15/08/2021 11:14
Thấy gì sau vụ việc Apple tung công cụ quét ảnh phát hiện lạm dụng tình dục trẻ em?
Một bản cập nhật dành cho iPhone đã khiến nhiều người phải lên tiếng bày tỏ quan ngại về vấn đề quyền riêng tư, và nó cũng là lời nhắc nhở rằng đừng bao giờ lệ thuộc vào dịch vụ đám mây của bất kỳ công ty nào.
Khi mà chúng ta ngày càng đưa nhiều ảnh, tài liệu và video lên mây, thì bạn có bao giờ chợt giật mình: liệu có bao nhiêu dữ liệu trong số đó còn thực sự thuộc về bạn?
Đó là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra bởi một thay đổi sắp xuất hiện trên iPhone. Họ lo ngại về quyền riêng tư trực tuyến và nguy cơ bị theo dõi bởi chính quyền; đồng thời, công cụ mới của Apple cũng cho thấy phương thức lưu trữ dữ liệu số đã thay đổi theo thời gian như thế nào, buộc chúng ta phải nhìn lại cách sử dụng công nghệ của bản thân.
Nhưng trước tiên, hãy điểm lại chuyện đã xảy ra.
Mọi thứ bắt đầu vào tuần trước, khi Apple giới thiệu một công cụ phần mềm cho iPhone nhằm phát hiện những vụ lạm dụng tình dục trẻ em. Chẳng phải là quá tốt sao? Công cụ này sẽ được tích hợp vào bản cập nhật phần mềm di động tiếp theo mà Apple dự kiến tung ra vào mùa thu này. Nó hoạt động bằng cách quét iPhone để tìm mã liên kết đến một cơ sở dữ liệu chứa những nội dung ấu dâm đã thu thập được từ trước đó khi ảnh từ thiết bị được sao lưu lên iCloud, dịch vụ lưu trữ trực tuyến của Apple. Khi một số ảnh nhất định được hệ thống xác định là trùng khớp, một nhân viên Apple sẽ xem lại những bức ảnh đó trước khi báo cáo cho Trung tâm Trẻ em Mất tích và Bị lợi dụng Hoa Kỳ.
Nhưng một số chuyên gia an ninh mạng phản pháo rằng hệ thống quét nội dung này đang xâm phạm quyền riêng tư người dùng. Họ cảnh báo rằng Apple đang tạo nên một tiền lệ giúp các quốc gia nổi tiếng về việc theo dõi người dân như Trung Quốc có thể dễ dàng thông qua những bộ luật yêu cầu công ty phải sử dụng công nghệ này cho nhiều mục đích khác, như quét ảnh có nội dung chính trị chẳng hạn.
"Họ nói rằng họ không hề dự định làm những điều xấu xa với công nghệ này, nhưng ở thời điểm này, đó dường như là một sự lạc quan đến ngây ngô" - theo Erica Portnoy, một chuyên gia công nghệ thuộc tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ quyền trong thế giới số Electronic Frontier Foundation.
Đáp lại những chỉ trích, tuần này, Apple đã xuất bản một tài liệu giải thích rằng hệ thống mới của họ sẽ không quét thư viện ảnh riêng tư trên iPhone của người dùng. Ngoài ra, công nghệ quét và so sánh ảnh này sẽ không hoạt động nếu người dùng tắt chức năng sao lưu ảnh lên iCloud.
Nhưng bất kể Apple nói thế nào, sự xuất hiện của công cụ quét ảnh nêu trên rõ ràng là một lời cảnh tỉnh rằng các dịch vụ lưu trữ dữ liệu số mà chúng ta vẫn quen dùng đã thay đổi nhiều đến mức nào. Trước đây, hầu hết chúng ta lưu trữ ảnh số trên ổ cứng của máy tính cá nhân và trên những chiếc USB bé xíu. Chúng là những thứ chỉ thuộc về riêng chúng ta mà thôi.
Ngày nay, chúng ta ngày càng thích lưu trữ tài liệu và các thông tin khác lên "đám mây", nơi những công ty lớn như Apple, Google, và Microsoft đặt những dữ liệu này lên các máy chủ của họ. Đó là một quá trình mà các công ty lớn được ví như những con cá ăn thông tin người dùng để trở nên to lớn hơn.
Điều đó dẫn chúng ta đến với luận điểm đã đề cập ở trên: đã đến lúc phải xem lại cách bản thân sử dụng công nghệ và tìm một chiến lược rút lui nhằm kéo toàn bộ dữ liệu của bạn từ đám mây phòng khi bạn muốn rời bỏ những dịch vụ đó. Trên thực tế, đây không phải là vấn đề quá phức tạp, nhưng bạn cần nghiên cứu đôi chút.
Trong vài năm trở lại đây, nhiều người bắt đầu chọn hướng đi kép, vừa lưu trữ bản sao dữ liệu trên mây, vừa lưu trữ dữ liệu gốc ngoại tuyến, để có thể tận dụng tối đa những lợi ích của đám mây trong khi vẫn duy trì được quyền sở hữu đối với dữ liệu riêng tư. Bạn có thể tạo một máy chủ tại gia, về cơ bản không khác gì một đám mây nhưng chỉ có một mình bạn sử dụng.
Hãy đi sâu hơn về hướng đi kép này.
Sao lưu kép
Nhiều người trong chúng ta đã quen với việc tự động sao lưu dữ liệu lên các máy chủ trực tuyến của Apple, Google, và Microsoft. Những dịch vụ đám mây đó, không thể bàn cãi, vô cùng tiện lợi, và sử dụng chúng sẽ đảm bảo dữ liệu của bạn định kỳ được sao lưu lên internet.
Nhưng giải pháp tốt nhất là sao lưu kép: tạo thêm một bản sao trên các ổ đĩa vật lý - theo lời khuyên của Acronis, một công ty chuyên về bảo vệ dữ liệu. Thật tuyệt khi có sẵn một bản sao dự phòng ngoại tuyến để sử dụng khi mất kết nối internet và cần truy cập ngay đến một tập tin nào đó!
"Khá bất ngờ khi mà có rất ít người dùng chọn phương pháp sao lưu kép" - theo Topher Tebow, một nhà nghiên cứu an ninh mạng tại Acronis. "Toàn bộ mục đích của việc sao lưu là đảm bảo tính liên tục của dữ liệu, và điều đó không thể được đảm bảo nếu chỉ dùng một giải pháp duy nhất".
Việc lưu giữ bản sao ngoại tuyến của dữ liệu còn rất quan trọng nếu muốn duy trì quyền tự chủ. Sẽ thế nào nếu bạn quá mệt mỏi với việc trả phí để sử dụng các dịch vụ đám mây? Sẽ ra sao nếu máy chủ của các công ty kia bị hack? Hay sẽ ra sao nếu họ đột nhiên thay đổi cách vận hành dịch vụ theo hướng không có lợi cho người dùng?
Nếu không có một bản sao dự phòng, bạn sẽ bị ràng buộc vào hệ sinh thái của một công ty; càng ngó lơ điều đó, bạn càng khó rút dữ liệu về khi quyết định rời bỏ. Ấy thế nhưng chỉ 17% người tiêu dùng chọn phương pháp sao lưu kép - theo một cuộc khảo sát vào năm ngoái của Acronis.
May thay, sao lưu ngoại tuyến không phải là việc khó. Bước đầu tiên là sao lưu mọi thông tin số của bạn vào một thiết bị khác.
Đối với ảnh trên iPhone, lựa chọn đơn giản nhất là sao lưu ảnh vào máy tính. Trên máy Mac, hãy kết nối iPhone bằng cáp, mở ứng dụng Photos của Apple trên Mac và nhập toàn bộ ảnh vào máy. Trên Windows, bạn có thể sử dụng ứng dụng Windows Photos để làm điều tương tự. Và nếu bạn muốn chắc chắn hơn, hãy tạo một bản sao lưu toàn bộ dữ liệu iPhone với công cụ Finder trên Mac hoặc ứng dụng iTunes trên Windows.
Tiếp đó, bạn có thể tạo một bản sao lưu dữ liệu của máy tính trên ổ cứng gắn ngoài kết nối với máy tính. Những ứng dụng như Time Machine của Apple cho Mac, hay File History cho Windows sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của bạn.
Lúc này, sau khi đã sao lưu ảnh từ điện thoại, bạn có thể đưa ra quyết định tiếp theo: xoá chúng khỏi đám mây, hay đưa chúng sang một dịch vụ đám mây khác như Google Photos chẳng hạn. Chỉ cần nhớ rằng đừng để bị lệ thuộc hoàn toàn vào đám mây mới!
Đám mây cá nhân
Một phiên bản ưu việt hơn của sao lưu kép, nhưng có thể không phù hợp với tất cả mọi người: thiết bị NAS (Network Attached Storage), vốn là một máy chủ thu nhỏ cắm vào router internet của bạn, cho phép bạn truy xuất dữ liệu từ xa. Nó giống như một đám mây riêng tư ngay trong nhà bạn vậy.
Xây dựng nên một máy chủ hiển nhiên không phải là điều dễ dàng. Đầu tiên, phần mềm NAS không dễ sử dụng. Thứ hai, giải pháp này không rẻ. Một thiết bị lưu trữ kết nối internet, như Synology DS220 , có giá đến gần 300 USD, và bạn phải mua riêng ổ cứng nữa.
Một thiết bị NAS của Synology
Nhưng nếu bạn có thể làm được, thì NAS hoàn toàn xứng đáng với khoản đầu tư cũng như thời gian bỏ ra. Chỉ cần cắm điện thoại vào máy tính mỗi tuần một lần để sao lưu dữ liệu vào ổ cứng, và khi bạn đi ngủ, máy tính sẽ sao lưu dữ liệu của nó sang máy chủ mini của bạn.
Giải pháp này có thể không mượt mà như đám mây của các công ty chuyên nghiệp, nhưng vẫn đủ tiện lợi - và nó đặc biệt hữu dụng khi bạn không muốn phải nộp phí duy trì dịch vụ đám mây mỗi tháng nữa!
Chỉ một đường lùi
Kể cả nếu bạn chọn phương pháp sao lưu kép, liệu bạn có thể tránh được công cụ quét nội dung mới của Apple hay không?
Không - đó là câu trả lời của Matthew D. Green, một giáo sư chuyên về mã hoá tại Đại học Johns Hopkins, người đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ động thái của Apple. Theo ông, không có con đường trốn thoát thực sự nào, bởi một phần công nghệ này sẽ gắn chặt trong phần cứng của điện thoại, và chúng ta không thể làm được gì để tháo bỏ nó cả.
Chuyên gia mã hoá này nói rằng, đây là lần đầu tiên ông cân nhắc chuyển sang sử dụng một chiếc điện thoại Android của Google, dù điều đó đồng nghĩa phải rút về toàn bộ ảnh đã lưu trữ trên iCloud.
"Sẽ rất khó khăn" - ông nói. "Tôi có 20.000 bức ảnh được sao lưu từ năm 2010 đến nay. Đó là những thứ mà tôi không thể để mất được".
(theo NYTimes)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp