng trong suốt khoảng thời gian 1,5 tháng vừa qua.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng dự báo thị trường hồ tiêu toàn cầu sẽ khởi sắc trở lại khi một vài thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu gỡ phong tỏa.
Tuy nhiên, giá hạt tiêu thế giới vẫn chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu khiến nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp.
Từ đầu năm đến nay giá tiêu trong nước đã giảm hơn 10% (8.000 – 9.000 đồng/kg), từ 80.000 – 82.000 đồng/kg xuống chỉ còn 70.500 – 73.500 đồng/kg.
Theo VPA, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm là nguyên nhân chính dẫn đến đà đi xuống của giá tiêu thời gian qua. Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng tác động không nhỏ đến thị trường tiêu thụ mặt hàng này.
Việc Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero Covid cũng là nguyên nhân chính dẫn đến giá tiêu giảm khi đây là thị trường nhập khẩu tiêu lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Trên thị trường thế giới, lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu của Brazil đã giảm 20,9% so với cùng kỳ, xuống còn 32.425 tấn. Còn theo Cộng đồng Hồ tiêu thế giới, 4 tháng đầu năm nay, quốc gia này xuất khẩu 27.684 tấn, trị giá đạt 111,6 triệu USD, trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 8.000 tấn tiêu.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, xuất khẩu tiêu của Brazil đột ngột giảm mạnh, còn chưa đến 5.000 tấn.
Đáng chú ý, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Việt Nam tăng mạnh 50%, dù giá bán thấp hơn vài trăm USD so với giá bán của Brazil cho các thị trường như Đức, Ấn Độ, Mỹ...
Điều này cho thấy bức tranh xuất khẩu ảm đạm trên toàn cầu.
Giá cao su bất ngờ tăng mạnh
Giá cao su hôm nay tăng mạnh toàn thị trường châu Á. Giá kỳ hạn trên hai Sàn TOCOM và SHFE cùng tăng không quá 1%.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su hôm nay, kỳ hạn tháng 9/2022, tăng mạnh lên mức 258,0 JPY/kg, tăng mạnh 4,1 yên, tương đương 1,61%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Thượng Hải tăng nhẹ 75 CNY, ghi nhận 12.730 CNY/tấn, tương đương 0,59%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu được 114.150 tấn cao su, trị giá gần 195 triệu USD, tăng 45,7% về lượng và tăng 37,8% về trị giá so với tháng 4.
So với tháng 5/2021 tăng hơn 38% về lượng và tăng hơn 36% về trị giá. Đây là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu cao su tăng so với cùng kỳ nắm ngoái
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 599.430 tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, tăng gần 9% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 5, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.707 USD/tấn, giảm 5,5% so với tháng 4 và giảm 1,5% so với tháng 5/2021.
Cũng trong thời gian này, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 67,2% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước
Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đáng chú ý như: Ấn Độ, Đức, Pakistan, Nga, Indonesia, Brazil, Hà Lan, Peru…
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp