11/06/2022 08:22
Thị trường cà phê, cao su thế giới 'đỏ sàn'
Thị trường nông sản hôm ghi nhận giá các loại nông sản chủ chốt như cà phê, hồ tiêu, cao su đều giảm, đặc biệt là trên các sàn giao dịch quốc tế.
Giá cà phê trên thị trường thế giới giảm mạnh
Giá cà phê tại Lâm Đồng ở mức 41.800 đồng/kg, Đắk Lắk: 42.400 đồng/kg, Đắk Nông: 42.300 đồng/kg, Gia Lai: 42.300 đồng/kg, Kon Tum được thu mua với mức 42.300 đồng/kg.
Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tiếp tục giảm, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 16 USD (0,76%), giao dịch tại 2.077 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 13 USD (0,62%) giao dịch tại 2.095 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 7/2022 quay đầu giảm mạnh 5,75 Cent (2,45%), giao dịch tại 228,9 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 6,0 Cent/lb (2,56%), giao dịch tại 228,8 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, quý II xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng nhờ nguồn cung dồi dào, các Hiệp định thương mại tự do tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, giá cà phê sau khi tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2022, thì sang tháng 3 và tháng 4 có xu hướng giảm do áp lực về nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu thụ giảm trong ngắn hạn do lạm phát tăng cao.
Về dài hạn, giá cà phê được dự báo có nhiều yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là triển vọng cung - cầu. Mới đây, Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 đạt 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ toàn cầu dự kiến đạt 170,3 triệu bao (loại 60 kg), tăng 3,3% so với 164,9 triệu bao của niên vụ 2020-2021. Với dự báo này, thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.
Giá tiêu trong nước đi ngang
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 71.500 – 75.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 71.500 đồng/kg, Đắk Nông, Đắk Lắk: 72.500 đồng/kg; Bình Phước: 73.500 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 75.000 đồng/kg.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, trong tháng 5, giới đầu cơ liên tục bán ra, trong khi nhu cầu của thị trường nước ngoài vào thời điểm này không cao khiến giá tiêu đen giảm khoảng 7-8%, dao động trong khoảng 70.000-73.000 đồng/kg.
Hiện vẫn đang là thời điểm giao nhận hàng đã ký từ năm ngoái nên khách hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng mới. Điều đó dẫn đến việc các nhà xuất khẩu của Việt Nam không mua hàng tích trữ khiến giá hạt tiêu giảm.
Với diễn biến giá tiêu tăng không lại với giá các mặt hàng nguyên vật liệu hiện nay, thì việc đầu tư cho vụ mới của nông tiêu sẽ bị hạn chế. Người nông dân tiếp tục không đầu tư sẽ khiến các vườn tiêu cho năng suất thấp, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng chung vụ 2022 - 2023.
Hiện tại, khu vực Tây Nguyên đang ở cao điểm mùa mưa, với lượng mưa lớn, độ ẩm cao. Điều này dễ phát sinh sâu bệnh, dịch hại trên các loại cây trồng. Do đó, nông dân các địa phương đang tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cây theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Đối với hồ tiêu hiện đang giai đoạn phân hóa mầm hoa, đậu quả non, nếu chăm sóc không tốt dễ mất mùa. Ngành nông nghiệp lưu ý bà con cần thực hiện các biện pháp tỉa cành che bóng, cắt bỏ cành chạm đất, đào rãnh thoát nước.
Các đối tượng gây hại hồ tiêu nhiều trong những tháng mùa mưa đều nguy hiểm như: Tuyến trùng, chết nhanh, chết chậm... Do đó, bà con cần tập trung phòng, ngừa có hiệu quả các loại dịch bệnh này.
Theo các chuyên gia, để ngành hồ tiêu dần dần khôi phục trở lại vị thế nhưng trước đây, đồng nghĩa với việc toàn ngành có một quy hoạch rõ ràng về diện tích sản xuất, chất lượng, cũng như nắm rõ thông tin sản xuất hồ tiêu của các quốc gia khác, cân bằng được lượng cung cầu, tránh tình trạng sản xuất theo phong trào để rồi chặt bỏ, chuyển đổi như những năm qua.
Giá cao su "đỏ sàn"
Giá cao su đồng loạt giảm mạnh toàn thị trường châu Á. Giá tại Nhật Bản xuống thấp do đồng JPY suy yếu.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 10/6/2022, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 10/2022, giảm mạnh xuống mức 263,0 JPY/kg, giảm 0,8 JPY, tương đương 0,30%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Thượng Hải giảm mạnh 40 CNY, ghi nhận 13.180 CNY/tấn, tương đương 0,30%.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay tiếp tục xuống dốc do đồng JPY suy yếu và chứng khoán Tokyo tăng mạnh.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn SICOM Singapore tăng 0,4% lên ở 166,8 US cent/kg.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt khoảng 110 nghìn tấn, trị giá 181 triệu USD, tăng mạnh 40,4% về lượng và tăng 27,9% về trị giá so với tháng 4/2022; so với tháng 5/2021 tăng 33,1% về lượng và tăng 26,4% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân trong tháng 5/2022 đạt 1.645 USD/tấn, giảm 8,9% so với tháng 4/2022 và giảm 5% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 595 nghìn tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280), SVR3L, SVR10, Latex, RSS3, SVRCV60… Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 60,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 291,83 nghìn tấn, trị giá 508,25 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 209,88 nghìn tấn, trị giá 505,99 triệu USD, tăng 13,6% về lượng và tăng 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn chung trong 4 tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Cao su tổng hợp, cao su hỗn hợp (HS: 4005), SVR20, Skim block, SVR10, RSS3... tuy nhiên các chủng loại này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Về giá xuất khẩu: Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: SVR10, cao su tổng hợp, SVR20, SVR5…
Trong tháng 5/2022, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á biến động mạnh, giá có xu hướng tăng trở lại kể từ giữa tháng do lo ngại về nguồn cung giảm, nhu cầu tăng.
Tuy nhiên, trong tháng 5/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước lại giảm nhẹ so với cuối tháng 4/2022. Tại Bình Phước, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 305-345 đồng/TCS. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 340 đồng/TSC. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 305-315 đồng/ TSC, giảm nhẹ so với cuối tháng 4/2022.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp