01/06/2023 08:39
Thêm nhiều thị trường 'rộng cửa' với quả vải Việt Nam
Bộ Công Thương cho biết, Công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu quả vải và nhãn năm 2023 đến hiện tại đã cơ bản hoàn tất, hoạt động giao thương, vận chuyển, logistic với các thị trường nhập khẩu sau khi mở cửa trở lại về cơ bản đã thuận lợi.
Chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay
Báo cáo tại "Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 với chủ đề "Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn", diễn ra chiều 31/5, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Thời gian qua, địa phương đã tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2023 cao nhất từ trước đến nay. Ước sản lượng vải toàn tỉnh năm 2023 trên 180.000 tấn; thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 25/5 đến ngày 30/7/2023.
Năm nay, thị trường xuất khẩu của vải thiều Bắc Giang, Trung Quốc tiếp tục được xác định là thị trường truyền thống, các thị trường tiềm năng là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc)...
Đối với tỉnh Hải Dương, ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho hay: năm 2023, vải của tỉnh dự kiến khoảng 61.000 tấn; trong đó, vải sớm khoảng 31.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 30.000 tấn. Vải của Hải Dương hầu hết được sản xuất theo quy trình an toàn, trong đó có 500 ha vải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.
Ngoài ra, hiện toàn tỉnh Hải Dương có 203 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường; trong đó Trung Quốc là 13 mã, còn lại là Hoa Kỳ, Australia, Newzeland, Nhật Bản và Thái Lan. Vải của Hải Dương mẫu mã đẹp, thời gian thu hoạch vải sớm bắt đầu từ ngày 15/5 đến ngày 5/6. Vải thiều chính vụ bắt đầu thu từ ngày 05/6 đến hết tháng 6/2023, tập trung trong khoảng từ 10-20/6.
Đối với trái nhãn, hiện có diện tích canh tác toàn tỉnh trên 4.730 ha, tổng sản lượng khoảng 45.000 tấn (giảm khoảng 10% so với năm 2022).
Thời điểm thu hoạch đối với trà nhãn sớm khoảng nửa cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2023, sản lượng khoảng 9.000 tấn; trà chính vụ từ giữa tháng 7 đến tháng 8/2023 sản lượng khoảng 28.500 tấn; trà muộn nửa cuối tháng 8 đến đầu tháng 10/2023, sản lượng khoảng 7.500 tấn.
Hạn chế trong xuất khẩu
Bên cạnh thuận lợi, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong tiêu thụ và xuất khẩu.
Ông Trần Quang Tấn nêu, hiện chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không cao; chưa triển khai công nghệ bảo quản vải thiều để vận chuyển bằng đường biển; tình trạng việc ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía bắc hằng năm vẫn diễn ra; việc chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội để sang thị trường Hoa Kỳ đang trong quá trình triển khai; năng lực trong việc tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế; vải thiều vẫn chủ yếu được tiêu thụ, xuất khẩu quả vải tươi.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Hảo cũng chỉ ra một số khó khăn đối với doanh nghiệp địa phương như năng lực tiếp cận và đàm phán ký kết xuất khẩu sản phẩm còn hạn chế; tình hình kinh tế các nước EU khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ của thị trường đối với mặt hàng quả vải, nhãn từ Việt Nam, còn nhiều rủi ro về thanh toán tại một số thị trường...
Trước tình hình đó, đại diện các địa phương đề xuất, kiện nghị các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu, đưa nông sản Việt Nam ra thế giới.
Cùng nhìn nhận vào những khó khăn trong việc xuất khẩu trái vải, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu trái vải năm 2021 đạt 48 triệu USD, năm 2022 sụt gần 42% so với năm trước. Nguyên do, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-COVID khiến xuất khẩu qua biên giới rất khó khăn. Thương lái thu mua trái vải của Trung Quốc không qua Việt Nam thu mua và thực hiện các hợp đồng.
Với các thị trường khác như Mỹ, EU thì chi phí logistics quá cao do phải vận chuyển bằng máy bay ảnh hưởng tới sức cạnh tranh về giá của sản phẩm.
Với nhãn, kim ngạch xuất khẩu nhãn năm 2021 đạt 23,3 triệu USD, năm 2022 giảm 40% còn 14 triệu USD. Tương tự trái vải, chính sách zero COVID là nguyên nhân khiến xuất khẩu vải giảm sút mạnh. Cùng đó, ngày 27/10/2022 Trung Quốc ký nghị định thư cho phép Campuchia xuất khẩu chính ngạch nhãn sang Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu trái cây này giảm.
Năm 2023, Trung Quốc bỏ chính sách "Zero-COVID" và mở cửa khẩu là điều kiện rất thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh trở lại xuất khẩu quả vải, nhãn sang thị trường này. Mặt khác, mùa vải của Việt Nam đúng vào thời điểm cuối mùa vải của Trung Quốc cũng là cơ hội tốt cho vải của Việt Nam chen chân vào thị trường tỷ dân này.
Vì vậy, để tiêu thụ tốt vải và nhãn, ông Đặng Phúc Nguyên đề nghị Bộ Công Thương làm việc với cơ quan hải quan mở một cửa khẩu riêng cho trái nhãn và vải để thuận lợi cho thông quan, hạn chế thời gian chờ đợi do loại nông sản này rất khó bảo quản và nhanh hỏng.
Tin liên quan
Advertisement