04/09/2020 15:52
Thành phố Thủ Đức sẽ là ‘kỳ tích sông Sài Gòn’ của Việt Nam?
Để xây dựng thành phố Thủ Đức thành công, chính quyền TP.HCM còn phải giải quyết nhiều vấn đề về khó khăn về tài chính, chính sách, hạ tầng giao thông,…
UBND TP.HCM vừa tổ chức buổi hội thảo lắng nghe ý kiến các chuyên gia đóng góp về dự án thành lập thành phốThủ Đức trực thuộc TP.HCM. Tại đây, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: “Chính quyền TP.HCM lắng nghe và rất cầu thị mọi ý kiến đóng góp của giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.
Dù kết quả thế nào, đích đến mà thành phố hướng tới vẫn là tạo nên một khu vực mới đáng sống, chất lượng cao với nền kinh tế năng động, đóng góp lớn cho sự phát triển của Việt Nam”.
Ý chí của chính quyền TP.HCM là thành lập thành phố phía Đông
Là người “mào đề”, PGS. TS Nguyễn Minh Hoà, Giảng viên cao cấp khoa Đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, khẳng định, mô hình thành phố trong thành phố đã được nhiều quốc gia áp dụng. Ông kể đến các hình mẫu thành công như vùng đô thị Petro Manila của Philippines, khu Songdo của Hàn Quốc, thành phố đại học Quảng Châu của Trung Quốc hay khu King Abdullah của Ả Rập Xê Út.
Vị này khẳng định, việc hình thành thành phố Thủ Đức là điều tất yếu, khách quan. Nhìn rộng ra hai bên bờ sông Sài Gòn và Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã có những thành phố không còn là đô thị vệ tinh, mà là đối trọng của TP.HCM.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định rất cầu thị về các ý kiến đóng góp cho thành phố Thủ Đức. Ảnh: Tất Đạt |
Đồng tình với cách so sánh trên, ông Nguyễn Thu Phong, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Việt Nam, khu vực quận 2 - quận 9 - Thủ Đức đang bị “lọt thỏm” giữa các chuỗi đô thị mới thành hình nhưng tiềm năng rất mạnh. “Thành phố Thủ Đức cần phải trở thành thành phố đích thực trong lòng thành phố, nó không thể là một thành phố vùng ven”, ông nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng, thành phố Thủ Đức là sẽ một thành phố mới hoàn toàn theo nghĩa đen lẫn nghĩa gốc. Điều này gây gánh nặng to lớn cho ngân sách TP.HCM. Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, khẳng định: “Chúng tôi không phải bỏ mọi thứ và làm lại mọi thứ mà sẽ chọn các cực trong thành phố mới để từ đó phát triển lên”.
Vị này nói thêm, TP.HCM hiện đang thiếu dư địa để phát triển theo chiều rộng. Chính quyền thành phố đặt ra yêu cầu khi phát triển thành phố phía Đông không phải là một thành phố không phát triển từ quỹ đất mà là một thành phố sàng tạo và tương tác cao.
“Ý chí của toàn thể chính quyền TP.HCM là thành lập thành phố phía Đông, tăng tỷ lệ điều tiết về ngân sách và thay đổi cơ chế, thể chế về quản lý”, ông nhấn mạnh.
Thách thức còn nhiều và khó nhận ra
Sự cấp thiết và quyết tâm là thế, nhưng việc xây dựng thành phố mới không phải là điều dễ dàng. Theo ông Hoà, vấn đề quan trọng nhất và nan giải nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp theo chiều rộng, dịch vụ nhỏ - trung bình và nông nghiệp truyền thống sang nền kinh tế tri thức và công nghệ cao là chủ yếu.
Về kinh tế - tài chính, thành phố Thủ Đức chắc chắn cần có nguồn lực rất lớn về tài chính. Làm thế nào để thị trường bất động sản không phát triển méo mó, đầu cơ, trục lợi, ảo giá cũng là vấn đề mang tính bền vững về dòng tiền.
TS. Nguyễn Minh Hoà cho rằng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là vấn đề nan giải cho thành phố mới. Ảnh: Tất Đạt |
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng: “Trước tiên cần tìm cho ra cái gì là cái khó khăn. Thuận lợi thì dễ thấy, còn thách thức mới là thứ có nhiều và khó nhận ra”.
Về mặt luật pháp, ông Cương lo ngại khi chưa rõ, thành phố trực thuộc thành phố thì sẽ được xếp vào cấp hành chính gì vì điều này sẽ quyết định hàng loạt chính sách tương ứng. Ông cho rằng, chính quyền TP.HCM cần cho hiến kế nhiều phương án tổ chức bộ máy hành chính để thống nhất được đâu là hướng đi tối ưu nhất.
Thách thức lớn nhất đối với tiềm lực phát triển của thành phố Thủ Đức vẫn là nguồn kinh phí. “Trong khi đất đai đang bị đầu cơ, quỹ đất ở đâu để chúng ta làm thành phố. Nguyên lý là đô thị sinh ra từ quỹ đất. Với việc đầu cơ đất như thế, chúng ta sẽ vượt qua như thế nào”, ông đặt vấn đề. TS Cương cho rằng, nên gán kinh phí đầu tư hạ tầng trên từng m2 đất để chính những chủ sở hữu bất động sản tại đây sẽ cùng xây dựng thành phố mới.
Hạ tầng giao thông sẽ là gánh nặng cho thành phố phía Đông khi vùng này vốn trũng thấp. Ảnh: Thuận Tiện |
Giao thông cũng là điều nan giải của thành phố mới, nhất là giao thông công cộng, tiêu chí quan trọng hình thành nên thành phố thông minh. TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông Vận tải, Trường Đại học Việt Đức, cho rằng, thực tế giao thông công cộng vẫn còn hạn chế ở phía Đông. Cùng với đó, mạng lưới giao thông đường bộ phía Đông còn khá mỏng sẽ cản trở từ việc kết nối liên vùng đến tương tác nội vùng của thành phố mới.
Vị này cho rằng: “Thành phố mới cần nối dài tuyến metro 2 sang đến khu Trường Thọ, mở thêm các tuyến đường sắt ngắn và mở rộng 3-4 lần tuyến xe buýt hiện hữu”. Theo ông Tuấn, giao thông công cộng là nơi “neo đậu” của các dịch vụ như gọi xe, xe đạp thuê, các dịch vụ trung chuyển,… Vì thế, giao thông công cộng phải là xương sống cho thành phố phía Đông.
Thành phố Thủ Đức sẽ là “kỳ tích sông Sài Gòn”?
Với sứ mệnh trở thành “kỳ tích sông Sài Gòn”, theo lời ví von của PGS. TS Nguyễn Minh Hoà, vấn đề quy hoạch thành phố Thủ Đức được nhiều chuyên gia mổ xẻ.
Với góc nhìn về kinh tế, GS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng thành phố Thủ Đức đang có 3 câu hỏi cần tìm được lời giải đáp.
Bản đồ quy hoạch 6 trọng điểm sáng tạo của thành phố Thủ Đức. Đồ hoạ: Sasaki Encity |
Trước hết, dự án đã tính đến hành vi thay đổi cơ bản so với trước đây của con người, nhất là các công ty lớn sau đại dịch COVID-19 chưa. Theo ông, con người sắp tới sẽ ưa thích giao dịch trực tuyến, vì thế thành phố cần cân nhắc để quy hoạch không bị lãng phí.
Thứ hai, nguồn tài chính nằm ở đâu. GS Thơ nhấn mạnh: “Quỹ đất thì hữu hạn, trong khi ý tưởng sáng tạo và nguồn kinh phí để thực hiện nó thì vô hạn. Chúng ta cần phải có chính sách đặc biệt, một khu vực đặc biệt để đồng tiền nước ngoài giao dịch tự do, chính sách đặc biệt về visa lao động cho người nước ngoài,… Đó mới chính là nguồn tiền to lớn cho chúng ta”. Ông nhấn mạnh, thành phố mới không chỉ kiếm tiền từ quỹ đất mà phải kiếm tiền từ chính hệ thống luật lệ đổi mới, sáng tạo của nó.
Thứ ba, ông cho rằng, rào cản lớn hơn cả của dự án nằm ở Ngân hàng Nhà nước. Khi thành hình, nguồn vốn chảy vào thành phố mới được cấp thế nào, đánh thuế ra sao, quản lý ra sao… là vấn đề rất quan trọng. Ông Thơ khẳng định, điều này liên quan đến cả an ninh quốc gia. Giáo sư nói thêm: “Tôi đồng ý việc đưa dự án này vào văn kiện chính trị Đại hội Đảng XIII, đây là một biểu hiện cao nhất cho ý chí của Đảng, Nhà nước và nhân dân để hiện thực hoá việc biến Việt Nam thành quốc gia phát triển”.
Thành phố Thủ Đức cần tập trung trở thành thành phố khoa học - công nghệ, giáo dục và sinh thái. Ảnh: Fanpage ĐHQG-HCM. |
Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Hạnh Nguyên, trưởng Bộ môn Lý luận Lịch sử, Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM, dành mối quan tâm lớn đến văn hoá của khu vực. Bà cho rằng, nếu làm tốt trong việc xây dựng thành phố Thủ Đức, “đó cũng sẽ là một di sản trong tương lai”.
TS Nguyên mở ra góc nhìn mới. Thay vì hướng đến các chức năng cần nhiều thời gian và nguồn lực để phát triển, chính quyền TP.HCM cần xem lại các mục tiêu hàng đầu của đô thị mới. “Chúng ta cần tập trung về giá trị cốt lõi đã sẵn có của thành phố mới. Đó là khoa học và công nghệ với Khu Công nghệ cao và ĐHQG-HCM, đó là thể thao với quy hoạch sẵn có của khu Rạch Chiếc, đó là miền sông nước với tiềm năng về sinh thái của khu Tam Đa”.
Bà cho rằng, chức năng của thành phố Thủ Đức có thể hướng đến là một thành phố khoa học, thành phố giáo dục và thành phố sinh thái. “Nếu chúng ta không quá đặt nặng mục tiêu có được 30% GDP của cả TP.HCM từ khu vực này, mà chú ý đến các giá trị cốt lõi thì thành phố mới sẽ thành công theo một cách riêng”.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement