31/05/2023 09:09
Thị phần sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc tăng mạnh, người Thái lo sợ mất ngôi 'quán quân'
Theo đánh giá, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế hơn hẳn các nước láng giềng khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia.
Sầu riêng đã nhanh chóng trở thành loại trái cây nhập khẩu phổ biến nhất ở thị trường hơn 1 tỷ dân. Theo South China Morning Post, (SCMP), các thành phố biên giới giáp với Việt Nam đang đẩy mạnh công tác hậu cần để đảm bảo nguồn cung trái cây tươi có thể đến bất kỳ thành phố nào ở Trung Quốc trong 1-3 ngày.
Khi Bắc Kinh mở cửa cho sầu riêng tươi từ Việt Nam vào tháng 9/2022, ông Vương Bân đã chớp lấy cơ hội.
Nhà nhập khẩu trái cây ở miền nam Trung Quốc TWT Supply China kể từ đó đã đạt được thỏa thuận với các trang trại sầu riêng Việt Nam có tổng diện tích trồng khoảng 3.000 ha và ông đang tiếp tục đặt hàng nhiều nhất có thể.
"Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi sẽ nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương 60.000 tấn sầu riêng Việt Nam trong năm nay để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc, gấp ba lần lượng nhập khẩu của tôi từ Thái Lan", ông Vương Bân cho biết. Theo SCMP, TWT Supply China có hơn 3.000 tài xế xe tải tự sở hữu và hợp đồng trên toàn quốc.
Sầu riêng đã nhanh chóng trở thành loại trái cây nhập khẩu phổ biến nhất ở Trung Quốc. Bất chấp các biện pháp kiểm soát nhập khẩu hết sức hạn chế trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã nhập khẩu lượng sầu riêng nhiều gấp 4 lần vào năm 2022 so với năm 2017, nâng tổng giá trị lên hơn 4 tỷ USD.
"Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 820.000 tấn sầu riêng. Và chúng tôi khá tự tin rằng tổng lượng nhập khẩu sẽ dễ dàng đạt hoặc vượt 900.000 tấn trong năm nay", ông Bân cho biết.
Sầu riêng từ Thái Lan vốn đã thống trị thị trường Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng sự thống trị đó đang bị thách thức do dòng sầu riêng từ Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á đang gia tăng, trong đó Malaysia và Philippines cũng đang tìm cách mở rộng nhập khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
"Nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định trong năm nay, trong khi thị phần sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc sẽ bùng nổ", ông Bân nói, và cho biết thêm rằng vào năm 2022, 780.000 tấn sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc là từ Thái Lan.
Một nhà bán lẻ trái cây Trung Quốc giải thích: "Sầu riêng Thái Lan tuy đắt nhưng ngon và mọng hơn, trong khi sầu riêng Việt Nam nhanh chóng được đón nhận vì giá rẻ hơn".
Ông Bân cũng lưu ý tương tự rằng sầu riêng Việt Nam rẻ hơn khoảng 15% so với sầu riêng Thái Lan.
Tiềm năng thị trường ngày càng tăng đối với sầu riêng ở Trung Quốc đã thúc đẩy các thành phố ở khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây tăng cường công tác hậu cần để tạo thuận lợi cho nhập khẩu từ nước láng giềng Việt Nam.
Liu Yeke, phó giám đốc văn phòng cải cách và phát triển của thành phố, cho biết Chongzuo, một thành phố biên giới ở Quảng Tây, đang xây dựng một trung tâm hậu cần tiên tiến với kho lạnh và cơ sở chế biến thực phẩm để cải thiện quy trình nhập khẩu.
Ông cho biết giai đoạn đầu tư đầu tiên sẽ đạt khoảng 1,8 tỷ nhân dân tệ (254 triệu USD) và sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2025.
Công tác chuẩn bị này sẽ cho phép sầu riêng Việt Nam đến bất kỳ thành phố nào ở Trung Quốc trong 1-3 ngày,
Đáng chú ý, tờ SCMP dẫn nguồn tin từ các quan chức địa phương và thương nhân Trung Quốc, rằng giới thương nhân đang kỳ vọng sức tiêu thụ sầu riêng sẽ tăng mạnh.
Kể từ tháng 4, mỗi ngày có hai chuyến tàu chở hàng xuyên biên giới vận chuyển trái cây Việt Nam qua thị trấn biên giới Pingxiang, do Chongzuo quản lý, theo Huang Wenhan, giám sát viên hàng hóa của chi nhánh Pingxiang thuộc Tập đoàn Cục Đường sắt Nam Ninh Trung Quốc.
"Hầu hết các loại trái cây được vận chuyển là sầu riêng và măng cụt, vì chúng mang lại lợi nhuận cao nhất trong số các loại trái cây nhiệt đới", ông Huang nói.
Ông Huang cho biết thêm, thông thường chỉ mất một hoặc hai giờ để hoàn thành các thủ tục nhập cảnh và đặt trái cây lên các xe tải trong dây chuyền lạnh, sau đó có thể đến các siêu thị trên toàn quốc trong vòng chưa đầy ba ngày.
Ông Trần Tiêu Giám đốc Trung tâm Dịch vụ cảng Đông Hưng ở Quảng Tây, cũng kỳ vọng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam trong năm nay.
"Trước đây, cảng của chúng tôi chủ yếu nhập hải sản, nhưng năm nay nhập sầu riêng đang tăng nhanh. Bây giờ đang là mùa cao điểm của sầu riêng Việt Nam, và hàng chục xe tải lớn chở đầy sầu riêng cập cảng Đông Hưng mỗi ngày", ông Tiêu nói.
Cảng Đông Hưng được kết nối với Móng Cái của Việt Nam bằng hai cây cầu bắc qua sông Beilun, nằm ở biên giới.
Ông Châu một người Việt Nam điều hành một trang trại trái cây nhỏ gần TP.HCM, cho biết người Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư vào các trang trại trồng sầu riêng ở quê hương anh.
Ông Châu cho biết: "Nhiều nông dân trồng trái cây ở Việt Nam đang chuyển hướng sang trồng sầu riêng vì nó mang lại lợi nhuận cao hơn do thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng".
Trong khi đó, nhà nhập khẩu trái cây TWT Supply China, ông Vương Bân kỳ vọng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại sầu riêng trong tương lai và các thỏa thuận được thực hiện thông qua hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này cũng có thể dẫn đến việc nhiều nước ASEAN như Indonesia, đặc biệt là Việt Nam trở thành nhà cung cấp sầu riêng lớn cho Trung Quốc.
Gần 60.000 tấn sầu riêng xuất sang thị trường Trung Quốc
Theo số liệu từ đầu năm 2023 đến ngày 30/5, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã làm thủ tục thông quan cho 1.601 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn.
Trong đó, chỉ riêng tháng 5/2023, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã đạt hơn 17.500 tấn.
Hiện nay, tại các tỉnh phía nam, sầu riêng đang vào chính vụ thu hoạch và mặt hàng này chỉ thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế. Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chiếm hơn 50% tổng số lượng xe.
Theo ước tính, sản lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu qua Cửa khẩu Hữu Nghị trong tháng 6/2023 có thể đạt hơn 20.000 tấn.
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Advertisement